23/07/2019 07:03 GMT+7
(lienminhbng.org) - Đó không chỉ là một triển lãm với chủ đề rác thải. Xa hơn, chất liệu được trưng bày ở đây cũng là rác “xịn” 100%. Chúng ta đang nói về “Xả rác ít thôi” – cuộc triển lãm vừa khai mạc tuần qua tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) và đang xuất hiện trên rất nhiều mặt báo.
Để có được chất liệu cho cuộc triển lãm ấy, khoảng nửa tấn rác thải sinh hoạt đã được nhóm sáng tạo (chủ yếu là các sinh viên) gom nhặt và làm sạch trước khi sử dụng. Như lời kể, xin… rác từ bạn bè chưa đủ, họ phải đi nhặt nhạnh từ các bãi rác ven đường để đủ tạo ra một “cơn sóng rác” trong triển lãm.
Và, “cơn sóng rác” cũng là tên của tác phẩm sắp đặt chủ đạo trong triển lãm. Ở đó, treo ngược trên trần phòng triển lãm là một tấm thảm khổng lồ được kết bằng chai nhựa, ly nhựa, hộp xốp, túi nilon, ống hút, đồ chơi nhựa… “Cơn sóng” ấy không được treo song song với trần mà đổ dốc thấp dần, đủ để chạm vào đầu những khán giả nhỏ tuổi tới xem. Và dường như, nó có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, để bao trùm toàn bộ khán phòng.
“Mọi thùng rác đều đã đầy tràn, mọi đô thị đều đã quá tải vì rác! Vậy hãy nhắc nhau xả rác ít thôi!”. Thông điệp mà triển lãm đưa ra khá trực tiếp và ngắn gọn. Nhưng, chừng đó là đủ để người xem suy nghĩ.
Cũng giống như, chỉ vài ngày trước đó, họ cũng từng suy nghĩ trước một thông điệp khác, trong một cuộc triển lãm khác tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA. Ở triển lãm đó, một thế giới đầy phi lý được đưa ra với mọi sinh vật, mọi hiện tượng thiên nhiên đều được tạo thành từ những “phân tử” nhựa kèm theo câu hỏi: "Liệu nhựa là thế giới của chúng ta hay chính chúng ta đang là thế giới của nhựa?"
Thẳng thắn, trong định kiến của một số người, khái niệm “nghệ thuật đương đại” với các hình thức sắp đặt, trình diễn, video art, video act...thường dễ tạo ra những liên tưởng về sự khó hiểu, tù mù và quái dị của những ý tưởng hay những hình ảnh, động tác đầy ám ảnh của người trình diễn. Nhưng lần này, những ý tưởng từ hai triển lãm kể trên lại được tiếp nhận một cách đầy chủ động và gợi ra những cộng hưởng trong suy nghĩ của mỗi người.
Bởi, ai cũng hiểu - và có những ấn tượng đặc biệt – với khái niệm chỉ gói gọn trong một từ duy nhất: Rác.
***
Rác là những thứ bỏ đi và không còn hữu dụng trong cuộc sống. Thậm chí, chính từ bản chất “bỏ đi” ấy, chúng ta cũng luôn có xu hướng gắn kèm khái niệm này với những gì thấp kém nhất mà mình bắt gặp.
Nhưng rác thải không sinh ra và cũng không thể tự nhiên mất đi. Bạn xả rác mỗi ngày trong sinh hoạt, còn người khác sẽ giúp bạn làm nốt phần việc tất yếu: giải quyết tất tật những thứ bẩn thỉu mà mọi người muốn vứt bỏ và quên đi.
Người viết không có ý định lặp lại những số liệu về lượng rác được xả ra ở đô thị mỗi ngày, cũng như câu chuyện cũ về ý thức khi xả rác ở nơi công cộng. Thực tế, những vấn đề ấy đã được nói quá nhiều – trong khi những gì diễn ra cho thấy: để có được nó, chúng ta sẽ phải đi hết một lộ trình khá dài, từ tuyên truyền, giáo dục, xử phạt, răn đe…. để dần xây dựng một thói quen cần thiết cho cộng đồng: bỏ rác đúng chỗ.
Những triển lãm vừa kể này đặt ra một yêu cầu còn cao hơn thế: tự hạn chế thói quen sử dụng nilon, nhựa tái chế - những loại vật liệu khó phân hủy và có hại nghiêm trọng với môi trường. Có nghĩa, đó là những đòi hỏi về hoạt động tư duy, với khả năng tự suy luận, phán đoán để điều chỉnh hành vi của mình – thay vì việc “bỏ rác đúng chỗ” vốn được trông đợi trở thành một thói quen sẽ trở thành bản năng vô thức.
Khó hơn và xa hơn, nhưng hãy hiểu rằng đó là yêu cầu tất yếu của tương lai, nếu bạn không muốn “cơn sóng rác” ụp xuống và bao trùm lấy mình trong một ngày nào đó.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất