01/07/2022 07:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã chính thức ký hợp đồng với Pau FC, một đội bóng nhỏ đang chơi tại Ligue 2. Nếu xem đây là bước đi đầu tiên, thì phía trước của Quang Hải là một hành trình rất dài, rất khó khăn. Nhưng đó không phải là vấn đề, bởi quan trọng là bóng đá Việt Nam đã có một cột mốc.
Không phải cái gì cũng... nhỏ
Nếu so với các cầu thủ Đông Nam Á khác, thì vóc dáng của Quang Hải không quá bé nhỏ. Thấp hơn anh, nhưng Chanathip vẫn có chỗ đứng ở J-League 1.
Tuy nhiên, châu Âu là một câu chuyện hoàn toàn khác. Công bằng mà nói, thể hình chắc chắn là một điểm yếu của Quang Hải khi sang chơi bóng ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, nơi vẫn ưu tiên cho dòng cầu thủ đến từ châu Phi với các tố chất vượt trội về thể lực.
Quang Hải là một cầu thủ nhỏ con ở trong một đội bóng… nhỏ bé của bóng đá chuyên nghiệp Pháp. Điều đó gợi lên cho chúng ta một hình dung, rằng đây không phải là một điểm đến có thể phát triển sự nghiệp của Quang Hải lên một tầm cao nào một cách nhanh chóng.
Theo lẽ thường, cầu thủ càng ít tên tuổi thì càng nằm ngoài tầm quan sát của các đội bóng lớn nếu như họ muốn tìm nhân sự mới. Ở tuổi 25, Quang Hải càng không phải là một nhân tố giàu tiềm năng để đầu tư.
Nói cách khác, kể cả khi Quang Hải được ra sân thường xuyên và chơi tốt, thì cơ hội để tiến xa cũng vẫn khó hơn những người khác.
Nhưng trong bối cảnh mà mọi thứ đều có vẻ khiêm tốn hơn so với sự kỳ vọng, thì chúng ta cần nhìn nhận một điều lớn lao mà thương vụ Quang Hải mang đến cho bóng đá Việt Nam.
Đó là lần đầu tiên, một cầu thủ Việt Nam chủ động xuất ngoại, tự chọn CLB của mình, trải qua tất cả các thủ tục cần thiết của một thương vụ chuyển nhượng thuần túy, để có thể chơi bóng ở châu Âu. Chưa từng có một cầu thủ Việt Nam nào làm được điều tương tự.
Những chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam trước đó, đều ít nhiều mang tính thử nghiệm, có gắn liền với quyền lợi thương mại, thông qua các mối quan hệ tài trợ của doanh nghiệp, hoặc đơn giản chỉ là các hợp đồng cho mượn (kiểu như “hàng ký gửi”) mà đội bóng tuyển mộ thường chẳng mất gì.
Trong khi đó, chính sự bé nhỏ của Pau FC đã chứng minh được bản chất sự lựa chọn của Quang Hải, là anh muốn được chơi bóng thực sự ở châu Âu, trong một môi trường giàu tính cạnh tranh. Điều đó giúp Quang Hải khám phá bản thân cho dù có thể vì nó mà Quang Hải sẽ mất rất nhiều thứ tại Việt Nam vốn đã có sẵn cho anh.
Đó chính là khía cạnh to lớn của thương vụ này. Về lý thuyết, nếu không thể hiện được gì tại Pau FC thì thất bại của Quang Hải lớn hơn nhiều so với các chuyến xuất ngoại khác của đồng hương.
Hải là ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam đương đại, và khác với trường hợp của Công Phượng, Công Vinh hay Văn Hậu, Xuân Trường … Hải sẽ chẳng có gì để giải thích cho thất bại của mình cả.
Khởi đầu bằng sự khiêm nhường
Sau kỳ AFF Cup 2020, HLV Park Hang Seo từng nói, bóng đá Việt Nam cần trở lại với sự khởi đầu khiêm nhường. Chúng ta hãy nhìn nhận thương vụ của Quang Hải theo một cách như thế.
Pau FC chắc chắn là không thể bằng nếu so về tên tuổi với Heereveen (Hà Lan) hay Sint-Truident (Bỉ), Leixoes mà các cầu thủ Việt Nam khác từng khoác áo. Thế nên đã có chút thất vọng về điểm đến này của Quang Hải.
Nhưng một lựa chọn phù hợp thì sẽ có cơ may dẫn đến kết quả thành công lớn. Trong trường hợp Quang Hải được ra sân thi đấu thường xuyên, thể hiện được tầm vóc tài năng của mình, thì những cầu thủ Việt Nam khác sẽ có được sự tự tin lớn.
Tại giải U23 châu Á vừa qua, chiều cao trung bình của cầu thủ Việt Nam còn tốt hơn cả đội vô địch của Saudi Arabia. Thể hình đã không còn là điểm yếu, nhưng vẫn còn đó những thách thức về sức bền, khả năng va chạm và hòa nhập văn hóa.
Cao to như Văn Hậu nhưng vẫn thất bại ở Hà Lan là một ví dụ. Nhưng nếu Quang Hải thành công, thì mọi thứ sẽ khác, bởi khi đó chúng ta sẽ có thể hoàn thiện lộ trình xuất ngoại cho mình.
Ở chiều ngược lại, thì cũng sẽ dễ dàng kết luận: Đừng vội sang châu Âu vào thời điểm này.
Bóng đá Việt Nam có một điểm dở, đó là rất khao khát phát triển, nhưng khi đến một đỉnh cao nào đó, thì lại chẳng biết làm gì tiếp theo. Chúng ta tin cầu thủ của mình đủ khả năng xuất ngoại, nhưng hoàn toàn chẳng có một lộ trình cụ thể nào.
Ví dụ như trường hợp của Công Phượng. Tiền đạo HAGL sang Nhật đá J-League 2 nhưng chủ yếu ngồi dự bị, thì sau đó lại sang Hàn Quốc đá K-League, vẫn dự bị. Vậy mà ở lần xuất ngoại kế tiếp, lại sang tận Bỉ để đá giải đấu cao nhất nước này. Tất nhiên là không thể ra sân phút nào. Đó đâu phải là một lộ trình hợp lý, chuyện thất bại là đương nhiên. Vấn đề là tại sao nó vẫn diễn ra?
Câu trả lời nằm ở 2 chữ “khiêm nhường”. Điều quan trọng là phải biết bóng đá Việt Nam ở đâu, cầu thủ Việt Nam đạt mức năng lực nào, từ đó mới biết chúng ta cần gì.
Pau FC là một lựa chọn khiêm tốn, nhưng phù hợp vì nó trao cho Quang Hải cơ hội ra sân. Thành công hay thất bại không quan trọng, cái chính là ở một môi trường cho phép “được cạnh tranh”, Quang Hải sẽ biết rõ sức mình có thể đá được tại châu Âu hay không.
Đó là thứ mà Văn Hậu hay Công Phương không thể biết được khi mà ngay cả việc được đưa vào danh sách đăng ký thi đấu cũng đã là quá khó khan với họ.
Đến lúc bóng đá Việt Nam cần một khởi đầu khiêm nhường trên mọi khía cạnh. Một danh hiệu AFF Cup, một lời giải đáp về khả năng chơi bóng ở châu Âu của cầu thủ, một V-League giàu tính cạnh tranh và có khả năng làm ra tiền từ khán giả. Nếu không có những yếu tố đó, những thành công hiện tại sẽ mất nhanh như khi nó đến.
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất