Ra mắt bộ 'bách khoa thư' về Nam Kỳ thế kỷ XIX của tác giả Pháp

13/03/2022 21:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong 8 năm sống ở Nam Kỳ, bác sĩ người Pháp Baurac đã dành thời gian quan sát, ghi chép và cho ra mắt 2 cuốn sách dày cả ngàn trang về sự lịch sử hình thành, vị trí địa lý, dân cư, thương mại, kỹ nghệ... của vùng đất này.

Khởi động Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2: Hiểu Việt Nam từ 'di sản' thời Pháp thuộc

Khởi động Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2: Hiểu Việt Nam từ 'di sản' thời Pháp thuộc

18 đầu sách cho tới thời điểm này chưa phải con số quá lớn. Nhưng, cách mà tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus được lựa chọn và biên dịch đã cho thấy hướng đi nghiêm túc về một nhu cầu có thật: Hiểu thêm diện mạo Việt Nam giai đoạn trước qua tư liệu của người Pháp.

Cho đến giờ, Nam Kỳ và cư dân vẫn được đánh giá là “tập đại thành” đầu tiên về Nam Kỳ cuối thế kỷ 19. Bộ sách được đánh giá là nguồn tài liệu quý về Nam Kỳ, bổ sung cho các tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam thời xưa, mà phần lớn là về Bắc Kỳ, qua con mắt người Pháp. 

Trong cuốn sách, tác giả J.C. Baurac đã tiếp xúc và tìm hiểu về người dân bản xứ lẫn quan chức thuộc địa của người An Nam lẫn người Pháp qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất phương Nam. Từ đây, ông tiếp cận được nguồn dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… để tạo nên cho mình một hệ thống thông tin, tư liệu phong phú.

Đặc biệt, vốn là bác sĩ dịch tễ, Baurac ghi chép khá kỹ về tình hình dịch bệnh phổ biến như sốt rét, đậu mùa, dịch tả, về vaccine và việc tiêm chủng… giai đoạn ấy giúp bạn đọc có được cái nhìn về y tế qua những trang viết thú vị về trại tập trung, con đường lây lan dịch bệnh hay những con số thống kê về dân số trên giấy tờ không khớp với con số thực tế của người dân đi tiêm chủng… Điều này tình cờ phù hợp với sự quan tâm dịch bệnh của đa số độc giả ở thời điểm hiện tại.

Chú thích ảnh
Hơn 1000 trang sách được bác sĩ người Pháp Baurac viết vào thế kỷ XIX

Cuốn một của bộ sách có tựa Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây (năm 1894) dày 576 trang được chia thành hai phần. Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ, cụ thể là Nam Kỳ lục tỉnh xưa: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động vật và thực vật, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh và nhân vật nổi tiếng. Ở đây, tác giả cũng dành dung lượng lớn để giới thiệu về Sài Gòn, Chợ Lớn. 

Phần thứ hai gồm 12 chương, giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc, cụ thể là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.Qua cái nhìn của tác giả, một việc lớn mà chính quyền Pháp làm được cho Nam Kỳ lúc bấy giờ là xây dựng hệ thống đường sắt, phát triển hệ thống đường bộ và đường sông để kết nối các địa phương.

Cuốn hai có tựa Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông (năm 1899) dày 516 trang, J.C. Baurac giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ: gồm Mỹ Tho, Gò Công, Tân An (theo cách xếp của người Pháp, 3 địa phương này thuộc miền Đông Nam Kỳ), Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay). Các chương sách được trình bày theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính, liệt kê tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính - kinh tế quan trọng ở từng hạt. Những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích, huyền thoại liên quan. Nhìn chung, hai tập sách Nam Kỳ và cư dân đồng thời nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài, đến nay vẫn còn giá trị tham khảo cho giới nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Đây là một phần trong tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus

Bộ sách dày 1.100 trang này gồm nhiều tư liệu và hình ảnh, được  ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp và Omega Plus (Alpha Books), qua bản dịch của Huỳnh Ngọc Linh. Đây là bộ sách mới nhất trong Tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus, ra mắt vào năm 2019, đến nay đã giới thiệu với bạn đọc 22 đầu sách.Ở giai đoạn đầu, tủ sách có tên Góc nhìn sử Việt với những tác phẩm ghi chép và tài liệu du ký tản mạn của người nước ngoài tại Việt Nam.Ở giai đoạn hai, tủ sách có tên gọi mới Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ , tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm