18/01/2015 12:03 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - "Chúng tôi chờ ngày này lâu lắm rồi". Giữa đình Hàng Kênh (Hải Phòng), đào nương Thu Hằng nghẹn ngào trả lời báo giới. Hằng khóc vì nghi thức hát cửa đình được phục hồi sau hơn nửa thế kỉ. Khóc vì những tủi thân cho thầy Đẹ, cho nghiệp ca trù khi chỉ vì bởi tình yêu, họ đã tự góp tiền, góp sức và bước qua mọi chua chát để có được chầu hát như hôm nay.
Chầu hát cửa đình chiều 14/1 tại đình Hàng Kênh có thể coi là lần "tái sinh" bài bản và quy mô nhất của hình thức biểu diễn này sau hơn nửa thế kỷ qua. Không có bất kì nguồn tài trợ nào, những người đứng ra phục dựng nó là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và CLB ca trù Hải Phòng.
Đào nương Thu Hằng nghẹn ngào sau chầu hát
* Hát tế thánh linh thiêng
Ở tuổi 92, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ là kép đàn mở đầu cho chầu hát. Run run giữa cái rét mùa đông, ông vẫn đủ sức đứng trước bàn thờ đình làng, hát điệu Giáo Hương với cây đàn đáy được quàng qua vai bằng dải lụa đỏ. Chưa bao giờ, người ta thấy hình thức diễn tấu ấy ở những chầu ca trù biểu diễn trên thành phố. Cũng chưa bao giờ, ca trù diễn ra dưới nghi ngút khói hương, với màn múa tứ linh mở đầu ngoài sân đình như vậy.
Rồi, sau khi thầy Đẹ lùi ra sập bên, các đào kép của CLB Hải Phòng lần lượt bước vào đình thắp hương. Sau lớp khai màn là lớp hát đứng, rồi hát ngồi, rồi lại hát đứng. Không chỉ hát, đào kép của chầu hát cửa đình này còn tham gia diễn xướng với những động tác khá dẻo từ đôi bàn tay. Năm lớp diễn với 14 thể cách của hát cửa đình dần xuất hiện với những làn điệu Thét nhạc, Cung bắc, Hát phú, Hát sử... Người nghe vỗ tay, một nghệ nhân xua vội: "Đừng, đây là hát tế thánh mà"
Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, hát cửa đình chính là hình thức tồn tại cổ xưa nhất của ca trù- trước khi các đào kép bước ra đô thị để mở quán hát, nhà hát vào cuối thế kỷ XIX. Gắn với hình thức ấy là hàng loạt quy ước, lề luật, trình thức đặc thù về lối diễn và làn điệu, là sự xuất hiện của múa, diễn xướng nghệ thuật – những yếu tố không hề có ở ca trù "đô thị" sau này. Để rồi, kể từ khi dòng chảy của ca trù đứt đoạn vào giữa thế kỷ XX, hình thức hát cửa đình cũng lặng lẽ chấm dứt sự tồn tại của mình.
"Vắn tắt thì hát cửa đình là cái gốc của ca trù. Giữ được những hình thức biểu diễn sau này nhưng mất đi cái gốc ấy thì ca trù cũng mất đi phần nhiều giá trị" – anh Hiền nói. " Vậy nhưng, các tài liệu cũ ghi lại thì cũng chỉ có chút miêu tả bề ngoài về hát cửa đình với những chầu hát có tới ba, bốn chục đào kép tham gia...".
Một lớp trong chầu hát cửa đình được phục dựng ở Hải Phòng
* Vui vẻ một lần rồi dừng hẳn?
Tất cả những gì diễn ra trong chầu hát tại đình Hàng Kênh đều đến từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ- người nối nghiệp trong một gia đình từng "quản" tới 30 cửa đình với phường hát của mình. Và, may mắn nhất cho những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này, cụ Đẹ vẫn vô cùng minh mẫn ở tuổi 92.
"Nhiều lúc ngồi một mình, nghĩ tới hát cửa đình, tôi cứ ngẩn người ra vì tiếc. Bây giờ, dạy xong, tôi mãn nguyện rồi" – nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nói. "Bảo là học thành thạo thì khó, vì cái món này tập tới cuối đời cũng là chưa đủ. Nhưng, sắp tới tôi có nằm xuống, chúng nó vẫn có thể tập một mình".
Bốn tháng trước ngày ra mắt, những nghệ nhân CLB ca trù Hải Phòng vẫn đều đặn phóng xe về Hải Dương vào hai ngày cuối tuần để có buổi học với cụ Đẹ. Học, rồi họ lại chịu khó ngồi biểu diễn để thày vui. Đến tháng trước, miễn cưỡng, cụ Đẹ mới "duyệt" để cho các đào kép đất Cảng tổ chức buổi diễn "trình làng". "Nói thành thật thì mọi người học cũng chưa thật nhuyễn. Nhưng, cụ cao tuổi quá rồi, chúng tôi cũng muốn cố bằng được để có một chầu hát cho thầy vui" – NSƯT Đỗ Quyên kể.
Đắm đuối với ca trù, những người như NSƯT Đỗ Quyên hay đào nương Thu Hằng tất nhiên đều có công việc riêng ngoài đời. Tiền để học hát, để tổ chức buổi diễn vào chiều 14/1 đều do họ cùng nhau đóng góp, bởi ngành quản lý chưa có điều kiện để hỗ trợ và đầu tư cho mảng nghệ thuật này. Thế nhưng, hát một lần, ai lại chẳng muốn có được một chầu hát thứ hai – dù theo các chuyên gia đánh giá, việc tổ chức một buổi diễn như vậy ít nhất phải cỡ 20 triệu đồng.
"Không biết đến khi thầy nằm xuống, mọi người có tổ chức được một chầu hát cửa đình nữa không, hay chỉ vui vẻ được một lần này để rồi dừng hẳn?" - Đào nương Thu Hằng trả lời giữa những giọt nước mắt của mình. Cô khóc khi nghe kể chuyện thầy Đẹ phải ngừng hát từ tuổi 30 rồi quay về nghề làm ruộng để kiếm sống trở lại. Khóc khi nghe nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bảo rằng, để thực sự có thể tồn tại, hát cửa đình chỉ có thể duy nhất trông vào những nhà tài trợ yêu mến bộ môn này. Bây giờ, có diễn miễn phí tại các cửa đình, người dân cũng không thể mặn mà so với những lần họ được xem ca sĩ nhạc nhẹ về diễn địa phương.
Không sống được bằng nghề thì các nghệ nhân đam mê ca trù sống bằng trái tim yêu nghề, đành vậy!
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất