Hằng năm, sẽ tôn vinh “Quốc hoa” bằng ảnh

24/11/2012 11:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một thông tin được đưa ra khi cuộc thi ảnh Sen trong đời sống văn hóa Việt kết thúc (tối 22/11) và gây sự chú ý lớn từ dư luận: Kể từ 2012, những cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật tương tự sẽ được tổ chức thường niên để tôn vinh loại hoa sắp trở thành Quốc hoa này.

Tác phẩm giải Nhất "Tuổi thơ mùa Hè."

Thực tế, phải đợi đến khi Chính phủ phê duyệt hoa sen mới chính thức được coi là Quốc hoa của Việt Nam. Nhưng, kể từ khi vấn đề “Quốc hoa” được đưa ra, gần như loại hoa này là sự lựa chọn chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc thảo luận hay trưng cầu nào. Và triển lãm Sen trong đời sống văn hóa Việt cũng nằm trong tinh thần hưởng ứng lựa chọn trên.

1. “Tổ chức thi với mật độ 2 năm/lần sẽ hợp lý hơn về góc độ kinh tế. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì thường niên cuộc thi này”. Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Công ty truyền thông Kinh Đô, cho biết. Thực tế, bà chính là người có sáng kiến về cuộc thi ảnh Sen trong đời sống văn hóa Việt và ý tưởng của bà Tâm nhận được sự tán đồng từ ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng Ban Biên tập Ảnh - TTXVN, thành viên Hội đồng Giám khảo): “Trước cuộc thi này, chỉ có lác đác vài triển lãm ảnh cá nhân của các nghệ sĩ về đề tài hoa sen. Bởi thế, một sân chơi quy tụ đông đảo các tay máy, nhìn hoa sen dưới mọi góc độ của đời sống, trải dài suốt từ quá khứ tới hiện đại... là điều hợp lý và có giá trị cao”. Theo phân tích của ông Dũng, nội hàm văn hóa - lịch sử ẩn chứa trong hoa sen là lý do để những sáng tạo về đề tài này luôn phong phú và không bao giờ lặp lại ở các cuộc thi nhiếp ảnh.

Thật ra, như chia sẻ của những người tổ chức, lo lắng lớn nhất khi cuộc thi diễn ra nằm ở nguy cơ “lạc đề” của các tay máy. Nghĩa là, thay vì “nhìn” hoa sen trong mối tương tác với văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt, người chụp rất có thể chỉ... mải mê với việc đặc tả vẻ đẹp thẩm mỹ của loại hoa này. Tuy nhiên, hơn 1.000 bức ảnh dự thi đã khiến nỗi lo ấy tan đi - khi gần như mỗi bức ảnh đều là một góc nhìn độc đáo và giàu triết lý về hoa sen.

“Chúng tôi khá ngỡ ngàng khi cuộc thi chỉ diễn ra có 3 tháng mà lại thành công đến vậy” - ông Phạm Tiến Dũng nói.  Sen nở, sen tàn, hoa sen, lá sen... hàng loạt góc nhìn của những người cầm máy đều độc đáo và gắn với những suy tưởng riêng. Rồi, liền kề với hoa sen là những góc độ của đời thường, của tâm linh, của người phụ nữ VN tần tảo, của Bác Hồ - người sinh ra ở làng Sen và từng hơn một lần được so sánh với loại hoa này...”.

Thậm chí, theo phân tích của Hội đồng Giám khảo, dù chỉ chụp đặc tả một bông hoa sen, bức ảnh giành giải Nhì của Phạm Kim Thanh vẫn được đánh giá rất cao khi chọn cái tên Tinh khiết. Bởi, từ ý tưởng tới cách tiếp cận và góc máy đặc tả trong bức ảnh này đều rất thống nhất, giàu cảm xúc và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của một bông sen trắng...

2. Lễ trao giải diễn ra vào tối 22/11 chỉ có sự tham dự của... duy nhất một tác giả tại Hà Nội. Chủ nhân của 10 giải thưởng khác hiện đang sống rải rác tại các khu vực miền Trung và miền Nam. Như nhận xét của ông  Phạm Tiến Dũng, bản thân điều này cũng là một thông tin thú vị, bởi vẻ đẹp của sen đã thấm đẫm tới mọi vùng khác nhau trên mảnh đất hình chữ S.

Nguyễn Xuân Chính, tác giả xuất hiện tại lễ trao giải, là người Hà Nội. Thế nhưng, tác phẩm Tuổi thơ mùa Hè của anh lại được thực hiện tại Huế, gần khu vực phá Tam Giang. Tất cả như một cơ duyên, vì Chính đang là phóng viên của tạp chí Truyền hình Hà Nội và cũng từng thực hiện một triển lãm ảnh cá nhân về thành phố của mình. “Lần ấy, tôi chọn tên triển lãm là Góc nhỏ Hà Nội. Bởi, vẻ đẹp của Hà Nội luôn ẩn hiện, xuất hiện chớp nhoáng và bắt người cầm máy phải chờ đợi, chứ không là vẻ đẹp cố định và có thể thấy bất cứ khi nào”.

Bức ảnh giành giải Nhất cuộc thi Sen trong đời sống văn hóa Việt được Xuân Chính thực hiện cũng từ một vẻ đẹp ẩn hiện như thế, dù anh không chụp ở Hà Nội. “Chuyến công tác ấy, tôi dừng lại khi thấy đầm sen bên đường. Sen tại Huế mọc rất dày, bởi người dân nơi đây trồng sen chủ yếu để lấy hạt. Giữa buổi trưa, ánh sáng không thật thuận lợi, tôi vẫn cầm máy lên, bởi những gì đang bày ra trước mặt gợi đến sự man mác, nên thơ và yên ả của một làng quê VN điển hình...”.

Dự kiến, trong thời gian tới, 75 tác phẩm đẹp nhất của cuộc thi Sen trong đời sống văn hóa Việt sẽ tiếp tục được mang đi trưng bày tại các tỉnh thành trên cả nước.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm