27/11/2017 13:13 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Sáng 27/11, Hội thảo Tương lai bóng đá Việt Nam đã diễn ra tại TP.HCM mà không có đại diện của các CLB ở V-League hay giải hạng Nhất tham dự như quảng cáo trước đó của BTC Hội thảo.
Tham dự buổi Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, nguyên TBT báo Bóng đá Vũ Mạnh Hải, nguyên Còi vàng Dương Mạnh Hùng, HLV Lê Thụy Hải…
Chủ đề mà đơn vị tổ chức nêu ra được ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, phát biểu: “Chúng ta đến đây để thể hiện trách nhiệm nhằm hướng tới nền bóng đá phát triển. Rất nhiều vấn đề còn tồn tại khiến bóng đá Việt Nam không thể tiến xa như từ năm 2009 đến nay, không có đội tuyển U23, ĐTQG nào lọt đến trận chung kết giải đấu khu vực dù được kỳ vọng rất nhiều. Những tồn tại về công tác trọng tài, CĐV không mặn mà, mất niềm tin với bóng đá Việt, Chính phủ cũng đã vào cuộc…”.
Ông Vũ Mạnh Hải: "Bóng đá Việt Nam đang ngộ nhận sự chuyên nghiệp"
"VFF đã trải qua 7 nhiệm kỳ (trong đó có 3 nhiệm kỳ thời bao cấp, 4 nhiệm kỳ lúc xã hội hóa), đặc biệt ở nhiệm kỳ khóa VII khác biệt không phải cán bộ cao cấp Nhà nước cử qua làm Chủ tịch VFF mà là một doanh nhân. Chúng ta đang lãng phí nguồn lực bóng đá Việt Nam trên con đường hướng tới chuyên nghiệp thực sự.
Tôi nghe báo cáo rằng từ năm 2013-2014 đến nay, bóng đá Việt Nam đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Nhưng theo tiêu chuẩn của AFC mà tôi tìm hiểu 5 tiêu chí để được là CLB chuyên nghiệp là cơ cấu phát triển cầu thủ; đào tạo trẻ; bộ máy quản lý; pháp lý; tài chính thì chỉ có HAGL đáp ứng khá đầy đủ, còn 13 CLB còn lại chưa đáp ứng được.
Một tiêu chí quan trọng nhất là sở hữu được một SVĐ của mình. Các CLB chịu sự ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế thay vì phụ thuộc vào ngân sách địa phương. CLB không kinh doanh ra tiền, hoạt động không độc lập nên vấn đề này nảy sinh nhiều chuyện nguy hiểm như nhiều CLB đã bỏ giải.
Chúng ta thực sự đang ngộ nhận về bóng đá chuyên nghiệp. Sau 17 năm mới có HAGL đáp ứng khá đầy đủ những tiêu chí của AFC. Tôi nghĩ trong tương lai, chúng ta không nhất thiết phải ép đủ 14 CLB đá V-League mà chỉ có 7 CLB đáp ứng giải chuyên nghiệp, chỉ nên tổ chức giải cho chừng ấy đội còn lại các đội không đáp ứng được thì xuống chơi hạng Nhất.
Từ năm 1989-1993, bóng đá Việt Nam đá đâu thua đó. Nhưng đến nhiệm kỳ 1993-1997, chúng ta đã lên hạng chiếu trên khu vực từ đó đến nay. Nó là bước tiến vững chắc và công lao lớn thuộc về các nhà chuyên môn nằm trong bộ máy VFF.
VFF hiện nay là tổ chức bóng đá nhưng không coi trọng những người hoạt động nghề nghiệp. Các chuyên gia bóng đá, cựu cầu thủ, danh thủ…, những người có hiểu biết sâu và được đào tạo bài bản, ngày càng ít trong bộ máy VFF.
Vấn đề nữa là rất cần thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam để danh chính ngôn thuận, hạn chế những bản án oan sai mà cầu thủ không được bảo vệ, rất không công bằng. Tôi lấy ví dụ điển hình như vụ 9 cầu thủ Ninh Bình bị VFF treo giò vĩnh viễn. Khi kiến nghị lên AFC, họ chấp thuận tương tự. Các cầu thủ không có ai được bảo vệ, tôi nghĩ phải phân biệt ra từng hoàn cảnh, từng người cụ thể, thay vì phạt nặng tất cả như thế ".
HLV Lê Thụy Hải: "VFF là tổ chức có nghiệp, không nghề"
"Trước đây tôi hay lên trụ sở VFF nhưng giờ lên ấy thì hơi ngại vì không ai muốn tiếp mình. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, như thể thì phải có người có nghề làm ở trong đấy. Tuy nhiên nhiệm kỳ VFF khóa VII này có nhiều người không có nghề mà ngồi ấy thì rất buồn cười. Các phòng ban VFF không có nghề như Trưởng Ban đào tạo, Trưởng Ban các ĐTQG, Hội đồng HLV QG thì hữu danh vô thực. Tôi hay đùa anh Hiển chỉ ngồi cho vui thôi, rất lãng phí, chẳng làm được gì. Mà anh Hiển là người rất giỏi chuyên môn.
Tổng kết của VFF hay nhất là câu hoàn thành giải mà không bị vỡ. Họ nên tập hợp chất xám của giới chuyên môn, có hiểu biết về bóng đá và vẫn muốn đóng góp xây dựng cái chung. Chúng tôi không phải nói để nhảy vào cái suất của VFF mà bóng đá Việt Nam là của chung, chúng tôi nói không ảnh hưởng đến ai cả, chỉ muốn bóng đá Việt Nam tốt lên.
Ngày xưa chúng tôi có tiền đâu, lương công nhân đá ở sân Hàng Đẫy có trận bán sạch vé, người dân phải leo trên mái nhà xem khiến nhà sập. Còn giờ bóng đá có điều kiện hơn về mọi mặt nhưng tranh chức vô địch không ai xem.
VFF đang tồn tại không có định hướng gì hết. Tôi lấy ví dụ tuyển HLV cho đội tuyển Việt Nam phải qua rất nhiều quá trình, thậm chí phải nắm được nền tảng văn hóa, đất nước. Bất cứ HLV nào muốn làm đội tuyển phải theo hướng đấy. Lâu dài nên tận dụng các HLV nội thay vì HLV ngoại vì có nhiều thời gian tìm hiểu, trao đổi chuyên môn lúc thi đấu.
VFF cần có Giám đốc kỹ thuật định hướng lâu dài, tạo bản sắc hoặc Hội đồng HLV Quốc gia để theo dõi đánh giá suốt quá trình làm việc của HLV. Cần định hướng từ cấp đào tạo trẻ, năng khiếu. Quản lý và theo dõi lứa trẻ thông qua Giám đốc kỹ thuật (về sân bãi, dinh dưỡng, điều kiện tập luyện...). Chính vì vậy, việc phân cấp các vị trí chủ lực trong đội tuyển hay CLB cần phải có người có chuyên môn cao và am hiểu thực lực bóng đá nước nhà".
Cựu Còi vàng Dương Ngọc Hùng: "Trọng tài là nạn nhân, cũng là tội đồ"
"Bóng đá với tôi là đam mê, tình yêu. 10 năm cống hiến với sân cỏ thì tôi có rất nhiều trăn trở, vì thời gian cống hiến có hạn nên phải nghỉ từ năm 2007. Chúng ta biết sau năm 2005, cơn bão tiêu cực quét qua khiến nhiều trọng tài đã phải nghỉ. Khi đó tôi còn làm nhưng nhiều anh em còn có chuyên môn đã không được cống hiến nữa.
Tháng 12/2005, Đại hội V chuẩn bị ra đời bổ nhiệm lại Trưởng Ban trọng tài là anh Nguyễn Văn Mùi để làm lại lứa trọng tài mới. Anh ấy nói cho tôi từ 3-5 năm nữa sẽ làm lại được lứa tốt, không có gì đáng ngại cả. Nhưng đứng ngoài cuộc quan sát trực tiếp và qua lời của đồng nghiệp cũ, tôi thấy họ nói nhưng không làm được. Uy tín của trọng tài bị mất đi và vẫn không thay đổi.
Trọng tài trước khi bước vào nghề ý thức được nghề này là cao quý, được trọng vọng thì họ vui và hãnh diện. Nhưng khi thực sự bước vào nghề rồi thì dù được trang bị đầy đủ nhưng ngược lại họ chẳng thấy định hướng nghề nghiệp, tương lai gì.
Lúc mới vào nghề, trọng tài là nạn nhân, khi đi sâu vào cuộc chơi thì họ thành tội đồ. V-League có 10 trận thì 5-6 trận trọng tài phải biết đón ý nhau phục vụ trận đấu đó cho một số cá nhân, một số người, một số đội bóng. Trong cuộc chơi ấy tôi thấy cực kỳ tồi tệ. Nếu không biết đón ý được thì trọng tài khó tồn tại lắm.
Trọng tài là nạn nhân của cuộc chơi cấp trên. Sau này như các bạn biết, trọng tài cũng là con người Việt Nam nhạy bén, uyển chuyển, rất giỏi vấn đề này thì họ lồng vấn đề này vào cuộc chơi dẫn đến tiêu cực và tiếp đến phá nát giải đấu. 10 năm tôi theo nghề tôi nhận thấy nếu im lặng, lắng nghe thì mới tồn tại thay vì đưa ra chính kiến xây dựng vì cái chung thì sẽ ra đi. Điển hình là trọng tài Xuân Hòa tại sân Chi Lăng năm 2008, gần đây là Đinh Văn Dũng hay trước đó là tôi".
Việt Hà (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất