22/08/2022 10:42 GMT+7 | Champions League
(lienminhbng.org) - Các đội bóng có tiềm lực mạnh không ngừng tạo nên những hợp đồng “bom tấn” đắt đỏ. Ở một thế giới khác của châu Âu, có những CLB rất giỏi trong việc kinh doanh cầu thủ để tồn tại.
Benfica, Porto, Ajax, Lille, Salzburg là những đội bóng nổi bật trong việc khai phá tiềm năng của cầu thủ và bán ra với mức giá rất cao.
Kiếm tiền kiểu Benfica
Cho đến bây giờ, Neymar đang giữ kỷ lục về chuyển nhượng của một cầu thủ. Barcelona từng mua anh từ Santos với tổng chi phí 86,2 triệu euro (con số chính thức sau khi cơ quan công tố điều tra; trước đó, CLB công bố 57,1 triệu euro), sau đó cầu thủ người Brazil chuyển sang PSG theo dạng phá vỡ hợp đồng với chi phí 222 triệu euro. Barca là ví dụ cho những thương vụ lớn và thường mua nhiều bán ít. Đội bóng xứ Catalunya hiện rơi vào cảnh nợ hơn 1,3 tỷ euro và mùa trước lỗ 480 triệu euro.
Để có thể mua sắm và đăng ký mới cho mùa giải 2022-23, Chủ tịch Joan Laporta buộc phải bán đáng kể bản quyền. 158 triệu euro đã được đổ vào thị trường chuyển nhượng, nhưng Jules Kounde hiện chưa được đăng ký. Trái ngược với rắc rối của Barca, Benfica dẫn đầu châu Âu về khía cạnh kinh doanh cầu thủ nhưng vẫn đảm bảo duy trì thành tích sân cỏ.
Trong hai thập kỷ nay, Benfica tạo ra hơn 1 tỷ doanh thu từ chuyển nhượng. Gần đây, họ bán Joao Felix cho Atletico với giá 126 triệu euro, rồi nhượng Ruben Dias cho Man City để thu về 68 triệu euro. Trong mùa hè này, CLB thủ đô Lisbon thu 75 triệu euro từ Darwin Nunez (chưa tính điều khoản trả sau), cầu thủ mà họ đầu tư 34 triệu euro. Xa hơn nữa là các trường hợp như David Luiz, Angel Di Maria và Pablo Aimar…
Luôn bán những ngôi sao hàng đầu cho các “ông lớn” châu Âu, nhưng chất lượng bóng đá của Benfica không suy giảm. “Những chú đại bàng” đã giành 5 chức vô địch Bồ Đào Nha trong 9 mùa giải gần nhất. 4 mùa còn lại, họ luôn ít nhất kết thúc trong Top 3 để đảm bảo tiền thưởng cho việc tham dự Champions League.
Điểm lợi thế của Benfica là sự tương đồng với văn hóa và phong cách bóng đá Nam Mỹ. Điều này cho phép CLB trở thành “trạm trung chuyển” của những cầu thủ muốn vượt Đại Tây Dương đến với miền đất hứa châu Âu. Đồng thời, họ cũng khai thác được tài năng từ các nền bóng đá hạng hai của châu Âu, như Nemanja Matic, Jan Oblak, Victor Lindelof.
Chuyển động của Porto
Giống như Benfica, Porto có những lợi thế lớn trong việc tìm kiếm tài năng của bóng đá Nam Mỹ. Thành phố cảng Porto trở thành điểm dừng chân đầu tiên của rất nhiều cầu thủ, trước khi dàn trải ra châu Âu. Kể từ đầu thế kỷ 21, Porto có 12 lần vô địch Bồ Đào Nha, thường xuyên góp mặt ở Champions League và từng vô địch châu Âu mùa giải 2003-04.
Chủ tịch Jorge Nuno Pinto da Costa, người có 40 năm tại vị, xây dựng thành công mạng lưới tuyển trạch viên xuất sắc. Họ săn lùng các tài năng trẻ, phát triển rồi kinh doanh. Việc thuê các HLV phù hợp cũng giúp chính sách này phát triển và ổn định. Năm 2004, sau khi giành Champions League, Porto thu về 50 triệu euro nhờ bán cặp Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira cho Chelsea. Cả hai đều theo bước của Jose Mourinho.
Porto có mối quan hệ tốt với nhiều đại diện cầu thủ. CLB duy trì mối quan hệ tốt với các đối tác Nam Mỹ. Từ lợi thế này, họ phát triển kinh doanh ngoạn mục: Radamel Falcao đến với giá 5,5 triệu euro và sau đó rời đi với con số 34,5 triệu euro. CLB chỉ tốn 7 triệu euro để mua Eder Militao từ Sao Paulo và một năm sau anh trở thành trung vệ đắt giá nhất lịch sử Real Madrid với giá 50 triệu euro. Tháng Giêng năm nay, họ kiếm lãi 40 triệu euro khi bán Luis Diaz cho Liverpool. Ở chiều ngược lại, đội bóng vừa vô địch Bồ Đào Nha lần thứ 30 trong lịch sử chưa bao giờ chi nhiều hơn 20 triệu euro để mua cầu thủ.
Ajax bán chất xám
Mùa Hè này, sau khi kết thúc kỷ nguyên Erik ten Hag, người đến MU và có khởi đầu khó khăn, Ajax chiêu mộ Steven Bergwijn từ Tottenham với giá 31,3 triệu euro, biến anh thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB. Tuy vậy, con số này không đáng kể so với những gì văn phòng sân Johan Cruyff Arena thu về. 112 triệu euro đã chảy vào tài khoản Ajax từ việc bán Lisandro Martinez (MU), Sebastien Haller (Dortmund), Ryan Gravenberch (Bayern Munich), Nicolas Tagliafico (Lyon) và Perr Schuurs (Torino).
Ajax có ngân sách thấp và không phải trạm dừng chân như Benfica hay Porto. Thay vào đó, CLB được ví bán chất xám khi đào tạo tài năng rồi kinh doanh để tái đầu tư. Học viện De Toekomst, được thành lập từ 1900, chiêu mộ các tài năng nhí hoặc các cầu thủ trẻ đang phát triển trên khắp đất nước để nâng tầm và bán lại. Frenkie de Jong (86 triệu euro; sang Barcelona), Matthijs de Ligt (85; Juventus ) và Donny van de Beek (39; MU) là những hình ảnh tiêu biểu.
Tất nhiên, Ajax cũng nổi bật khi mua cầu thủ từ các CLB đối thủ và sau đó bán ra nước ngoài để kiếm lãi. CLB thu lợi hơn gấp 3 lần khi lấy Luis Suarez từ Groningen (7,5 triệu euro) rồi bán cho Liverpool (26,5). Hakim Ziyech đến Amsterdam với giá 11 triệu euro và chuyển sang Chelsea với giá 44 triệu euro.
Ajax có bản sắc bóng đá và mô hình rất riêng, sở hữu đội ngũ tuyển trạch viên trải đều từ châu Âu đến Nam Mỹ. Các tài năng châu Âu, Christian Eriksen (1,5 triệu euro) và Kasper Dolberg (270.000 euro) được mua về học viện với giá rất thấp, sau đó bán đi lần lượt 14,15 và 20,5 triệu euro. Từ Colombia, Davinson Sanchez đến Hà Lan chỉ với 5 triệu euro và được bán cho Tottenham giá 42 triệu euro.
Từ Lille đến Salzburg
Ở mức độ thấp hơn, những CLB như Lille (Pháp) hay Red Bull Salzburg (Áo) đang kinh doanh tốt. Trước đây, ngoại trừ Eden Hazard đến Chelsea giá 35 triệu euro, Lille chủ yếu được biết đến thông qua việc bán các cầu thủ trung bình cho Premier League. Tất nhiên, giá trị không quá cao, như các trường hợp Yohan Cabaye, Mathieu Debuchy, Idrissa Gueye và Anwar El Ghazi.
Chính sách của Lille dần cải thiện với Ibrahim Amadou và Yves Bissouma. CLB tập trung vào các cầu thủ chưa mấy được chú ý, có thể gốc Phi, đến từ Brazil hay tại chính châu Âu, rồi từng bước nâng giá trị. Mùa Hè 2019, Lille có doanh thu kỷ lục khi bán Nicolas Pepe cho Arsenal với giá 80 triệu euro. Cũng tại thời điểm ấy, họ còn thành công khi nhượng lại Rafael Leao (Milan) hay Thiago Mendes (Lyon). Hè 2020 là Victor Osimhen (75 triệu euro; Napoli) và Gabriel Magalhaes (26; Arsenal). Tại kỳ chuyển nhượng này, Sven Botman (Newcastle) và Amadou Onana (Everton) giúp Lille kiếm 73 triệu euro.
Trong khi đó, Salzburg là mạng lưới trải rộng trên thế giới của tập đoàn Red Bull, với RB Leipzig là một phần nền tảng. Aaronson (32,9 triệu euro; Leeds), Erling Haaland (20; Dortmund), Karim Adeyemi (30; Dortmund), Patson Daka (30; Leicester), Sadio Mane (23; Southampton), Enock Mwepu (23; Brighton) phản ánh cho thành công của CLB. Thật khó tin, 13 triệu euro là số tiền cao nhất mà Salzburg bỏ ra mua cầu thủ. Điều thú vị là Salzburg ưu tiên nhiều cầu thủ cho người anh em Leipzig, như Naby Keita (30), Dominik Szoboszlai (22), Amadou Haidara (19), Dayot Upamecano (18,5) và mới nhất là chân sút được ví như “Haaland mới” Benjamin Sesko (24).
Salzburg thành công trong việc nuôi dưỡng tài năng và dần được nhiều CLB lớn quan tâm.
Doanh thu chuyển nhượng của các CLB CLB Đầu tư Bán Lợi nhuận Benfica 566,3 1.300 690,6 Porto 497,5 950,2 452,7 Lille 359,3 755,8 396,5 Ajax 407,5 803,2 395,6 Salzburg 197,6 540,1 342,5 Sporting 323,9 594,6 270,7 *Đơn vị tính: triệu euro |
Ngọc Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất