Chuyện tử tế của Vừ Già Pó

09/04/2014 08:46 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Trong lúc nhiều người Việt cảm thấy xấu hổ với những thói hư tật xấu trong cộng đồng mình thì Vừ Già Pó xuất hiện. Sự xuất hiện của anh không còn chỉ là câu chuyện thú vị về một người đàn ông "3 không" (không tài sản, không giấy tờ, không ngoại ngữ) vượt 5.800 km từ cao nguyên đá Hà Giang tới Pakistan mà anh còn gieo lại niềm tin cho cả cộng đồng về những phẩm chất sẵn có và còn mãi của dân tộc.

Khi những lối hành xử tệ hại của một bộ phận người Việt ở nước ngoài chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì văn hóa ứng xử lại "thua trắng" một lần nữa trên "sân nhà". Cụ thể, sau lượt trận chung kết giải cầu lông ở Hà Nội, một nữ VĐV Nhật Bản tung vợt lên khán đài như một cử chỉ tri ân khán giả sau chiến thắng. Song sau hành động đẹp này của tay vợt nước bạn là những màn giằng co, thậm chí suýt ẩu đả trên khán đài để giành giật chiếc vợt.

Sững sờ khi thấy sự hỗn loạn trên khán đài để cướp vợt, tay vợt Yano Chiemi (đồng đội đánh đôi nữ với tay vợt vừa ném vợt lên khán đài) đã quyết định không tặng vợt khán giả. Song một khán giả đã lao vào sân cướp vợt trên tay của Yano trong sự thất thần của nữ VĐV nước bạn.

Một hình ảnh thảm hại!

Và rõ ràng, câu chuyện dựng hình ảnh “người Việt Nam xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế ta không thể chỉ trách một bộ phận đồng bào sinh sống ở nước ngoài...

2. Trong một câu chuyện khác, năm 2013, cơ quan điều tra tội phạm Pakistan có tạm giữ một người đàn ông "có ngôn ngữ lạ lùng" khi anh này ngơ ngơ đi vào vùng biên giới nước này từ phía Ấn Độ. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, việc xác định lai lịch và lý do vào lãnh thổ Pakistan của người đàn ông này rất khó khăn.

Bằng việc cho người đàn ông lạ xem hình ảnh tờ tiền các quốc gia châu Á, giới chức địa phương đã thấy người đàn ông đó "phấn khích và hạnh phúc" khi nhìn đồng tiền và màu cờ Việt Nam.

Và những câu chuyện về Vừ Già Pó (người H’ Mông ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh  Hà Giang) sau đó đã được truyền thông sở tại đăng tải và loan tỏa khắp các mặt báo thế giới.

Tất nhiên, thế giới nhớ về Vừ Già Pó chủ yếu về chuyện "xách bao ngô lên đường và... lạc" lạ lùng của anh.

3. Song giới chức Pakistan (đặc biệt những người làm việc trực tiếp với anh) và những người Việt lại ấn tượng bởi một chi tiết khác. Đó là việc vì nghèo mà Vừ Già Pó phải bỏ xứ đi làm thuê xứ người. Vì nghèo mà chàng trai H’ Mông không ngại vượt con sông Nho Quế quê nhà, vượt cả dãy Hymalaya sừng sững, băng qua mọi ranh giới lãnh thổ (trong đó có những vùng giáp ranh rất nguy hiểm) để kiếm đồng tiền nuôi vợ con.

Nhưng lên trên mọi gian khó, cao hơn mọi đọa đầy, Vừ Già Pó có được thứ mà xã hội đang khủng hoảng. Đó là lòng tự trọng và sự tự tôn. Khi trả lời trên kênh truyền hình Saama TV của Pakistan, Pó nhắc đi nhắc lại: “Tôi là người Việt Nam, không phải người Trung Quốc. Tôi là người tốt, không trộm cắp gì”.

GS Ngô Bảo Châu nhận định về Vừ Già Pó: “Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt. Anh đã trở thành một Odysseus của thời đại”.

Nhiều người nói GS Ngô Bảo Châu quá lời khi so sánh Vừ Già Pó với Odysseus. Song câu chuyện của Pó đặt trong bối cảnh “cướp vợt”, “cắp vặt” của người Việt đang “nổi tiếng” thế giới, rõ ràng, GS có cái lý riêng của mình.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm