25/03/2022 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Vậy là Quang Hải đã quyết tâm bước ra khỏi “Vùng an toàn”. Anh không gia hạn với Hà Nội FC và như người đại diện của anh khẳng định, cũng không tìm cơ hội ở các đội bóng khác tại Việt Nam. Quang Hải chấp nhận đối mặt với những thách thức ở nước ngoài, cho dù đấy là cuộc phiêu lưu có rất ít triển vọng thành công.
“Vùng an toàn” của bóng đá Việt
Quang Hải là hạt nhân của thế hệ 2018, tức lứa cầu thủ vụt sáng tại Thường Châu (Trung Quốc) và duy trì được đỉnh cao cho đến thời điểm này. Có người còn gọi, đó là “Thế hệ kim cương” khi vươn đến những chiến tích mà chưa từng có thế hệ nào của làng cầu Việt có được. Nếu xét về độ tuổi bình quân, những người như Quang Hải vẫn còn đến 4-5 năm nữa để tận hưởng các đặc quyền mà hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp khác ở Việt Nam không có được: Một suất trên ĐTQG và tiền lương hàng trăm triệu mỗi tháng.
Thế hệ của Hải tạo ra một “vùng an toàn” cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG. Để dễ hình dung, chúng ta hãy nhớ lại thời điểm mà Việt Nam thất bại trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020, rất nhiều chỉ trích tạo lên áp lực cho HLV Park Hang Seo và các học trò của ông, nhưng ngay sau đó, chỉ cần một chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2022 thì dường như mọi thứ trở lại như cũ. Người ta tin rằng, bằng cách này hay cách khác, thế hệ của Quang Hải vẫn sẽ tạo ra được những điều mới mẻ, kể cả khi chẳng ai biết các cầu thủ có còn giữ được khát vọng như những ngày đầu hay không.
Không ai dại gì thay đổi công thức chiến thắng, điều đó không có gì sai. Nhưng với một nền bóng đá luôn phải tìm cách vươn lên như Việt Nam, thì đó là một mô-típ nguy hiểm. Nó tạo ra một ảo giác, như thể chúng ta đang đứng trên một ngọn đồi xung quanh đầy cỏ xanh và hoa vàng, trên đầu mà bầu trời xanh đẹp đẽ, không ai muốn rời khỏi đó vì ngại rằng chỉ cần bước ra khỏi ngọn đồi thì mọi thứ chẳng còn đẹp như cũ.
Đó có thể là lý do mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam quyết định tạm hoãn V-League đến 4 tháng để có quỹ thời gian đủ nhiều cho đội tuyển U23 thực hiện nhiệm vụ tại SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022. Người ta làm thế, đơn giản vì không muốn các đội bóng trẻ thất bại tại 2 đấu trường nói trên. Hay nói cách khác, người ta sợ nếu như U23 mà không thành công thì sẽ kéo theo những thất bại khác trong tương lai. Khi ở trong một “vùng an toàn”, thì rất khó chấp nhận thất bại.
Người ta càng có lý do để ở yên trong vùng an toàn vì suốt hơn 4 năm qua, bóng đá Việt Nam chẳng có gì thay đổi cả. Ngoại trừ những chiến tích của đoàn quân do Park Hang Seo dẫn dắt, thì V-League chẳng có gì mới: Tài trợ thay đổi theo từng mùa, bản quyền truyền hình chưa bán được ra tấm ra món và ngày càng thiếu những nhà đầu tư có đam mê thực thụ.
V-League 2022 chỉ còn 13 đội, trong đó có 3 CLB không có nhà tài trợ nào trên ngực áo. Hệ thống thi đấu của các giải trẻ vẫn vậy, mỗi năm đá chưa quá chục trận với thể thức thi đấu VCK theo kiểu tuyển chọn cầu thủ chứ không hình thành các giải đấu League nhằm tăng số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ vốn có rất ít cơ hội đá V-League.
Những gì mà thế hệ của Quang Hải có được là “vô tiền khoáng hậu”, nhưng thực tế phũ phàng: Nó chẳng tạo ra cú hích nào cho bóng đá nội địa. Và theo quy luật bấy lâu nay của bóng đá Việt Nam, sau một thế hệ thành công sẽ là một quãng thời gian trầm lắng, sa sút. Chính vì thế, người ta lại càng muốn ở trong “vùng an toàn” hiện nay càng lâu, càng tốt.
Hãy bước ra, nếu có thể
Đâu phải Quang Hải và người đại diện của anh không biết những rủi ro khi ra nước ngoài thi đấu. Từ Lê Huỳnh Đức, đến Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu… sau quãng thời gian ngắn ngủi ra nước ngoài chơi bóng là đi xuống của sự nghiệp. Nếu biết trước điều đó, có khi họ chẳng xuất ngoại làm gì!
Nhưng Quang Hải đã chọn cách bước ra khỏi “vùng an toàn”. Có khi đó là sự dũng cảm, dấn thân. Có khi, Quang Hải biết nếu có ở lại Việt Nam thì... cũng chẳng đi đến đâu cả!
Một cầu thủ tài năng, thông minh đến mức “quái” như Quang Hải đủ khả năng để nhận thấy sự “đứng yên” của bóng đá Việt Nam. Nó có thể tốt với đa số, nhưng có khi lại là điều tồi tệ với một tài năng như Quang Hải. Hãy nhìn lại 2 trận đấu của Hà Nội FC tại V-League mùa này.
Trận đầu tiên, không có Quang Hải thì Hà Nội FC bị cầm hòa. Đến trận thứ 2, chỉ cần Quang Hải đá trên sân mấy phút thì Hà Nội FC có chiến thắng đầu tiên nhờ bàn duy nhất của anh. Hiểu một cách đơn giản, Hà Nội FC cần Quang Hải để tạo ra “vùng an toàn”, bảo đảm các chiến thắng khi cần thiết. Nhưng ngược lại, nếu đặt mình vào vị trí của Quang Hải, chúng ta sẽ thấy chẳng còn thách thức nào cho bản thân cả.
Điều Quang Hải cần là sự cạnh tranh cho từng phút ra sân, là sự gian khó khi tìm cách đưa bóng vào lưới đối phương, là thất bại để nhìn thấy những khiếm khuyết của bản thân, là một bước lùi để nỗ lực hơn, khao khát hơn trước khi tiến thêm 2 bước nữa.
Hãy nhớ rằng, cái “vùng an toàn” hiện nay của thế hệ Quang Hải được tạo ra bởi một giai đoạn khủng hoảng chưa từng có của bóng đá Việt Nam, tức giai đoạn 2011-2016, với những thất bại cay đắng liên tiếp tại SEA Games 2011, 2013, 2015 và những giải đấu đầy sự ngờ vực ở AFF Cup 2012, 2014, 2016. Nhưng chính cuộc khủng hoảng ngày đó đã ra đời một Công ty VPF, Học viện HAGL - Arsenal JMG cũng như một loạt cuộc “tẩy rửa” vô cùng đau đớn ở V-League để lấy lại sự trong sạch tối thiểu cho giải đấu này.
Thế nên, sẽ vô cùng đáng tiếc nếu như trong giai đoạn đỉnh cao của một thế hệ, mà nền bóng đá lại chọn cách đứng yên một chổ để hưởng thụ cho bằng hết những gì đã phải trả giá để có được. Câu chuyện xuất ngoại của Quang Hải là một lời nhắc nhở sâu sắc cho những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, rằng hãy tìm cách để thay đổi, hãy bước ra khỏi “vùng an toàn” thay vì tận hưởng nó để rồi trao lại gánh nặng vinh quang ấy cho những người kế thừa.
Sự im lặng "chết chóc" Nếu tính từ tháng 5/2021, khi V-League 2021 bị dừng lại rồi sau đó là hủy bỏ cho đến tháng 7/2022, lúc V-League trở lại thì có đến hơn 12 tháng các CLB chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam ở trong tình trạng “đói bóng”. Vấn đề là tại sao không có nhiều CLB phàn nàn về tình trạng của mình cho dù ai cũng biết, họ gặp muôn vàn khó khăn trong việc duy trì chế độ tập luyện. Có 2 giả thuyết: Một là, họ cũng không dám “đụng chạm” đến vấn đề của các đội tuyển. Sự phản ứng nào đó, có khi sẽ bị hiểu nhầm là “không biết hi sinh cho quyền lợi quốc gia”, thế nên tốt nhất là im lặng. Hai là, bản thân các CLB cũng chẳng thấy thiệt hại gì khi …không đá bóng, nên chẳng việc gì phải phản ứng. Cho dù là lý do gì đi nữa, sự im lặng ấy hoàn toàn không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Bởi một khi người ta không dũng cảm lên tiếng đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng của mình, có thể vì họ cũng chẳng biết… mình có quyền lợi gì cả. Điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam không hề chuyên nghiệp dù đã tròn 20 năm kể từ khi V-League ra đời. Hơn 10 năm trước, một người bận rộn chuyện làm ăn như bầu Kiên vẫn nhẫn nại đi tham gia từng buổi hội thảo của VFF tổ chức nhằm đưa ra các ý kiến phản biện, đòi hỏi quyền lợi cho công cuộc đầu tư của mình. Hay như năm 2012, các ông bầu gác chuyện làm ăn, quyết liệt đấu tranh để cho ra đời Công ty VPF, bởi họ tin rằng điều đó sẽ bảo vệ cho quyền lợi của mình. Thế nên, sự im lặng hiện nay của các CLB, chính là biểu hiện của việc… chẳng có quyền lợi gì để mà lên tiếng cả. Nó đi ngược hoàn toàn với cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó. |
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất