Hơn một năm nay, mặt nước Hồ Tây chưa bao giờ lặng 'sóng'

15/04/2017 09:23 GMT+7

(lienminhbng.org) - Khởi đầu từ thông báo số 50/TB-VP, ngày 17/3/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc di dời bến thủy nội địa, hơn một năm nay, “mặt nước” Hồ Tây (Hà Nội) chưa bao giờ lặng “sóng”.

Hồ Tây là thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, có giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử to lớn, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Có thể nói, khu vực Hồ Tây là sự tích hợp của cả vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, ý nghĩa môi trường và không gian tâm linh, chiều sâu lịch sử… tạo thành Không – Gian – Văn – Hóa gắn liền với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên, ngoài việc bị xâm lấn mà chỉ từ khi hoàn thành kè con đường quanh hồ mới chặn đứng được, thì bộ mặt Hồ Tây hầu như chưa bao giờ xứng với giá trị và kỳ vọng của người dân Thủ đô đối với khu vực không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc này.

Ngoài tốc độ đô thị hóa quá nhanh với các công trình cao tầng tua tủa bóp nghẹt không gian đã bị thu hẹp thì các hoạt động dịch vụ, kinh doanh trên hồ và xung quanh hồ không được tổ chức một cách quy củ cũng làm cho bộ mặt Hồ Tây trở nên nhếch nhác… Vì vậy, việc cải tạo, chỉnh trang, và chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ… để bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây xứng đáng với Thủ đô vươn tới mục tiêu “Xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và bền vững” là điều cần thiết và cấp bách, trong đó có việc di dời bến thủy nội địa trên Hồ Tây.

 
Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây

Thế nhưng, cách tiến hành lại có điều gì đó không ổn đã tạo nên “làn sóng” phản ứng của các doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp và đặt ra những dấu hỏi từ phía dư luận.

Khởi đầu bằng thông báo di chuyển bến thủy nội địa, chủ trương này đã nhanh chóng được đẩy đi theo những chiều hướng khác nhau, có lúc mang tính cực đoan như ngừng cung cấp các dịch vụ cấp điện, cấp nước cho các hoạt động dịch vụ; tiến hành thanh tra, kiểm tra; cưỡng chế… Và cuối cùng là yêu cầu các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa ngừng kinh doanh, phá dỡ toàn bộ tàu thuyền, bến cảng mà không hề có phương án “hậu giải thể” như thế nào, đẩy các doanh nghiệp và người lao động vào bước đường cùng. Từ đó tạo nên sự phản ứng và những ý kiến khác nhau, nhiều khi trái chiều trong dư luận.

Một câu hỏi đặt ra: Như vậy, chủ trương của thành phố là cải tạo, chấn chỉnh hay chấm dứt hoạt động các dịch vụ kinh doanh trên ở Hồ Tây?

Đùa giỡn với nguy hiểm rình rập trên 'xác' nhà nổi Hồ Tây

Đùa giỡn với nguy hiểm rình rập trên 'xác' nhà nổi Hồ Tây

Tình trạng này đang diễn ra thường xuyên và liên tục trong thời gian gần đây. Cứ chiều đến là nhiều người, số đông là giới trẻ, các em học sinh lên đây để hóng mát và xem mặt trời lặn.

Nếu là cải tạo, chỉnh trang thì tại sao lại không hướng dẫn các doanh nghiệp đang kinh doanh hợp pháp đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thành phố, mà lại “chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây”?

Còn nếu chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp này thì lại cần có sự bàn bạc, thỏa thuận, xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương án bồi thường, hỗ trợ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu để bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Và một câu hỏi tiếp tục được đặt ra, liệu sau đó thành phố có “chấm dứt hoàn toàn” các hoạt động đã nêu trên ở Hồ Tây? Nếu không thì phải chăng thành phố thực sự muốn cải tạo, chỉnh trang, quản lý và khai thác Hồ Tây theo hướng văn minh, văn hóa, khoa học hay chỉ là thay thế doanh nghiệp này bằng doanh nghiệp khác? Và như vậy chẳng hóa ra lại chấn chỉnh sự “nhếch nhác” trong hoạt động dịch vụ ở Hồ Tây bằng sự “nhếch nhác” khác của quản lý?

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 cùng Quy hoạch quản lý kèm theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô xác định, khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận vẫn là yếu tố chủ thể của nội đô lịch sử, là điểm chuyển tiếp và kết nối không gian của các trục hướng tâm.

CHÙM ẢNH: Ngắm chiều thu Hồ Tây

CHÙM ẢNH: Ngắm chiều thu Hồ Tây

Khi hoàng hôn buông xuống vạn vật thay đổi theo tự nhiên, sắc tím mong manh của chiều muộn Hồ Tây dường như khó có nơi đâu có được.


Theo quy hoạch, đây là trung tâm văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của thành phố; khu bảo tồn sinh thái đô thị kết hợp với xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang kiến trúc hạ tầng đô thị. Do đó, các hoạt động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí là không thể thiếu; có điều, nó cần phải được tổ chức một cách quy củ, khoa học và văn minh.

Vì vậy, dư luận ủng hộ việc chấn chỉnh sự nhếch nhác trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ở Hồ Tây hiện nay và đồng tình với việc xây dựng “Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế”. Tuy nhiên, kế hoạch này cần phải được xây dựng một cách khoa học, khả thi, có lộ trình để bảo đảm đúng quy hoạch, mục đích, hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng với lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, khu vực Hồ Tây là không gian văn hóa đặc biệt nên việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý và khai thác cần hết sức thận trọng, làm sao bảo đảm hài hòa giữa yếu tố hiện đại với bản sắc dân tộc và chiều sâu văn hóa. Và, trong khi chưa xây dựng được Kế hoạch một cách chi tiết, khoa học thì chỉ nên chấn chỉnh chứ không nên can thiệp thô bạo vào hiện trạng Hồ Tây, thay thế sự nhếch nhác này bằng một sự nhếch nhác khác khoác áo “hiện đại”.

VIDEO, HÌNH ẢNH đang cưỡng chế nhà nổi, du thuyền Hồ Tây

VIDEO, HÌNH ẢNH đang cưỡng chế nhà nổi, du thuyền Hồ Tây

8 giờ 30 phút ngày 23/2, các cơ quan chức năng quận Tây Hồ tiến hành cưỡng chế, di dời các nhà nổi, du thuyền tại khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi (Hà Nội).

Cái kết cục Hồ Tây bị lấn chiếm, xâm hại, nhếch nhác… hiện nay chính là hậu quả của việc buông lỏng quản lý trong một thời gian dài. Rất may là trong cuộc gặp mới đây của Chủ tịch UBND thành phố với các bên có liên quan đã phần nào giải tỏa lo ngại của doanh nghiệp nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.

Hy vọng với Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây và quyết tâm đi đôi với hành động của UBND thành phố Hà Nội lần này, Hồ Tây sẽ phát huy được giá trị của một di sản độc đáo, trở thành điểm du lịch, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí xứng đáng với Thủ đô “Xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và bền vững”.

TTXVN/Bùi Văn Doanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm