Arjen Robben và Lionel Messi cùng im tiếng: Ngày định mệnh gọi tên Messi

11/07/2014 07:10 GMT+7 | Bán kết

(lienminhbng.org) - Arjen Robben và Lionel Messi cùng chịu chung cảnh ngộ ngày chơi trận bán kết, đó là bị kèm chặt. Nhưng trong khi Messi sẽ đi tiếp, Robben đã thất bại, và thất bại lần này có phần cay đắng hơn 4 năm về trước.

Ở Corinthians, người ta không thấy Bóng đá Tổng lực. Thay vào đó, người ta thấy Bóng đá Tiêu hao. Cả hai bên làm những gì có thể để buộc kẻ sáng tạo nhất, nguy hiểm nhất bên phía đối phương phải mất tích. Với một thế trận như thế, loạt luân lưu là không tránh khỏi.

Chiến tranh... phá hoại

Arjen Robben đã để lại dấu ấn tại World Cup, nhưng dấu ấn ấy nhỏ nhoi hơn so với anh kỳ vọng, so với người Hà Lan kỳ vọng. Robben và Messi, hai địch thủ, đã cùng chịu chung cảnh ngộ khi bị cô lập trong trận bán kết đầy sự tính toán. Chỉ có Messi sẽ được tới Maracana với hy vọng làm nên kỳ tích, còn World Cup của Robben sẽ chấm dứt sau khi gặp Brazil.

Đó là một trận đấu nặng tính chiến thuật, nếu không muốn nói là chiến thuật đến từng đốt ngón tay. Hà Lan dành sự chăm sóc cực kỳ tận tình cho Lionel Messi, cắt Nigel De Jong bám theo anh và mỗi khi Messi tiến vào 40m cuối phần sân là lại có thêm 2 bóng áo cam khác ra tiếp ứng. Khi tấn công, họ cố tình tránh đánh vào cánh của Pablo Zabaleta, mà nếu có đánh vào thì cũng dùng những đường chuyền trực tiếp để Robin Van Persie nhận bóng.

Nhưng Argentina không hề thua kém, thậm chí còn hơn Hà Lan. Hàng thủ lui về cực nhanh mỗi lần mất bóng, các hậu vệ đẩy Van Persie ra thật xa vòng cấm để tránh nguy hiểm, Arjen Robben bị kèm đôi khá chặt chẽ, và thậm chí cả Daley Blind cũng bị dồn vào gần đường biên dọc. Bóng liên tục được nhồi về phía cánh phải để Ezequiel Lavezzi dùng sức băng xuống.

Với một thế trận như vậy, người ta thấy các ngôi sao hàng đầu của mỗi đội không thể tỏa sáng. Nhưng nếu như Van Persie vẫn thỉnh thoảng nhận vài chạm từ đồng đội, Sneijder có bóng để chuyền dài, và Messi vẫn cầm bóng đột phá khi có cơ hội, thì Arjen Robben lại lạc lõng trong chính thế trận của đội nhà, cho tới cuối hiệp 2.

Niềm tin muộn màng

Hà Lan đã không ghi được bàn thắng nào trong 240 phút ở World Cup. Họ vượt qua Costa Rica nhờ luân lưu, trước khi thua Argentina cũng vì luân lưu, và tỷ số 2 trận đấu đều là 0-0. Nhưng nếu như Costa Rica non kém trình độ hơn đã gặp khá nhiều may mắn để trụ đến chương cuối cùng của trận đấu, người Argentina đã không cho Hà Lan nhiều cơ hội.

Trong một bối cảnh như vậy, Robben lạc lối. Thủ môn Jasper Cillessen đối đầu tiền đạo đối phương cả trận còn nhiều hơn Robben đối đầu hậu vệ Argentina. Anh xộc vào vòng cấm Costa Rica tới 17 lần thì trước Argentina, anh chỉ làm được một lần, và tiếc rằng lần duy nhất đó đã suýt thành bàn. Pablo Zabaleta và Lucas Biglia quây lấy Robben rất nhanh khiến Hà Lan bắt đầu từ nửa sau hiệp 1 không chuyền bóng cho Robben thường xuyên nữa.

Mặt tích cực là cho dù bóng đến ít, Robben vẫn không ngừng chạy, vẫn không ngừng giơ tay xin bóng và chọn chỗ để chờ đồng đội mớm. Van Persie càng lúc càng bị đẩy ra xa vòng cấm và đã ngừng chạy trong hiệp 2, nhưng Robben vẫn không biết mệt. Đến lúc đó, các đồng đội mới bắt đầu đưa bóng cho anh, và Hà Lan đã suýt nữa mở tỷ số trước khi 90 phút chính thức khép lại.

Trong 120 phút, Argentina đã tin vào Messi cho đến phút cuối cùng. Bên kia chiến tuyến, Hà Lan đã dựa vào Robben rất nhiều trong 4 năm qua, nhưng ở trận đấu đầy khó khăn này, cả HLV Van Gaal lẫn các đồng đội đã có lúc không tin tưởng vào anh. Để rồi khi họ nhận ra sai lầm của mình và một lần nữa tin cẩn trao bóng cho Robben, những nỗ lực muộn đã trở nên vô ích.

Nếu 4 năm trước Robben tiếc nuối bao nhiêu ở trận chung kết, thì mùa Hè này anh cảm thấy cay đắng bấy nhiêu.

0 Đây là lần đầu tiên một trận bán kết World Cup kết thúc với tỷ số 0-0.

1 Hà Lan dứt điểm trúng đích đúng 1 lần trước Argentina, một kỷ lục (ngược) ở World Cup. Arjen Robben chuyền bóng đúng 1 lần trong hiệp 1 trận đấu này.

65 Lionel Messi đã chiến thắng trong 65 tình huống 1-chọi-1 ở World Cup lần này. Chỉ có 3 người đứng trên anh trong lịch sử: Diego Maradona (90 lần, năm 1986), Jairzinho (70, 1970) và Mario Kempes (68, 1978). Các huyền thoại ấy sau đó đều vô địch.


Nguyễn Đỉnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm