20/04/2020 21:24 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sân khấu kịch 5B đóng cửa mấy năm trời, và khi Giám đốc NSƯT Mỹ Uyên quyết định mở cửa lại vào đầu năm 2018 thì đã có thêm nhiều gương mặt mới tham gia. Trong đó có cây hài Quốc Thịnh, và không ai ngờ anh trở thành một diễn viên quá duyên dáng, được ái mộ vô cùng.
Quốc Thịnh hài duyên lắm, anh chẳng cần lạm dụng hình thể hay ngôn ngữ hài nhảm, chỉ khéo léo nhấn nhá lời thoại hoặc sử dụng vẻ ngố ngố của mình là ra tiếng cười. Đôi khi không ngố, lại lanh chanh, vẫn tạo được hiệu ứng.
Duyên từ 10 năm trước
Thật ra Quốc Thịnh đã từng diễn ở 5B hơn 10 năm trước, khi mà đạo diễn Ái Như và Thành Hội còn cộng tác nơi này. Quốc Thịnh là học trò của 2 nghệ sĩ ấy, cùng lứa với Tuyết Mai, Ngọc Duyên, Thế Sơn, đã đi theo thầy cô từ những bước đầu chập chững. Vai diễn hay nhất của Quốc Thịnh là cậu con trai tên Đức trong vở Bàn tay của trời (kịch bản NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như), một cậu ấm ỷ vào thế lực và tiền bạc của cha mình để tác oai tác quái, gây án mạng, rồi bị trừng phạt. Quốc Thịnh với vẻ mặt ngổ ngáo, du côn, ăn nói hỗn xược, hiếp đáp người khác, khán giả xem mà… thấy ghét. Quốc Thịnh gây ấn tượng về khả năng đóng phản diện như thế.
Nhưng không ngờ, Quốc Thịnh đã rẽ sang con đường diễn hài một cách ngoạn mục, mà sân khấu Hoàng Thái Thanh đã dành đất cho anh rất nhiều. Những nhân vật tưng tửng như người chồng lười biếng (trong Oan tình ai thấu), ông quản gia (Con ma nhà họ Hứa), anh công nhân (Vườn nho đắng)… đều đem lại tiếng cười rộn rã.
Và hiệu ứng hài của Quốc Thịnh càng được phát huy khi anh bắt đầu cộng tác với bà bầu Mỹ Uyên từ 2018. Vở đầu tiên Những giấc mơ lóng lánh khán giả cười muốn bể rạp vì anh chàng ca sĩ hát rong nói đặc sệt tiếng miền Trung. Anh vào Sài Gòn kiếm sống, trong cảnh tha phương cầu thực không ngờ lại gặp được một cộng đồng sống đùm bọc nhau như thế. Cái xóm nhỏ Sài Gòn với đủ loại người, loại nghề, tiếng cười tiếng khóc đan xen, mà trong đó tiếng cười do anh ca sĩ miền Trung là khuấy động nhất.
Khán giả chợt nhận ra Quốc Thịnh rất hợp với sân khấu nhỏ. Vì ở cự ly gần thì người ta sẽ thấy được rất rõ nét hài của anh, cảm nhận rõ từng chi tiết trên gương mặt, ánh mắt, giọng thoại. Bởi Quốc Thịnh không có cách diễn hài cường điệu, anh diễn nhẹ nhàng nhưng chi tiết, cho nên với cự ly gần thì tương tác với khán giả tốt hơn. Vì vậy, chỉ một vai hài đầu tiên ở Sân khấu 5B, Quốc Thịnh đã được ái mộ.
Thế là anh được các đạo diễn chọn vào rất nhiều vai nữa. Tiền là số một có nhân vật Tửng vì muốn thoát nghèo nên bỏ quê lên Sài Gòn bán kẹo kéo. Sự hồn nhiên tỉnh lẻ pha chút ma lanh của giang hồ kiếm sống không đủ làm người ta ghét anh, mà lại thấy thương. Thương cho những thân phận trôi dạt bến đời, cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, nhưng chí ít còn giữ lại lương tâm, phẩm chất.
Bên đàng dệt mộng có anh Củi si tình, yêu cô con gái của thầy dạy nghề cho mình, cuối cùng tình yêu không đạt được nhưng anh giữ được nghề dệt thủ công mà thầy anh tâm huyết. Củi có nhiều lớp diễn đáng yêu quá xá, một mối tình si ngây thơ khờ khạo nhưng sắt đá đến nao lòng. Cười rồi khóc cho nỗi buồn Trương Chi không với tới lầu son của tiểu thư.
Rất nhiều vở ở 5B đã kéo khán giả lại nhờ cái duyên của anh nghệ sĩ hài nhỏ thó.
Đường nghệ thuật bất ngờ không định trước
Nhắc chuyện nghệ thuật, Quốc Thịnh ngỡ như một cơn mơ. Cách đây hơn 10 năm, Thịnh thi vào trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, nhưng học mất nửa năm thì anh nhận ra hình như mình không phù hợp với ngành nghề này. Thế là mạnh dạn nghỉ học. Nhưng cũng chưa biết chọn con đường nào để đi… Cho đến một hôm nghe tin trường Văn hóa Nghệ thuật TPHCM tuyển sinh, thôi thì vô thi đại. Ai ngờ trúng tuyển. Và bắt đầu học với hai người thầy nổi tiếng nghiêm khắc là Thành Hội-Ái Như. Cái khó của chuyên môn nghề nghiệp chưa đáng sợ bằng cái khó của “sư phụ”. Nhưng chính trong cái nôi giáo dục ấy mà một loạt học trò như Quốc Thịnh vẫn sống và làm nghề tử tế cho đến bây giờ. Hoàng Vân Anh, Ngọc Duyên, Tuyết Mai, Công Danh, Quốc Thịnh… đều nổi tiếng, không phụ lòng thầy cô kỳ vọng.
Nhớ lại những năm tháng đi học, Quốc Thịnh bồi hồi: “Lúc đó tụi tôi nghèo lắm, nhưng mê nghề lắm. Sân khấu như một thánh đường mở ra trước mắt chúng tôi, và ai nấy quần quật học hành, tập dợt quên cả mệt nhọc. Thầy cô bắt tôi đóng đủ các loại vai bi hài độc lẳng chứ đâu có phải chỉ diễn hài. Cho nên hồi đó thật tình tôi cũng không nghĩ là mình sẽ trở thành “hề”. Cứ mơ những chính kịch hoành tráng. Chừng ra trường, cũng có đóng chính kịch, nhưng loay hoay thế nào mà đóng hài lại tốt hơn. Thế là từ đó tôi phải đi luôn trên con đường…định mệnh”. Anh cười vui vẻ với “số phận” trời cho.
Nhưng thật ra Quốc Thịnh có duyên hài từ ngoài đời rồi chứ không đợi bước lên sân khấu. Cô vợ Tuyết Mai “tố cáo”: “Hồi ổng đi học ổng quậy lắm chị ơi! Ổng chuyên làm trò cho cả lớp cười. Khi cưới nhau rồi, ổng cũng hề suốt ngày, cả nhà vui lắm. Thôi kệ, có ông hề trong nhà cũng xả xì trét”.
Lấy hai chữ “tử tế” làm đầu Hai vợ chồng Quốc Thịnh - Tuyết Mai thường diễn chung với nhau nên gom góp tiền mua chiếc xe hơi để đi vì nhà xa tận Hóc Môn, diễn khuya về cũng lo chuyện an toàn. Nhà của cha mẹ, nên hai đứa con gởi ông bà nội trông giùm, thật tiện lợi và hạnh phúc. Cả hai vợ chồng chỉ biết có nghề diễn, chấp nhận sống giản dị, gói ghém. Thịnh nói: “Người ta cũng mời tôi tham gia gameshow nhưng tôi từ chối. Tôi không chê gameshow nhưng thiệt tình là không có thời gian. Lên truyền hình cả triệu người xem, phải tập dợt kỹ lắm chứ làm ẩu là chết danh mình luôn. Tôi đóng kịch, đóng phim, viết kịch bản, đạo diễn, đã kín lịch rồi. Trời cho bao nhiêu xài bấy nhiêu, miễn vui và khỏe, đừng có cố quá”. Và cuối cùng phương châm sống lẫn làm nghề của Quốc Thịnh vẫn là theo lời dạy của thầy Thành Hội, cô Ái Như, lấy hai chữ “tử tế” làm đầu. |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất