21/05/2015 20:16 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Đó là câu trả lời của Rafael Nadal khi có người hỏi rằng sau những thất bại tồi tệ thời gian vừa qua, anh có ý định thay thế vị HLV đã gắn bó với mình lâu nay, ông chú Toni Nadal, hay không.
1. Trong làng quần vợt hiện nay, Rafael Nadal là tay vợt hiếm hoi trung thành với một HLV, bất chấp thành công hay thất bại, và cũng chẳng hề quan tâm tới xu hướng cộng tác với các tên tuổi đã trở thành huyền thoại. Có thể kể một vài ví dụ về những sự kết hợp này như Roger Federer - Stefan Edberg, Novak Djokovic - Boris Becker, Andy Murray - Amelie Mauresmo, Kei Nishikori - Michael Chang, hay Marin Cilic - Goran Ivanisevic.
Điều đáng nói là những sự cộng tác trên hầu hết đều mang lại tác dụng đáng kể. Stefan Edberg giúp Federer cải thiện những cú volley và thực tế, anh đã hồi sinh rất ấn tượng. Boris Becker không đóng góp nhiều về chuyên môn cho Djokovic, nhưng truyền động lực cho anh. Với Ivan Lendl, Murray không còn vô duyên với Grand Slam, và với nữ HLV Mauresmo, anh đang thi đấu rất hay ở mặt sân đất nện, vốn bị coi là sở đoản. Trước đó, ở US Open 2014, trận chung kết giữa Nishikori và Marin Cilic, thực ra là cuộc đấu trí giữa hai ông thầy Michael Chang và Ivanisevic.
Tất nhiên không phải cứ tay vợt nào thay HLV là sự nghiệp sẽ thăng hoa. Thất bại của Radwanska (cùng Navratilova) hay Wozniacki (cùng Sanchez Vicario) là những minh chứng. Về phần mình, Nadal thì vẫn tiếp tục bảo vệ ông chú của mình. Anh khẳng định rằng những thất bại gần đây không liên quan gì đến HLV, vì chính anh mới là người thi đấu và đôi khi làm chưa tốt chỉ đạo của ông Toni.
2. Toni Nadal từng thừa nhận rằng ông chỉ là một HLV xoàng. Quả thật trước khi Rafa nổi lên, hầu như không ai biết đến ông, ngoài việc là anh trai của trung vệ nổi tiếng trong lịch sử Barca, Miguel Nadal.
Nhưng người đàn ông từng trao cho Nadal cây vợt từ năm lên ba ấy có tầm ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp của cháu mình. Ông là người khuyên Nadal từ bỏ tay phải để luyện đánh tay trái. Ông thường xuyên dạy cậu bé này những cú quả trên mặt sân xấu xí và trái bóng kém chất lượng để anh ý thức được rằng đừng đổ lỗi cho thất bại vì mặt sân, trái bóng, vợt, mà quan trọng là ý thức. Triết lý của Toni Nadal là bạn chỉ đạt được điều mong muốn khi lao động cật lực và mọi tay vợt đều có thể tiến bộ.
Cũng chính vì thế mà trên sân quần, không bao giờ chúng ta thấy Rafa đập vợt dù có những lúc anh rơi vào tình thế thất vọng nhất. Ta luôn thấy anh chỉn chu từ cách uống nước hay cắn một miếng chuối rồi xếp lại gọn ghẽ, giữa hai game đấu. Toni đã dạy và rèn giũa Nadal không khác một ông bố dạy con trai, và ý thức hệ gia đình ấy cũng ăn sâu vào đầu chàng trai sinh ra tại Manacor này. Có thể tin rằng, không bao giờ trong đầu Nadal có ý định sa thải ông Toni để kiếm một HLV mới có thể giúp anh hồi sinh.
3. Liệu Nadal có phải một kẻ bảo thủ khi nhất quyết không chịu thay HLV? Ngoài việc coi trọng máu mủ dòng họ, liệu việc anh tìm một ông thầy mới có phải là nước đi sáng suốt. Chưa ai biết điều đó bởi tìm kiếm một HLV phù hợp là hoàn toàn không phải đơn giản, nhất là với một người đã thấm nhuần triết lý mà Toni Nadal đã truyền thụ.
Nadal thực sự không phải tay vợt hoàn hảo, dù rằng anh đã sưu tập trọn bộ Grand Slam. Mùa giải này, khi anh chỉ giành vỏn vẹn 1 danh hiệu trên sân đất nện (tại Argentina) và thua tới 5 trận (điều chưa bao giờ xuất hiện trong sự nghiệp của anh). Nhưng vấn đề chính của anh là gì? Thể lực thiếu sung mãn, tuổi tác, hay những đối thủ quá “sung”. Với Nadal, để giải quyết cả đống vấn đề ấy, ông Toni Nadal vẫn là người thích hợp nhất.
Roland Garros này sẽ là thời điểm để Nadal chứng minh rằng quyết định ấy có sáng suốt hay không.
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất