Quy tụ tinh hoa

21/04/2017 06:47 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đi buôn phải có vốn. Nhiều người xưa nay coi vốn là tiền. Đó là sự lầm lẫn lớn về nhận thức. Vốn đầu tiên là kiến thức thương trường, nắm được pháp luật, năng lực hàng hóa cạnh tranh và quan trọng nữa là hiểu các đối tác. Còn nhiều thứ nữa trong nội hàm vốn nhưng hãy tạm thế đã, cũng đã thấy vốn là câu chuyện khá phức tạp.

Tiền chỉ là phương tiện cuối cùng trong nội hàm vốn. Không có tiền thì không làm được gì, nhưng không phải cứ có tiền là cái gì cũng làm được. Khả năng đi buôn là ở tri thức. Chỉ người không biết buôn mới nghĩ vốn là tiền.

Xưa nay người buôn bán thường là con nợ lớn của ngân hàng. Họ vay tiền ngân hàng, luân chuyển đồng tiền, làm cho đồng tiền lớn lên… Từ tay trắng trở thành tỷ phú.

Ngân hàng là buôn tiền dưới hình thức cho vay vốn. Ngân hàng hoạt động đúng nghĩa của nó thì luôn phải kiểm soát rất chặt chẽ các dự án có khả thi không, xem có an toàn không, rồi mới nhả tiền ra. Những nhà tài phiệt lớn đó là những nhà buôn số một, họ mạnh nhất. Họ nắm cổ các nhà buôn khác và điều khiển nhịp độ của cuộc sống xã hội.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện buôn cá giống

Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện buôn cá giống

Ngày bé tôi thấy có một người trong xóm vay mẹ tôi hai đồng để làm vốn buôn cá giống. Cái thời tiêu tiền xu, hai đồng to lắm.


Lâu nay ta hay nghe đến “dự trữ quốc gia” và hiểu đó là tiền và vàng dự trữ trong ngân khố. Dự trữ quốc gia từa tựa như tiền dự trữ của mỗi gia đình ở mức độ an toàn cho nhịp độ phát triển, giữ vững khi có biến động. Nghe nói dự trữ quốc gia nước này cao, nước kia thấp là nghĩ đến túi tiền của họ nhiều hay ít, thì đó là cái nhìn chưa đầy đủ.

Dự trữ quốc gia là quốc gia đó có một lực lượng tinh hoa làm nòng cốt để có một nền văn hóa, y tế, giáo dục hàng đầu, có nền tảng khoa học kĩ thuật vững chắc, một xã hội chung ý chí và niềm tin từ trên xuống dưới. “Dự trữ quốc gia” là vậy. Người xưa nói “Người làm ra của chứ của không làm ra người”. Điều đó sâu sắc  lắm.

Chứng minh cho luận giải này chính là nước Nhật. Họ thất bại, đất nước bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II. Vậy mà họ đã vươn lên hùng cường trên một đất nước nghèo tài nguyên bậc nhất dù thời xây dựng lại, họ không có ODA. Được thế bởi họ có chiến lược đúng đắn về mọi phương diện, mà chiến lược đó chính là do đội ngũ tinh hoa vạch ra. Sau đấy là họ đã có một nền tảng khoa học kĩ thuật  khá tốt, làm chủ được mọi vấn đề đặt ra.

***

Chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn vì hầu như trong các ngành đang thiếu thốn lực lượng tinh hoa. Những dự án thụt két nhiều tỷ đã nói lên điều đó. Trao tiền vào tay người yếu kém thì chỉ biết tiêu phí và làm hỏng việc dẫn đến nợ công chồng chất và kéo theo nó là hàng loạt hệ lụy các vấn đề  xã hội.

Nghe nợ công quá lớn, nhiều người hoảng sợ. Nhưng nó không đáng sợ bằng thiếu thốn lực lượng tinh hoa. Bây giờ càng thấy rõ câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được nhìn nhận từ thời phong kiến vẫn là nóng hổi.

Từ mười mấy năm nay cứ hỏng việc là người ta nói đến cái cơ chế lạc hậu cần thay đổi cho phù hợp với bước tiến xã hội; nhưng nói mà không chịu thay đổi nên không thể thoát khỏi cơn bóng đè triền miên.

Và thực tế bây giờ đã lộ diện khắp nước đến quận, huyện, xã - phường, nhiều nơi cả nhà kéo nhau làm quan, thì thấy ngay khả năng bòn vét riêng tư mạnh đến nhường nào, nó ăn vào hệ thống kết cấu chặt chẽ khó mà phá bỏ!

Phải dũng cảm nhận thức lại, quy tụ lại lực lượng tinh hoa của đất nước mới mong có sự thay đổi.

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm