31/07/2019 06:58 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trẻ quen với điểm 10, ra ngoài làm gì cũng dễ... nản - đó là chia sẻ của một đại biểu tại Ngày hội trẻ em Việt Nam DFC 2019 tổ chức tại TP.HCM.
Câu chuyện về điểm 10 vài năm gần đây luôn tạo ra những tranh luận trái chiều, những hoài nghi về “chất lượng” thật sự của nó, đặc biệt là giai đoạn cuối của năm học. Phải chăng dễ dãi với điểm 10 cũng sẽ để lại “bệnh” dễ nản chí ở trẻ?...
Nhìn nhận khách quan thì điểm 10 là mong muốn của bất kỳ ai khi đi học, từ người trẻ đến người già. Nhiều học sinh cũng như phụ huynh hay lấy điểm tuyệt đối làm mục tiêu phấn đấu khi đi học, là thước đo trình độ khi thi cử.
Nhưng khi phụ huynh biến cái điểm tuyệt đối này thành áp lực cho các em khi đến trường thì câu chuyện lại chuyển sang một chiều hướng khác.
Nhìn lại thời kỳ còn đi học của mình, tôi nhớ rằng điểm 10 chúng tôi đạt được không nhiều lắm. Đặc biệt là các bài thi học kỳ, thi chuyển cấp, rồi thi vào đại học. Những người đạt điểm tuyệt đối khi đó hầu như là những bạn xuất sắc, giỏi thực sự, sau này cũng rất thành công trong cuộc sống. Các giáo viên khi đó thường hay động viên chúng tôi rằng hãy phấn đấu nhiều hơn, chưa đạt điểm 10 tức là vẫn còn mục tiêu để theo đuổi, cho nên không được ngừng cố gắng.
Cũng giống như quy luật của cuộc sống, cái gì có nhiều và dễ dàng đạt được thì giá trị sẽ giảm đi, sẽ không còn nhiều sự hứng thú hay cảm giác hãnh diện khi đạt được nó. Điểm 10 cũng như vậy. Khi mà học sinh dễ dàng có được điểm số này thì đương nhiên chuyện một ai đó đạt điểm 10 trở nên bình thường, thậm chí điểm 10 còn đang bị “lạm phát”.
Thí sinh dự tuyển vào lớp 6 một trường chuyên năm học mới này phải đáp ứng được những yêu cầu vô cùng khắc nghiệt về hồ sơ. Một trong những yêu cầu ấy là: Tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9; còn lại là phải toàn điểm 10. Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: Toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý.
Hẳn dư luận vẫn còn nhớ bức thư của một em học sinh lớp 4 gửi cho bố mẹ nói về chuyện điểm 10 vào thời điểm kết thúc năm học 2018-2019. Trong "thư", cậu bé nhắc đến áp lực từ bố mẹ khi lúc nào cũng đòi hỏi con phải được 9, 10 điểm và bố mẹ không hài lòng, thậm chí đánh đòn khi cậu chỉ được 7, 8 điểm.
“Lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết… Bố mẹ không biết đam mê của con mà chỉ biết sau này con phải thật tốt, kiếm ra nhiều tiền”, những dòng chia sẻ non nớt của học sinh lớp 4 khiến người lớn không thể không suy ngẫm.
***
Liệu bản thân các em có đủ tự tin với những điểm số tuyệt đối mà mình đạt được? Sau này khi gặp những khó khăn, những trở ngại công việc liệu các em có thể xử lý được không khi mà luôn ảo tưởng mình toàn điểm 10?
Một đại biểu tại Ngày hội trẻ em Việt Nam DFC 2019 chia sẻ câu chuyện như sau:Khi cho các em thực hiện một dự án kêu gọi các hàng quán hạn chế rác thải nhựa, các em tỏ ra rất chán nản, bi quan. Hỏi ra thì mới biết rằng, các em gửi đi 6 thư nhưng chỉ nhận được 2 thư phản hồi vì thế buồn chán, thất vọng. Thực tế thì có 2 thư phản hồi cũng đã là rất tốt.
Hầu như học sinh Việt đã quá quen với việc làm gì cũng phải đạt điểm 10 nên cái gì không như ý là mất tinh thần, chán nản - vị đại biểu này nhận định.
Vấn đề nào cũng có hai mặt, thiết nghĩ chúng ta cần xem lại cách nhận xét, chấm điểm để làm sao đạt được mục đích, đó là tạo cho các em sự tự tin, mạnh dạn trong học tập và trong cuộc sống. Không ảo tưởng về những gì mình đã đạt được và quan trọng hơn là nhận biết được giá trị thật của điểm 10 - một điểm tuyệt đối không phải dễ dàng đạt được.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất