14/11/2017 07:16 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tôi, một người đàn ông thích cái đẹp, thấy chị em mình là những người khổ sở vì cái đẹp nhất thế giới.
Hôm nọ, tôi nhìn thấy một chị vì mặc váy ngắn quá, không dám cho hai chân lên chỗ để chân của xe máy, cứ để thả cả hai chân tà tà gần sát mặt đường, quệt cả vào viên gạch, làm cho con gái nhỏ ngồi sau suýt nữa thì ngã.
Và vài ngày trước khi viết bài này, một người phụ nữ trùm kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ mỗi hai mắt như những phụ nữ Hồi giáo, đã đâm sượt mũi xe ô tô của tôi, khi đang phi xe máy sang đường mà thậm chí không thèm nhìn. Xe của cô cũng không có bất cứ cái gương nào.
Tôi không rõ liệu cô ta có thể đi như thế được bao lâu nữa mà không đâm ai đó hoặc không bị ai đó đâm. Đấy có thể là cái giá phải trả cho việc giữ da cho khỏi đen?
Tôi đã hỏi điều này với vài người bạn là phụ nữ, và câu trả lời đúng là như thế. Họ không phải không có lý. Quan điểm về thẩm mỹ của mình luôn là da phải trắng, đen một tí kiểu gì cũng bị nói là “đen đúa”, là “xấu”, là “quê mùa” như “bọn đồng nát”, là nắng, bụi và khói làm hỏng da. Và để bảo vệ cho quan điểm ấy, họ trùm lên mình đủ thứ như Ninja, chỉ để lộ đôi mắt (trong khi nhiều người lại rất tích cực bôi lên da các chất làm trắng da, mà gần đây báo đài bảo là trong đó có thuốc tẩy), để rồi trở thành một cơn ác mộng, một mối đe dọa thường trực đối với những người khác tham gia giao thông hàng ngày, hàng giờ ở các đô thị lớn.
Chẳng thế mà câu của ngày xưa “Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì” có thể đổi thành “Ra đường sợ nhất Ninja/Về nhà sợ nhất vợ la hết ngày”.
Xe công nông thì hết ra đường rồi, nhưng giờ đi ngang chẳng kém công nông là không ít bà Ninja, sản phẩm của không chỉ của tư duy thẩm mỹ mà họ tự trói buộc mình trong đó, mà còn cả một thái độ bất chấp sự an toàn của chính mình và người khác trong giao thông.
Điều ấy đặt ra một bài toán khó, cả với họ và với các cơ quan quản lý giao thông đô thị. Làm thế nào có thể giải được những bài toán như thế, một khi người dân sẵn sàng chỉ trích những người cảnh sát và các chuyên gia quản lý và giao thông đô thị, trong khi chính họ lại không hợp tác và bị sự tùy tiện của mình chi phối mọi hành vi?
***
Đi lại ở Việt Nam là một câu chuyện rất dài về việc người ta có thể bất chấp tất cả chỉ để sang đường, và sẵn sàng đi ngược chiều thậm chí trên đường cao tốc cấm xe máy chỉ để khỏi phải đi vòng vài trăm mét. Đi bậy, đi lấn đường, cố gắng thò sang bên phần đường bên kia chỉ để hơn người khác một cái bánh xe là chuyện bình thường ở bất cứ đâu.
Để rồi, mới nhất, lại có chuyện một lái xe taxi đi bậy tới mức bất chấp hiệu lệnh của cảnh sát ngang nhiên lấn làn của một đoàn xe ngoại giao tại Hà Nội – được cho là đoàn xe dẫn đoàn của Tổng thống Donald Trump khi ông sang Việt Nam.
Đó không còn là chuyện "điếc không sợ súng", và tôi bắt buộc phải dùng từ ngu xuẩn.
Ngu xuẩn, bởi người ta đã quá quen làm những việc tùy tiện bất chấp luật lệ mà bản thân chưa bị trừng phạt, hoặc thấy người khác đã làm quá nhiều mà “chẳng sao”. Ngu xuẩn, bởi chỉ vì tranh thủ được vài chục giây hay lười đi vòng tránh vài trăm mét mà người ta đánh cược cả số phận mình (và rất nhiều người liên quan khác) khi tham gia giao thông như thế.
Điều gì sẽ xảy ra nhỉ, nếu chúng ta sẵn sàng sử dụng những video ghi hình để phạt thật nặng, thậm chí truy tố ra tòa đối với những hành vi kiểu ấy? Bởi, sẽ chẳng có gì thay đổi nếu người ta chỉ nói, nói hô khẩu hiệu, chỉ các khẩu hiệu, rồi chờ những người như vậy "ngoan" lên?
Trương Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất