30/11/2015 06:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Xét ở vai trò tác động lên sự biến đổi, canh tân ngôn ngữ - nếu có thể so sánh - thì Walt Whitman (1819-1892) của Mỹ giống như Nguyễn Du (1766-1820) của Việt Nam. Và trong tập thơ đồ sộ Leaves Of Grass (Lá cỏ, hơn 400 bài thơ) của Walt Whitman, bài Song Of Myself (Bài hát chính tôi) có thể xem như "Truyện Kiều" của nước Mỹ.
Cũng giống như Truyện Kiều (viết khoảng những năm 1788-1790) đã đóng góp vào thể thơ lục bát và lịch sử thơ Việt, Bài hát chính tôi (xuất hiện năm 1855) đã làm cho thơ Mỹ “thật sự Mỹ”, theo nghĩa giúp bứt phá khỏi lề luật và truyền thống thơ Anh ngữ, vốn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ thơ cổ điển Anh quốc. Nếu Nguyễn Du trở thành bậc thầy đầu tiên của truyện thơ lục bát, thì Walt Whitman trở thành ông tổ của thơ tự do không vần.
Theo nhà thơ Hoàng Hưng: “Tác phẩm không phải là khúc hát trữ tình riêng tư về bản thân tác giả, mà có tham vọng trở thành thiên sử thi của người Mỹ đương thời, nên thoạt tiên nó đã được tác giả đặt tên là Poem Of Walt Whitman, An American (Bài thơ về Walt Whitman, một người Mỹ)”.
“Qua cả ngàn câu thơ vừa tả thực đến chi tiết vừa phóng tưởng đến kỳ thú, vừa kể chuyện vừa rao giảng luận bàn nhiều mặt rất đa dạng, rất khác biệt thậm chí đối nghịch của đời sống và con người nước Mỹ ở nửa trước thế kỷ 19, thiên sử thi này muốn trả lời câu hỏi: Là người Mỹ có nghĩa là gì? (What does it mean to be American?)”.
Nếu Nguyễn Du tiền phong trong việc ca ngợi sự chủ động chọn lựa số phận và định mệnh của một người nữ, phục hồi tinh thần Phật giáo nguyên thủy của người Việt xưa, thì Walt Whitman ca ngợi tinh thần tự do phóng túng của một người Mỹ, hòa trộn tinh thần đại đồng vào trong mỗi cá nhân.
Cả hai việc làm này đều vấp phải thành trì thủ cựu, thù nghịch, vốn được dựng xây nhiều trăm năm trước đó, với những giá trị không dễ vượt qua.
“… Tôi tin một lá cỏ không nhỏ hơn hành trình của tinh tú/ Và cái kiến cũng hoàn hảo như hạt cát, như trứng chim di/ Và chú nhái bén là kiệt phẩm cao vời nhất/ Và cây mâm xôi bò lan làm đẹp sảnh thiên đường/ Và khớp xương nhỏ nhất của bàn tay tôi dám khinh thường mọi cỗ máy/ Và chị bò cái cúi đầu gặm cỏ vượt trên pho tượng bất kỳ/ Và con chuột là phép màu đủ làm bối rối tỷ ty người không tín ngưỡng” - Walt Whitman viết.
Nếu “số phận” được Nguyễn Du chắt lọc từ thuyết tài mệnh tương đố, thì “cái tôi” được Walt Whitman đặt cơ sở từ thuyết siêu nghiệm (transcendentalism). “Thuyết siêu nghiệm tin rằng tất cả mọi người đều có trong mình một phần của “Đại quát hồn - Over-soul”, tức Thượng đế. Đại quát hồn là một, nên nó kết hợp mọi người làm một hiện hữu. Là người Việt Nam có truyền thống Phật giáo ngàn năm, ta không hề ngỡ ngàng với triết lý ấy, bởi thực ra thuyết siêu nghiệm Mỹ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo Ấn Độ. Trước hết là quan hệ giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” vũ trụ phổ quát, quan hệ “tiểu ngã - đại ngã” của tư tưởng Ấn giáo”, Hoàng Hưng cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có ít nhất 7 bản dịch Truyện Kiều trong tiếng Anh, riêng Mỹ đã có 3 bản in, mà gần đây nhất có lẽ là Kieu, do Arno Abbey chuyển ngữ từ bản Pháp văn của Nguyễn Khắc Viện, in năm 2008, 148 trang.
Đây gần như là lần đầu tiên Bài hát chính tôi được chuyển ngữ và xuất bản toàn văn trong tiếng Việt. Nhìn một cách nào đó thì người Mỹ nỗ lực hiểu Truyện Kiều hơn người Việt nỗ lực hiểu "Truyện Kiều" của họ. Trên thế giới nhiều nước đã dịch toàn văn tập Lá cỏ (hơn 1.000 trang), với hoàn cảnh dịch thuật của Việt Nam, điều này chắc hãy còn xa.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất