Ra sách 'lột trần' thói hư, tật xấu John Lennon

04/10/2015 11:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Lâu nay John Lennon vẫn được xem là một huyền thoại, đã đứng thứ 7 trong danh sách “Những người Anh vĩ đại nhất mọi thời” do hãng tin BBC thực hiện. Tuy nhiên một cuốn sách mới xuất bản lại cho rằng John thực tế là kẻ bất trị, ích kỷ, tham lam và độc ác.

Đây là những điều được tác giả Dominic Sandbrook nêu ra trong cuốn sách mới phát hành, mang tựa đề The Great British Dream Factory: The Strange History of Our National Imagination.

Những tật xấu ít người biết tới

Thời John Lennon còn là sinh viên tại trường Nghệ thuật Guildford, một nhóm giảng viên trong trường đã bị sa thải vì ủng hộ một sinh viên chống chính sách của trường. Sau đó, họ tổ chức một triển lãm và mời John, lúc đó đã tốt nghiệp đại học và là một ngôi sao, tới dự lễ khai mạc.

Họ hy vọng John Lennon sẽ thể hiện sự ủng hộ. Nhưng thay vào đó, khi tới triển lãm cùng bạn gái Yoko Ono, John không hề nói gì mà chỉ viết vào một mảnh giấy dòng chữ “Hãy làm sao để triển lãm phong phú thêm gấp 9 lần nữa. John Lennon, 1968”, rồi bỏ đi luôn.


Vợ chồng John Lennon, Yoko Ono

Những người sùng bái John Lennon vẫn nhớ ông là kẻ hay nhạo báng người khác và khá tự phụ. Sau khi thu âm nhạc phẩm Working Class Hero hồi năm 1970, John mô tả đây là “ca khúc mang tính cách mạng, dành cho những người thuộc tầng lớp lao động như tôi”.

Nhưng về cuối đời, John Lennon lại mô tả tuổi thơ của ông “sống ở vùng ngoại ô tuyệt đẹp, với láng giềng là các bác sĩ và luật sư”, chứ không phải là những người nghèo khổ, sống ở khu ổ chuột, như vẫn được nêu trong các ca khúc của Beatles.

Nếu xét về tầng lớp xã hội, John quả có “đẳng cấp”cao hơn các thành viên khác trong ban nhạc Beatles là Paul McCartney, George Harisson và Ringo Starr. Vậy tại sao John lại muốn "hạ cấp" mình?

Câu trả lời là lịch sử nước Anh chứng kiến nhiều người có xuất thân nghèo hèn, song đã nỗ lực để vươn lên, giành được những vị trí nhất định trong xã hội. Có thể John muốn đưa mình vào chung hàng ngũ với những người đó.

Trong ca từ của ca khúc Working Class Hero, John Lennon viết ông luôn sống trong cảnh sợ hãi bởi “ở nhà thì bị đánh đập, còn ở trường thì bị kẻ khác làm tổn thương”. Song thực tế, không khí trong gia đình John rất an bình và đầy tình thương yêu. Còn ở trường cũng chẳng thấy có bất cứ chứng cứ nào cho thấy John từng bị bắt nạt hoặc bị đối xử tệ.

Theo các nhà viết tiểu sử, chính John Lennon mới là một cậu bé hư hỏng, hay bắt nạt người khác, hay bất mãn, dễ nổi cáu và hay gây gổ. Ở trường, John luôn tỏ ra bất kính, hay chế giễu mọi người và rất lười biếng. Xét về khả năng học tập, John luôn đứng cuối lớp, kể cả môn nghệ thuật.

Thực ra, John không có ý định theo học trong trường nghệ thuật, nhưng thầy hiệu trưởng đã ép ông làm hồ sơ nhập học. Khi vào học, John đã vỡ mộng bởi ban đầu tưởng rằng đây sẽ là một sự khởi đầu cho một cuộc sống dễ dàng hơn.

Cuộc sống giàu xa hoa đáng ngạc nhiên

Sau khi gia nhập Beatles, John giàu lên nhanh chóng. Năm 25 tuổi, ông đã sở hữu những chiếc xe sang Rolls-Royce và Ferrari.

Người hâm mộ vẫn nhớ đến ông là một nghệ sĩ coi khinh của cải và không chấp nhận sự đạo đức giả của chủ nghĩa tư bản. Song thực tế John không phải là người như vậy.

Ông luôn “thèm” tiền. Có bằng chứng là khi Brian Epstein, nhà quản lý của Beatles, giành được hợp đồng thu âm đầu tiên cho ban nhạc với công ty thu âm EMI, John Lennon đã đánh điện chỉ để hỏi ông một câu đơn giản: “Khi nào chúng tôi sẽ trở thành triệu phú?”.

Về chính trị, John không hề tỏ ra quan tâm tới lĩnh vực này khi còn trẻ. Phải đến khi trở nên giàu có, ông mới tỏ ra có nhiệt huyết chính trị. John bắt đầu có bước ngoặt khi ông gặp Yoko Ono hồi năm 1966.

Trong 3 năm kế tiếp, 2 người đã cố gắng tạo hình ảnh John là một người lý tưởng hóa nghệ thuật. Ông thể hiện tinh thần thúc đẩy hòa bình thế giới, phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bằng những hình ảnh và hoạt động bị báo giới coi là “lố bịch”.

Khi John trả lại Huân chương Đế chế Anh hồi tháng 11/1969, ông viết thư gửi Nữ hoàng giải thích rằng đó là cách để phản đối việc Anh ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Thời kỳ này, John còn thường được mô tả là người sống ẩn dật, song thực tế xung quanh ông luôn có các trợ lý, nhà tâm linh, thầy bói, nhân viên massage, giúp việc, bác sĩ châm cứu. Thậm chí ông còn tuyển dụng cả người chuyên đánh bóng nắm tay cửa bằng đồng trong căn hộ của hai vợ chồng.

Nhiều người hâm mộ hẳn sẽ thấy ngỡ ngàng với phong cách sống phong lưu ấy của ông. Thậm chí ngôi sao ca nhạc Elton John cũng hết sức kinh ngạc khi phát hiện ra Yoko có một phòng lạnh đặc biệt, chỉ để treo những chiếc áo khoác lông của bà.

Đây là lý do để năm 1980, nhân lễ mừng sinh nhật lần thứ 40 của John, Elton John đã gửi cho ông một bài thơ với nội dung châm biếm: “Hãy hình dung căn hộ có 6 phòng/ một phòng cất đầy các áo khoác lông/ phòng khác thì để đầy giày”.

Việt Lâm (theo Daily Mail) 
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm