Quy hoạch Khu bảo tồn Hoàng thành Thăng Long rộng trên 176 ha

25/07/2013 18:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hôm nay, (25/7), UBND thành phố Hà Nội đã lấy ý kiến để hoàn thiện lần cuối Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000).

Trước đó, ngày 11/7, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5015/UBND-VX gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Các vấn đề mà Chính phủ đã cam kết theo khuyến nghị của ICOMOS (Hội đồng quốc tế các di tích và thắng cảnh) đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể, sau 3 năm thực hiện 8 điểm cam kết của Thủ tướng Chính phủ theo khuyến nghị của ICOMOS, Khu Trung tâm Hoàng thành tiếp tục được mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu vực Thành cổ Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ học theo quyết định của Bộ VHTT&DL. 

Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu

Năm 2013, công tác khai quật tiếp tục được mở rộng tại khu vực điện Kính Thiên, khu vực xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe của Nhà Quốc hội. Song song với việc khai quật mở rộng, các cơ quan chức năng thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm hài hòa với cảnh quan di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam khu di sản.

Để thống nhất quản lý khu di sản, UBND TP Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý trụ sở của BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Phòng Bảo vệ sức khỏe TƯ 5, Cục quản trị Văn phòng Quốc hội và hiện trạng Khu A-B thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Khu di tích Thành cổ Hà Nội có diện tích 13,86ha.

Theo quy hoạch, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được tu bổ, tôn tạo thành một công viên lịch sử văn hóa, nằm trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình, có sự kết nối với Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Nhà Quốc hội.

Khu Trung tâm hiện có 119 công trình. Quy hoạch đề xuất bảo tồn nguyên trạng 7 công trình, giữ lại 19 công trình để cải tạo chỉnh trang chuyển đổi chức năng sử dụng. Quy hoạch cũng mở rộng vùng đệm bảo tồn lên trên 176 ha theo khuyến cáo của UNESCO.

Sau khi di dời trụ sở làm việc của Cục Tác chiến, khu vực Đoan Môn vào đến Điện Kính Thiên sẽ tạo thành một khối không gian thống nhất. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Các khu vực dự kiến được cải tạo như: Cải tạo lại đường Điện Biên Phủ để tạo thành một khối thống nhất cho Cột cờ và Công viên Lênin. Không gian quảng trường từ Cột cờ đến Đoan Môn. Khu vực Đoan Môn vào đến Điện Kính Thiên sẽ di dời trụ sở làm việc của Cục Tác chiến, tạo thành một khối không gian thống nhất. Khu Hậu Lâu sẽ quy hoạch thành không gian trưng bày và lưu trữ các cổ vật. Mở rộng nền Điện Kính Thiên theo hướng hạ giải một số công trình xung quanh. Tại Cửa Bắc sẽ nghiên cứu phục dựng hai lối lên bằng bậc thang như Đoan Môn…

T.Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm