Ra mắt cuốn sách về tướng Giáp của Boudarel - "Ông Bụt" thủy chung của Việt Nam

20/12/2012 09:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Hoàn thành năm 1977, tác phẩm Giap của nhà sử học người Pháp Georges Boudarel (1926 - 2003, thường được gọi bằng cái tên Việt thân mật: "ông Bụt") được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Vậy nhưng, phải 35 năm sau, bản dịch của cuốn sách này mới đến được Việt Nam. Cuốn sách do NXB Thế giới ấn hành đã chính thức ra mắt hôm qua, 19/12.

Bản dịch tiếng Việt có tên Võ Nguyên Giáp, cho dù, như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, cái tên nguyên bản mà tác giả Boudarel lựa chọn cũng rất hấp dẫn và tạo sự gần gũi, thân mật với vị Đại tướng huyền thoại.

Vị trí "2 chiều" của "ông Bụt"

Nhà sử học người Pháp Georges Boudarel

Cuốn sách gồm những phân tích khoa học về tiểu sử, cũng như những chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Bên cạnh việc tham khảo những tài liệu quốc tế và VN, bản thân tác giả Boudarel cũng có một vị trí khá đặc biệt khi viết sách: ông vừa là người Pháp, vừa là người đứng cùng hàng ngũ với các chiến sĩ Việt Nam để chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp.

“Viết về lịch sử, hiếm một tác giả nào có được thế đứng ở cả 2 chiều như vậy” -  nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét - “Bởi thế, những quan sát, phân tích và dự báo của Boudarel rất sắc sảo và thuyết phục. Và, ẩn chứa sau những trang sách là niềm tự hào và tâm đắc của Boudarel về Đại tướng, cũng như về VN - nơi ông gắn bó suốt tuổi thanh xuân”.

Năm 1977, Giap (viết bằng tiếng Pháp) ra đời. Alain Ruscio, một nhà sử học đồng hương với Boudarel tuyên bố rằng, điều đáng trách duy nhất của cuốn Giap là.... ra đời quá muộn, 2 năm sau Đại thắng mùa Xuân. Alain Ruscio viết:  “Với kinh nghiệm và hiểu biết về VN  tổ quốc thứ hai của Boudarel - lẽ ra ông phải viết sớm hơn thế, ngay từ trong chiến tranh. Nếu vậy, chúng ta sẽ sớm trả lời được câu hỏi: tại sao họ (Việt Nam) luôn luôn giành thắng lợi?”.

Đầu thập niên 1990, Boudarel cũng vì Việt Nam mà mắc nạn - khi nhiều phần tử cực đoan buộc tội ông đã tham gia vào các vụ tàn sát tù binh Pháp trong chiến tranh. Dù được minh oan, bản thân Boudarel cũng suy sụp tâm lý.

Ngược lại, với quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, bản thân thời điểm Boudarel viết sách cũng đã đủ minh chứng cho tình yêu và sự chia sẻ với VN của ông. “Đó là những năm mà VN đang gặp nhiều éo le từ lịch sử. Những kẻ thù mới xuất hiện, những diễn biến phức tạp của thế giới đã tạo nên một lớp sương mù, kèm theo không ít cái nhìn méo mó, sai lầm về VN” - ông Quốc nói - “Boudarel đã dũng cảm đáp lại những câu chuyện về thuyền nhân, về một VN bị bao vây cấm vận... bằng cuốn sách của mình, để hy vọng độc giả có thể hiểu trung thực hơn về nơi ông từng sống”.

35 năm mới đến được Việt Nam

Câu hỏi đặt ra: với một cuốn sách có giá trị như vậy, tại sao sau 35 năm, Giap mới được dịch ra tiếng Việt và phát hành?

“Đó là một phần của lịch sử, trong đó có lỗi của chính chúng ta” - ông Quốc nhận xét thẳng thắn - “ Sau năm 1975, vì muốn có một VN hoàn thiện và tốt đẹp hơn, Boudarel đã có những bài viết phê bình VN một cách thẳng thắn và chân tình. Đó là những bài viết về tệ quan liêu, lãng phí, về vấn nạn tham nhũng và duy ý chí trong kinh tế... Vì tự ái, chúng ta đã có lúc bỏ qua sự nhiệt thành và một tình bạn rất đẹp từ những người như Boudarel”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (phải) tại buổi ra mắt cuốn Võ Nguyên Giáp

Nhà sử học Boudarel có một số phận khá đặc biệt. Ông tới VN từ khá sớm để giảng dạy môn lịch sử tại Sài Gòn. Rồi, với tư tưởng tiến bộ, Boudarel lập tức đứng vào hàng ngũ những người VN trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp ngay từ 1946. Một thời gian dài, ông làm công tác binh vận và biên tập tại NXB Ngoại văn, cho tới khi trở về Pháp năm 1966. Vài chục năm sau, đầu thập niên 1990, Boudarel cũng vì Việt Nam mà mắc nạn - khi nhiều phần tử cực đoan buộc tội ông đã tham gia vào các vụ tàn sát tù binh Pháp trong chiến tranh. Dù được minh oan, bản thân Boudarel cũng suy sụp tâm lý, phải điều trị và sống tại nhà dưỡng lão trong những năm cuối đời.

Từng có dịp sang Pháp thăm Boudarel trong những năm cuối đời, nhà sử học Dương Trung Quốc kể: Boudarel có cả một kho sưu tầm lớn những tư liệu quý về văn hóa, lịch sử VN. Trong đó, rất nhiều tác phẩm đã được Boudarel dịch ra tiếng Pháp như Tắt đèn, Dế mèn phiêu lưu ký... “Bất chấp những cái giá phải trả cho hành trình dấn thân của mình, Boudarel vẫn luôn trọn vẹn tình yêu với VN - mảnh đất mà ông từng gắn bó suốt tuổi thanh xuân”.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm