Ra mắt nhóm 'G8': Khi 8 họa sĩ cùng 'tám'

25/02/2017 19:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lấy cái tên khá đặc biệt “G8”, nhóm họa sĩ này đã khai cuộc triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào chiều 24/2.

1.Triển lãm đầu tiên của nhóm, nhưng hầu hết thành viên của G8 lại là những cái tên lâu năm (và đã khẳng định được vị trí) trong giới mỹ thuật. Họ là 4 nữ họa sĩ: Bùi Mai Hiên, Trần Thanh Thục, Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Thùy Linh và 4 gương mặt nam: Lâm Thanh, Trần Quang Hải, Đỗ Đình Cường, Thái Vĩnh Thành.

Một nửa trong số đó sống tại Tp HCM, còn nửa kia ở Hà Nội. Và, cơ duyên để G8 ra đời đến từ sự kết nối của các gương mặt nữ - vốn đã thân thiết và là những người bạn đặc biệt của nhau trong nhiều năm. Họ cùng ở độ tuổi ngoài 50, cùng ít nhiều trải qua những lận đận – và cả những đánh đổi trong công việc hay thậm chí là cuộc sống cá nhân, để có thể theo đuổi hội họa như một triết lý sống.

Trong những lận đận ấy, người ta thấy ở họ sự vượt thoát và dám thay đổi chính mình nữa. Họa sĩ, “chị cả” Bùi Mai Hiên chẳng hạn. Là một trong những gương mặt sáng giá của mỹ thuật Việt về lĩnh vực sơn mài, chất liệu truyền thống này đã đem đến cho chị danh tiếng và cả căn bệnh dị ứng da đặc biệt sau hơn 30 năm làm nghề. Để rồi, khi phải tạm biệt sơn mài theo yêu cầu của các bác sĩ, cũng tới lúc Bùi Mai Hiên bước ra khỏi nỗi buồn để chuyên tâm chuyển sang chất liệu acrylic và có những thành công đáng kể.


Mùa xuân Sapa - tranh Bùi Mai Hiên

Họa sĩ Trần Thanh Thục lại khác. Phải tới tuổi 45, chị mới có điều kiện học xong lớp Đại học ở trường Mỹ thuật Yết Kiêu, như nguyện ước của mình. Nhưng, liền 30 năm trước thời điểm ấy là quãng thời gian chị theo đuổi và thành công ở một lĩnh vực độc đáo: tranh cắt vải. Và, khi người bạn đời vĩnh viễn ra đi, đó cũng là nơi chị gửi gắm trọn vẹn những sáng tạo, để thoát khỏi nỗi buồn, sự cô đơn đang bủa vây mình.

Họ còn là họa sĩ Trần Thùy Linh, từng có nhiều năm theo học tại Đức về văn học, từng làm việc trong các ngành du lịch và ngoại giao nhưng vẫn luôn “đắm đuối” cùng hôi họa. Là họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương,dù đến với nghề khá muộn nhưng lại được biết tới bởi nguồn năng lượng sáng tạo vô cùng dồi dào qua những thử nghiệm của mình….


Ban mai - tranh cắt vải của Trần Thanh Thục

2.Nhiều năm qua, 4 gương mặt họa sĩ nữ ấy đã thường xuyên cùng nhau tham gia các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế và hay những cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài. Để rồi, bây giờ, họ cùng các họa sĩ Lâm Thanh, Trần Quang Hải, Đỗ Đình Cường, Thái Vĩnh Thành…. đứng ra lập nhóm “G8”.

Như câu đùa của họa sĩ Trần Thùy Linh, cái tên ấy vừa liên quan tới số thành viên, vừa ít nhiều gợi tới chuyện… “tám” cho vui cùng nhau của họ. Và tất nhiên, “tám” bằng ngôn ngữ của hội họa.

Ở triển lãm “ra mắt’ (kéo dài tới 2/3) của G8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, qua tranh của các họa sĩ nữ, người xem có thể thấy những góc rừng Tây Bắc đẹp nao lòng, những cánh hoa dại nhảy múa, hay cảnh sắc hùng vĩ của  đại ngàn.Và, đằng sau vẻ đẹp của thiên nhiên ấy là những khát khao, những mơ ước, những trăn trở thầm kín… qua từng nét cọ, nét bay, collage của chất liệu tổng hợp, qua những vệt chảy của màu acrylics, những mảng sáng tối của chất liệu vải hay sự trong suốt đến không ngờ của sơn dầu.


Các thành viên nhóm họa sĩ "G8"

Còn với các họa sĩ nam, dù cùng hướng về đề tài nữ giới, các tác phẩm trưng bày lại là bốn cá tính, bốn góc nhìn khác biệt. Nếu như bút pháp mềm mại và đặc thù của chất liệu lụa giúp HS Lâm Thanh tạo nên những thiếu nữ như bước ra từ quá khứ, nuột nà ngọc ngà như tiên đồng ngọc nữ bên những bông sen tinh khiết, thì những người đàn bà của HS Trần Quang Hải lại mang một vẻ đẹp đầy ma mị, đầy khiêu khích, đậm cá tính trong một không gian siêu thực, sâu thăm thẳm nhờ những lớp sơn ta. Trong khi đó, tranh của Đỗ Đình Cường với chất liệu tổng hợp và Thái Vĩnh Thành với acrylics là một cái gì đó rất đặc trưng của giới nữ Việt thời hiện đại, với những thế giới khác biệt vừa phong phú nhưng đều ăm ắp nội tâm.

Chúng tôi xuất thân khác nhau, hiện làm nhiều công việc khác nhau, sử dụng những chất liệu và bút pháp khác nhau để tạo ra những tác phẩm thuộc nhiều trường phái” – Thùy Linh nói. “Nhưng, điểm chung để kết nối cả nhóm là tình yêu với thiên nhiên và con người”. Dự kiến, sau triển lãm, nhóm G8 sẽ lại cùng nhau lên Tam Đảo sáng tác và chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tiếp theo…

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm