04/12/2017 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Là chương trình hòa nhạc lãng mạn được đầu tư chỉn chu bởi những nghệ sĩ tâm huyết và dày dạn thâm niên của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam, Romantic Concert sẽ diễn ra vào 20h thứ Bảy, ngày 9/12 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ngoài mong muốn đem đến cho thính giả nhạc cổ điển một không gian lãng mạn, ấm áp với các tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, thông điệp lớn nhất mà các nghệ sĩ muốn truyền tải qua Romantic Concert là vẻ đẹp của âm nhạc hàn lâm.
Cuộc hội ngộ của những yếu tố “kinh điển”
Romantic Concert sẽ lựa chọn giới thiệu đến thính giả những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc cổ điển lãng mạn thế giới.
Đó là bản concerto để đời của nhạc sĩ trẻ vĩ đại người Đức Felix Mendenssohn hoàn thành khi mới 14 tuổi, bản Serenadecho dàn dây viết bởi thiên tài âm nhạc người Tiệp Antonin Dvorak hay điệu nhảy dân gian Rumani viết cho đàn piano của nhạc sĩ vĩ đại người Hungari Bela Bartok.
Ngoài ra, Romantic Concert còn mang đến cho thính giả một sự kết hợp “kinh điển” của nhạc giao hưởng: piano và violin. Sự kết hợp được các nghệ sĩ mô tả là vừa đấu tranh, vừa hòa hợp từ đó tôn lên vẻ đẹp của bản nhạc cũng như của mỗi nhạc cụ.
Và đảm nhận nhiệm vụ “đại sứ” truyền tải những giá trị nói trên sẽ là những nghệ sĩ dù khá “kín tiếng” trước công chúng nhưng lại sở hữu thâm niên nghệ thuật dày dạn. Đó là GS-NSND Ngô Văn Thành, nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên và nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng. Họ sẽ kết hợp với dàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tương lai nào cho nhạc cổ điển?
Kinh điển, đúng chất và chỉn chu, nhưng liệu Romantic Concert có nhận được sự quan tâm đúng mức của công chúng, đó là câu hỏi vẫn khiến các nghệ sĩ băn khoăn.
Để tổ chức một chương trình hòa nhạc cổ điển đúng chất hàn lâm như Romantic Concert, các nghệ sĩ đã phải “lỡ hẹn” với khao khát nhiều lần với vô vàn thách thức đến từ việc kết hợp lịch trình riêng của mỗi nghệ sĩ, tìm kiếm nguồn tài trợ và đặc biệt là xem xét phản ứng của công chúng đối với nhạc cổ điển.
Trong buổi họp báo ra mắt chương trình, khi “động chạm” đến vấn đề tương lai của nhạc cổ điển Việt Nam, mỗi người một ý kiến nhưng tựu chung lại, đều bày tỏ nỗi băn khoăn.
Theo GS-NSND Ngô Văn Thành, “thị phần” của nhạc cổ điển trong lòng khán giả đang rất thấp.
Ông nhấn mạnh: “Nghệ sĩ cần lắm những lực lượng hỗ trợ để đưa sản phẩm đến với công chúng. Nghệ sĩ có thể chơi nhạc, có thể thu đĩa, cho ra sản phẩm nhưng rất khó bán. Đó là nguyên nhân chính khiến họ còn e dè”. “Lực lượng” mà ông đề cập ở đây, bao gồm truyền thông và các nhà sản xuất.
Bổ sung thêm vào ý kiến của GS-NSND Ngô Văn Thành, nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên với vai trò của một người chơi nhạc cho rằng nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam còn ít xuất hiện trước công chúng, đồng thời vạch ra một hướng đi khả dĩ: “Trong tương lai, nghệ sĩ không nên chỉ phụ thuộc vào sản phẩm kiểu như CD mà nên tăng cường biểu diễn trực tiếp thực tế theo xu hướng của thế giới”.
Tuy nhiên, cũng theo nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên, mục tiêu đó đặt ra thách thức mang tính quốc tế đối với nghệ sĩ Việt: “Thứ nhất, việc đó đòi hỏi kỹ thuật cao mà chúng ta hiện chưa đáp ứng được, bao gồm kỹ thuật của nghệ sĩ và công nghệ âm thanh. Thứ hai, một khi đã đưa lên Internet thì mặc định các nghệ sĩ phải chịu sự phán xét chung với những tên tuổi khác trên thế giới. Khán giả sẽ đòi hỏi một chất lượng tương đương, khi ấy họ mới sẵn sàng chọn nghe nghệ sĩ Việt chứ không phải quốc tế. Vậy nhưng trên thế giới họ có nhạc cụ triệu đô và phòng nhạc đạt chuẩn, chúng ta chưa có được những điều ấy”.
Nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng bổ sung thêm đề xuất về việc mở rộng hình thức biểu diễn, quy mô dàn nhạc...
Tương lai nhạc cổ điển Việt Nam nằm ở đâu? Và bao giờ mới đến được với tương lai ấy? Đó là câu hỏi vẫn hằng đau đáu trong mỗi nghệ sĩ, những người đang loay hoay trên con đường tìm đến điểm chạm thật sắc với công chúng.
Tương lai của nhạc cổ điển Việt Nam, dựa trên ý kiến cũng các nghệ sĩ như trên có chăng nằm chính ở điểm kết nối tương hỗ của 3 lực lượng: nghệ sĩ, người tạo ra sản phẩm; khán giả, người thụ hưởng sản phẩm; truyền thông và nhà sản xuất, cầu nối giữa 2 đối tượng nói trên. Chỉ khi mối liên kết ấy bền chắc, nhạc cổ điển Việt Nam mới có đủ cơ sở vững chắc để phát triển.
Vài nét về các nghệ sĩ GS-TS-NSND Violon Ngô Văn Thành tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky và đạt bằng khen vòng 2 cuộc thi violin quốc tế mang tên Tchaikovsky năm 1974. Từ năm 2000, ông dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc dây Nhạc viện Hà Nội. Nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyêntốt nghiệp Tiến sĩ biểu diễn piano tại Đại học Montreal, Canada vào năm 2007. Trước đó anh từng đạt giải nhất trong cuộc thi piano quốc gia năm 1990 và có nhiều buổi biểu diễn tại Canada, Pháp, Nhật Bản. Hiện nay, anh là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành violin tại Nhạc viện Hà Nội. Anh từng đạt giải nhất violon cuộc thi Âm nhạc Quốc gia Mùa Thu-1990 và giải Trình diễn tác phẩm Việt Nam hay nhất - Nhóm Hòa tấu thính phòng cuộc thi Âm nhạc Quốc gia Mùa Thu-1993. Hiện nay anh là Phó Trưởng khoa Dây tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam. |
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất