02/05/2017 07:08 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Khi nơi sinh là trên “chín tầng mây”, thật khó điền vào giấy khai sinh, và việc xác định quốc tịch của công dân “nhà trời” ấy cũng không phải đơn giản.
Tuy không phổ biến, nhưng vẫn có một số trường hợp các bé chào đời trên “chín tầng mây”…Chuyến bay “bão táp”
Không, trời trong và lặng gió. Chuyến bay số TK538 từ Conakry (thuộc Guinea, Tây Phi) đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thông thường có một lần đỗ giữa đường lấy khách ở Ouagadougou (thủ đô của Burkina Faso). Nhưng đêm thứ Sáu đầu tháng Tư vừa qua, dù thời tiết thuận lợi, vẫn không phải là một đêm bình thường.
Trong cabin của chiếc Boeing 737-900 với màu cờ Hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) có một cô gái Pháp 18 tuổi, Nafi Diaby. “Chúng tôi không nhận thấy cô ấy có mang ở tháng thứ 9, chứ thực ra cô ấy không được phép lên tàu bay” - nữ tiếp viên Bouthayna Inanir kể với nhật báo Hürriyet. “Chúng tôi vừa dọn xong các khay đồ ăn thì sự cố bắt đầu”.
Nafi Diaby hét ầm lên, và cơ trưởng nhìn vào đồng hồ chỉ độ cao: 13.000m. Cả nhóm tiếp viên để hành khách đặc biệt ấy vào chỗ ngồi, gọi loa tìm vài người có kinh nghiệm y tế, và mấy phút sau là mọi việc ổn thỏa. Nữ công dân vừa ra đời mang tên Kadiju thêm một may mắn nữa là chuyến bay không đang trên đường đến Istanbul, mà đã gần Ouagadougou, nơi xe cấp cứu đợi sẵn để đưa hai mẹ con vào bệnh viện.
“Mẹ tròn con vuông”, cơ trưởng İrfan Kursun Gecmez thông báo ngay lên Facebook khi về đến nhà, kèm cả ảnh chụp chuyến công tác bất thường. Trông cô bé Kadiju không có vẻ gì là bị sinh non - thì ra mẹ cô có mang ở tháng thứ 9, song lại khai man là mới được 28 tuần để không bị cấm bay!
Đối với Turkish Airlines đây không phải chuyến bay “bão táp” đầu tiên. Một nam tiếp viên của công ty là Erkan Geldim từng được số phận gợi ý cho làm nghề này hồi 1990, khi anh chào đời trên mây.
“Mỗi ngày là một chuyến phiêu lưu”
Erkan Geldi kể: “Mẹ tôi rất sợ bay. Cho đến nay vẫn thế. Cứ nghĩ đến bay là mẹ tôi phát sốt phát rét, mồ hôi túa ra”. Chuyến bay đầu tiên trong đời bà là do đã có mang, không thể đi ô tô hay tàu hỏa từ Istanbul sang thăm chồng làm việc ở Frankfurt. Bay được một lúc thì bà trở dạ, không thể đợi máy bay đỗ khẩn cấp ở sân bay nào gần nhất. Tổ phục vụ chạy dọc máy bay, hỏi xem có ai giúp một tay. May cho mẹ con Geldi: một bác sĩ phụ khoa mới ra trường giơ tay. Và cơ trưởng trên chuyến bay, vốn là người có quyền lực tối cao trên cabin, hạ lệnh đặt tên đứa bé theo tên mình là Erkan.
“Bố tôi vẫn làm việc ở Đức. Hàng năm chúng tôi sang thăm ông hai lần” - Geldi kể lại trong một cuộc phỏng vấn của báo mạng Hoa Kỳ Road Warrior Voice. Gia đình Geldi giữ quan hệ tốt với nhóm tiếp viên hồi 1990 xa xưa ấy. “Mỗi khi nhìn thấy máy bay tôi lại tự hỏi, liệu có nên làm việc trên đó” - Erkan Geldi tủm tỉm, “và nhiều năm sau tôi mới tìm được câu trả lời”. Thoạt tiên anh học đại học ở Balikesir, một thành phố phía Đông Nam Istanbul, và trở thành giáo viên Anh ngữ. Một ngày đẹp trời, anh đọc quảng cáo trên báo và viết đơn xin học nghề ở Công ty Hàng không Turkish Airlines. Trong khóa học, anh và các đồng nghiệp được huấn luyện nhiều tình tiết khẩn cấp. Geldi chăm học để không bị bất ngờ khi có sự cố. Anh luôn chuẩn bị tinh thần đón nhận mọi tình huống. Đặc biệt là tình huống như hồi 1990: “Có thể có đứa bé chào đời trong ca của tôi?”.
Thủ tục xác định quốc tịch
Tháng 8 năm ngoái, một chiếc Airbus A330-300 chật như nêm cối của Cebu Air - một hãng bay rẻ của Philippines với số ghế kỷ lục thế giới là 436 - mang số hiệu 5J15 từ Dubai đến Manila phải hạ cánh khẩn cấp ở Ấn Độ khi một phụ nữ trẻ bị động thai rồi đẻ non. Bình thường giờ bay là 9 tiếng, lần đó kéo dài 15 tiếng. “Chúng tôi vừa nghe tiếng bà mẹ kêu thì tiếp đến ngay tiếng khóc oe oe rất khẽ” - như hành khách Mia Carla Soniza thuật lại trên Facebook. Hai mẹ con được tổ bay lau chùi sơ qua bằng nước suối, rồi nhân viên mặt đất đón ngay đến bệnh viện. Nhưng cơ sở y tế ở Hyderabad không biết phải làm thủ tục khai sinh ra sao.
Quả thật, vấn đề này không đơn giản như nhiều người vẫn hình dung là được sinh ở đâu thì có quốc tịch ở đó. Trong trường hợp của Erkan Geldi ở trên, ra đời khi tới Frankfurt (Đức) nhưng luật Đức quy định quốc tịch theo nguyên tắc xuất xứ. Tức là bất kể sinh ra ở đâu, đứa bé vẫn lấy quốc tịch theo bố mẹ. Điều 4 Luật quốc tịch nêu rõ: “Trẻ sinh ra có quốc tịch Đức, nếu bố hoặc mẹ có quốc tịch Đức”. Tuy nhiên bên cạnh nguyên tắc xuất xứ còn có nguyên tắc lãnh thổ, và đó là nguyên do của nhiều vấn đề, bắt nhà chức trách phải định nghĩa cho từng trường hợp cụ thể chứ không có câu trả lời phổ quát, nhất là đối với các ca “đẻ trên trời”.
Khi tàu bay đang ở ngoài không phận của các quốc gia, tức là nhìn xuống không thấy đất mà chỉ có vùng biển quốc tế, thì Liên hợp quốc quy định lấy quốc tịch của quốc gia đăng ký máy bay. Đang bay trên đất liền thì lại khác. Chiểu theo Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế (Convention on International Civil Aviation) từ năm 1943, không phận của một quốc gia cũng nằm trong chủ quyền nước đó, vậy phải vận dụng luật có hiệu lực ở đó. Lấy ví dụ Hoa Kỳ là nơi có cực nhiều chuyến bay đan đi đan lại trên trời: đứa trẻ nào được sinh ra khi bay trên đất liền của Mỹ (hay Canada) sẽ tự khắc có quốc tịch Mỹ (hoặc Canada). Giả sử bố hoặc mẹ đứa bé có quốc tịch Hà Lan và sinh con khi bay trên lãnh thổ Canada? Thì kết hợp hai luật - và con họ có cả quốc tịch Hà Lan lẫn Canada!
Chi tiết “nơi sinh” thì đơn giản hơn quốc tịch. Trong hộ chiếu của những đứa bé sinh ra trên trời thường ghi tên địa phương nơi hai mẹ con leo khỏi tàu bay. Quy định này cũng áp dụng với các tàu viễn dương, nơi không hiếm trẻ con chào đời trên hải phận quốc tế.
Vì lý do y tế, song có lẽ cũng để tránh mọi phiền hà không đáng có, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association) khuyến cáo không nhận hành khách vào khoảng 4 tuần trước khi sinh. Một số hãng còn cấm bay đối với hành khách mang thai từ tháng thứ 7.
Món quà trời cho
Để đền bù phần nào các rắc rối hành chính bất khả kháng, những “thiên tử” như trường hợp sinh non trên tàu bay chật chội của Cebu Air đôi khi nhận quà hậu hĩnh cho cách ra đời hi hữu của mình. Cebu Air quyết định tặng 1 triệu điểm - đủ để em bé cả đời bay miễn phí, nếu chấp nhận co ro bó gối suốt chặng bay, vì Cebu Air không có hạng nhất lẫn hạng thương gia!
Cô bé Virginia ra đời sớm 4 tuần trên chuyến bay từ Lagos đến London, được chủ hãng bay tặng cho 21 năm bay miễn phí với hãng Virgin Airlines, chắc cũng vì… tình cờ mang tên đầy sức quảng cáo cho hãng!?
Air Asia, hãng máy bay rẻ của Malaysia thì xông xênh hơn, tặng cả mẹ con quyền bay miễn phí suốt đời để kỷ niệm ngày sinh cho một cậu bé trên chuyến bay từ Penang đến Borneo hồi tháng 10/2009. Bà mẹ người Trung Quốc cảm ơn bằng cách gọi tên con là... Air Asia, đúng là làm khổ con.
Nhân thể nói chuyện đặt tên con: một bà mẹ người Armenia ghi tên con gái vào hộ chiếu là Asmik Gevondyan, theo tên cô tiếp viên giúp cô sinh hạ an toàn trên chuyến bay từ Novosibirsk tới Erevan. Một đứa trẻ khác ra đời năm 2012 trên máy bay của Emirates thì ít may mắn hơn, khi bị khai sinh với tên kỳ quái là EK (như ký hiệu các chuyến bay của Emirates)! Bù lại thì các hành khách hoan hỉ đã dồn cả đống tiền tặng hai mẹ con và quên cả bực dọc khi phải đáp khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất để cấp cứu.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất