09/03/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Lý Chiêu Hoàng là nhân vật lịch sử gợi nhiều cảm hứng cho những người làm nghệ thuật, từ phim ảnh cho tới cải lương, kịch nói. Một lần nữa, Lý Chiêu Hoàng được tái hiện trên sân khấu với vở Thành Thăng Long thủa ấy (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà), sẽ công diễn tại Nhà hát Thế giới trẻ trong các ngày 10/3, 18/3 và 1/4.
Thật sự giai đoạn lịch sử vào cuối triều Lý đầu triều Trần có quá nhiều sự kiện và nhân vật đặc biệt, vừa bi kịch vừa vĩ đại, vừa đau đớn vừa vinh quang, khiến những người hậu thế đều rung cảm. Những nhân vật như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Cảnh, Trần Liễu, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Lý Thuận Thiên đều được soi dưới những quan điểm khác nhau, phức tạp, khen, chê, thương, ghét, nể phục, căm hờn… đủ cả. Người viết sử đã tròn nhiệm vụ, nhưng người đọc sử thấy gì qua những dòng chữ bám bụi thời gian? Đó chính là nơi cho nghệ thuật sinh ra.
Vén màn lịch sử
Vở kịch không thể thiếu nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ, người đã làm nên toàn bộ kịch bản vương triều, từ việc đưa Trần Thị Dung vào làm vợ Lý Huệ Tông, rồi bức tử Huệ Tông, bắt vua truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, bắt nàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, rồi buộc nàng nhường chồng luôn cho chị gái là công chúa Thuận Thiên, chia cắt Thuận Thiên và cái thai 3 tháng trong bụng với Hoài Vương Trần Liễu. Ông còn cưới Trần Thị Dung khiến bà bị 2 con là Chiêu Hoàng và Thuận Thiên hờn oán, ông lại giết tôn thất nhà Lý để bảo vệ nhà Trần… Quá nhiều việc Trần Thủ Độ gây ra và đẩy biết bao thân phận vào bước đường tuyệt vọng, khổ đau.
Nhưng công lao của Trần Thủ Độ đối với giang sơn Đại Việt cũng không thể phủ nhận, khi ông đã vững tay lãnh đạo cuộc kháng chiến đẩy lùi vó ngựa Nguyên Mông, làm nên thời đại Đông A rực rỡ. Vở kịch cũng có những lời phân trần, lý giải cho Trần Thủ Độ và cho cả những nhân vật khác, cũng là nói giùm những khắc khoải của người đọc sử hôm nay.
Nhưng vở kịch dành phần nhiều nhất cho Lý Chiêu Hoàng. Năm 19 tuổi là năm đau thương của Lý Chiêu Hoàng khi bị truất ngôi, sau đó lại mất luôn vị trí hoàng hậu vợ vua, rời xa hoàng cung nhường chồng cho chị. 20 năm sau, bà được Trần Thái Tông ra lệnh gọi về và ban chỉ tái hôn cho bà cùng Lê Tần, một vị tướng giỏi, thầm yêu bà từ lâu. Khi tất cả mọi người về nơi chín suối, chỉ còn lại một mình với nỗi hoài niệm, xót xa, bà cũng nhắm mắt xuôi tay lúc 61 tuổi, mang theo chữ tình thời thanh mai trúc mã và chữ tha thứ cho những kẻ đã làm tổn thương mình.
Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ mà vở kịch giúp người ta nắm được những sự kiện dày đặc ấy, đồng thời lại có thể đào sâu vào từng nhân vật, lột tả nội tâm, uẩn khúc, đặt lại vấn đề. Với Lý Chiêu Hoàng, vở kịch đã khắc họa một chân dung nữ nhi trong cơn lốc chính trị, một cánh hoa trong sóng gió của nội chiến lẫn ngoại xâm khi phải hy sinh bản thân mình vì đại cuộc. Tuy nhiên, vở kịch có điểm đẹp ở chỗ, khắc họa Lý Chiêu Hoàng rất mạnh mẽ và dũng cảm, chứ không hèn yếu, nhu nhược. Bà đối đáp với Thái sư một cách thẳng thắn, tư thế vững vàng, khiến ông ta phải khâm phục. Bà thua, nhưng đầy khí phách, giữ lại chút tự hào cho triều Lý.
Lý Chiêu Hoàng còn đẹp ở chỗ biết hy sinh. Giai đoạn ban đầu, bà bị Trần Thủ Độ chi phối, nhưng về sau, bà chủ động hy sinh với một tình cảm thắm thiết và lý trí sáng suốt hơn. Bởi với 20 năm an trú ở Gia Lâm, bà có thời gian nghiền ngẫm, và nhận ra con người Trần Thủ Độ đầy mưu mô, ác độc, nhưng vẫn có tài lèo lái đất nước. Trên hết, bà nhẫn nhịn bởi bà yêu Trần Cảnh, muốn ông được an tĩnh mà tập trung giữ gìn ngôi báu, tập trung chống giặc, hết lòng xây dựng đất nước. Bà biết ông còn yêu mình, bởi ngôi hoàng hậu ông vẫn để trống từ ngày bà bị phế truất. Đó là những tình yêu lặng thầm làm người ta rơi nước mắt.
Tinh tế và tối giản
Khóc nhiều nhất có lẽ là lớp diễn Trần Thái Tông gọi Lý Chiêu Hoàng về cung để gả cho tướng Lê Tần. Bao nhiêu tinh tế hầu như dồn vào lớp diễn này. Từ bước chân e dè bà trở lại chốn xưa, từng ngón tay chạm vào thành quách năm nào, từng ánh mắt vội nhìn nhau rồi quay đi. Khi nhà vua nắm lấy tay bà để trao vào tay Lê Tần, thì cái nắm tay hoàn toàn không bình thường. Nghệ sĩ Lê Hoàng Giang đã diễn rất tinh tế, những ngón tay như cố tìm một cơ hội, một lý do để gần nhau, bởi bây giờ họ không còn danh chánh ngôn thuận để nắm tay nữa.
Rồi khi Lý Chiêu Hoàng (NSND Hoàng Yến) cũng cố tình muốn đặt tay lên tay vua, giả như cảm ơn, thì nhà vua đã kịp rụt lại. Rồi Trần Thái Tông đau đớn quay mặt đi, chỉ thấy lưng ông rung rung như cố nén từng tiếng nấc. Vì giữ lễ mà đành buông tay. Cánh cổng hoàng cung đóng sầm trong nước mắt của đôi bên.
Xem lớp diễn ấy, khán phòng lặng im phăng phắc để dõi theo từng chi tiết nhỏ trước khi những tràng pháo tay vang lên liên tục. Nghệ sĩ không dựa vào những thủ pháp thị trường quen thuộc, chỉ tỏa sáng bằng chính nội lực của mình, bằng sự chân thật ẩn trong tay nghề điêu luyện. Tay nghề yếu sẽ không thoại nổi những câu văn chương biền ngẫu, và không diễn nổi tâm lý phức tạp của nhân vật. Ngạc nhiên nhất, là ngoài Hoàng Yến, Lê Hoàng Giang, Sĩ Hoàng, Huy Thục, Phương Minh vốn rất quen thuộc với khán giả, thì diễn viên mới toanh như Tây Phong lại hoàn thành vai Trần Thủ Độ một cách bất ngờ. Từ gương mặt, thần thái, cho tới chất giọng đều toát lên khí chất Trần Thủ Độ đúng như người ta tưởng tượng.
Sự tối giản về cảnh trí cũng là cách để nghệ sĩ phải hấp dẫn công chúng bằng chính nội lực của mình. Chỉ có 2 bục cao màu trắng bạc, nổi bật trên phông màn đen, không hề có chút gì thêm. Trang phục do Sĩ Hoàng thiết kế, toàn màu đỏ, đen, để nói lên chính trường thảm khốc, nhưng lại không bị chói, bị “quê”, thế mới đáng phục. Âm nhạc sang trọng và hiện đại, có thêm vài bài rap nhưng không bị chỏi với bối cảnh lịch sử, khiến lớp trẻ thích thú. NSND Hoàng Yến nói đây chính là dụng ý của chị, vì vở sẽ diễn tại nhiều trường học trong thành phố, thì điều này sẽ giúp lịch sử gần gũi các em.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất