31/08/2015 05:59 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Ngày lễ Vu lan báo hiếu đã qua nhưng dư âm của ngày đặc biệt ý nghĩa này vẫn khiến dư luận hướng về. Công nghệ phát triển, mạng xã hội khiến ngày lễ này được người trẻ nhiệt thành đón nhận và cộng hưởng. Những bữa ăn nhỏ cùng bố mẹ được đăng tải trên khắp các trang mạng.
Những món quà ý nghĩa cùng nụ cười đấng sinh thành cũng khiến nhiều người thổn thức. Và cả những dòng status viết gửi phụ mẫu đã khuất của những người con nay đã là cha mẹ cũng khiến ngày Vu lan trở thành gần gũi, ấm cúng...
Không chỉ trong “cộng đồng ảo”, trong ngày lễ Vu lan vừa qua, “cộng đồng thật” cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày lễ Vu lan: các ngôi chùa chật kín Phật tử với bông hồng cài áo cầu nguyện cho cha mẹ; những sông hồ sáng rực hoa đăng chất chứa những ước muốn thành tâm của con cái dành cho đấng sinh thành...
Ngày lễ Vu lan du nhập vào Việt Nam, được ông cha Việt hóa và dần thành phong tục, nếp sống hòa vào dòng chảy chung của văn hóa người Việt nhẹ nhàng, giản dị là thế. Song, gần đây, có ý kiến đề xuất ngày Vu lan trở thành ngày “Quốc lễ Văn hóa” lại khiến dư luận xôn xao.
2. Trong nội hàm đề xuất nghe chừng nhân văn này chứa đựng quá nhiều vấn đề phức tạp mà có lẽ chính người đề xuất cũng không lường được. Rằng trong sinh hoạt văn hóa, chủ thể văn hóa luôn là quan trọng nhất. Khi và chỉ khi chủ thể văn hóa yêu, hiểu và nâng niu trao truyền phong tục một cách tự nhiên, mềm mại thì tập tục mới trở nên giản dị mà thiêng liêng.
Cũng từ đó, chúng ta hiểu rằng, không cần thêm bất cứ một văn bản hành chính nào, ngày Vu lan báo hiếu đã là “quốc lễ” của lòng dân.
Đó là ngày con cái tạm gác những bộn bề lo toan về với vòng tay cha mẹ, với bữa cơm gia đình. Ngày những người tin tưởng Phật pháp lặng lẽ lên chùa, trong tiếng chuông nguyện văng vẳng quyện hương hoa dịu dàng thành khẩn hướng về đấng sinh thành.
Ngày này, chẳng ai cần ồn ào trống giong, cờ mở. Tất cả đều hướng nội, nhìn lại ký ức dài từ lúc cha mẹ sinh thành và dưỡng dục, nhìn vào tâm hồn đang rưng rưng trước bàn tay chai sạn của cha cùng những nếp nhăn trên trán mẹ. Đó mới là chân giá trị của ngày Vu lan, là cái đích mà ngày lễ rất mực nhân văn này cần đến và hướng về.
Đó cũng là cách của những cá thể trong cộng đồng, những chủ thể văn hóa đang vận hành tập tục văn hóa này. Tập tục như ngọn lửa thiêng âm ỉ cháy giữa những biến động cuồn cuộn của lịch sử. Và ngọn lửa thiêng ấy sẽ cháy trong lòng mỗi người con đất Việt...
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất