02/07/2012 16:09 GMT+7
(TT&VH Online)- Vòng chung kết EURO 2012 đã kết thúc với chức vô địch xứng đáng dành cho Tây Ban Nha. Hãy cùng điểm lại những điểm nhấn thú vị của EURO từ A tới Z.
Phía sau chức vô địch của Tây Ban là cả một thế giới đầy thú vị - Ảnh: Getty
A: Andriy Shevchenko – Huyền thoại người Ukraina có thể đã 35 tuổi, anh có thể chỉ kéo dài thời gian giải nghệ để góp mặt tại kì EURO này. Nhưng không ai có thể nghi ngờ tính chính xác của quyết định đó. Sheva đã chứng minh quyết định trên bằng phong độ tuyệt vời với đỉnh cao là cú đúp vào lưới Thụy Điển.
B: Ballon d’Or (Quả bóng vàng) – Những giải đấu quốc tế lớn trong năm luôn là thước đo quyết định chủ nhân danh hiệu Quả bóng Vàng. Dù Lionel Messi đã ghi 73 bàn cho Barcelona mùa vừa qua, anh vẫn sẽ phải đối mặt với những thử thách mang tên Andrea Pirlo và Cristiano Ronaldo. Pirlo đã tự điền tên anh vào danh sách ứng viên sau một loạt những màn trình diễn siêu việt còn Ronaldo đã không làm hỏng cơ hội của mình với 3 bàn thắng tại EURO.
C: Countdown (Đếm ngược) – Hệ thống đếm ngược 10 giây trước khi kết thúc mỗi hiệp đấu tại EURO được áp dụng. Không ai biết tại sao nó lại được UEFA giới thiệu ở giải lần này, dù các CĐV có vẻ hứng thú với điều mới lạ đó.
D: Dutch infighting (Hà Lan) – Đội tuyển Hà Lan từng được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch. Nhưng sau trận thua 0-1 trước Đan Mạch, thế giới của họ đã sụp đổ. Hai thất bại tiếp sau đó đã tiễn Hà Lan về nước và cũng kết thúc cả nhiệm kì của Van Marwijk tại đội bóng.
E: Extra time (Hiệp phụ) – EURO 2012 chỉ chứng kiến 2 trận đấu phải giải quyết thắng thua bằng hiệp phụ, ít hơn bất kì vòng Chung kết EURO nào khác kể từ khi giải đấu có 16 đội. EURO 1996 có 5 trận phải đá hiệp phụ. Mỗi kì EURO khác đều có 3 trận.
Tuyển Anh là một trong hai đội bóng bị loại sau hiệp phụ - Ảnh: Getty
F: False nine (chiến thuật không số 9) – Hệ thống chiến thuật không tiền đạo của Vicente Del Bosque đã làm nổ ra các cuộc tranh luận triền miên. Chiến lược gia người Tây Ban Nha phủ nhận vai trò của tiền đạo cắm để sử dụng các “số 9 ảo” như Cesc Fabregas và David Silva. Liệu đây có phải là sơ đồ của tương lai khi với hệ thống này, Tây Ban Nha đã bảo vệ thành công ngôi vô địch EURO?
G: Goals (bàn thắng) – 31 trận đấu đã qua tại EURO, kết quả hòa không bàn thắng chỉ xuất hiện đúng hai lần. Đó là trong các trận Tứ kết Italia – Anh và Bán kết Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha (sau 2 loạt đấu súng, Italia và Tây Ban Nha là những người chiến thắng – TT&VH Online).
H: Hosts (Đồng chủ nhà) – Đây là vòng chung kết EURO thứ 2 liên tiếp, cả hai đội chủ nhà bị loại ngay từ vòng bảng. Ở EURO 2008, nạn nhân là Áo và Thụy Sĩ.
I: Ireland’s fans (CĐV Ireland) – Đội tuyển CH Ireland bị loại ngay từ vòng bảng nhưng CĐV của đội bóng đã giành thắng lợi. Đặc biệt trong trận đấu với Tây Ban Nha, tinh thần của họ đã chinh phục trái tim người hâm mộ trên toàn thế giới. Gerard Pique cho biết anh sẽ không bao giờ quên giai điệu “Fields of Athenry” từ các CĐV CH Ireland trong suốt phần đời còn lại của mình.
J: John Delaney – GĐĐH của Liên đoàn bóng đá CH Ireland đã giành phần tiền khá lớn để mua đồ uống cho người hâm mộ, chụp ảnh với họ và hành xử như một ông chú say xỉn trong đám cưới. Hành động của vị GĐĐH vui tính này đã bị truyền thông CH Ireland lên án là không phù hợp và gây mất thể diện của quốc gia.
K: Kev The Chicken (Gà Kev) – Sau những khởi đầu rất tệ, chuyên gia dự đoán tỉ số là chú gà Kev, đã thành công khi đoán trúng kết quả 3 trên 4 trận Tứ kết. Anh cũng là người đã chọn Italia đánh bại tuyển Đức tại Bán kết.
L: Lionel – Không góp mặt tại giải đấu nhưng Lionel Messi vẫn được mọi ngươi nhớ tới qua vụ lùm xùm của Ronaldo với CĐV Đan Mạch. Anh cũng đảm bảo vị trí của mình sẽ không bị lung lay trong thời gian diễn ra EURO với một hattrick cho Argentina trước Brazil, qua đó, trở thành cầu thủ đầu tiên được Goal.com chấm điểm “5 sao”.
M: Mole (nội gián) – Đội hình xuất phát của tuyển Đức đã bị rò rỉ tới báo giới trong 4 trận đầu tiên. HLV Joachim Loew tin rằng có nội gián trong khu tập trung của đội bóng. Để ngăn chặn việc truyền thông nắm được nội tình của đội tuyển, ông đã quyết định tiết lộ đội hình xuất phát trận gặp Italia muộn hơn thường lệ. Sau đó, mọi chuyện đã ổn thỏa.
N: Needless changes (những thay đổi vô ích) – Loew đã nhận nhiều chỉ trích cho cách ông dẫn dắt tuyển Đức tại EURO. Die Mannschaft đã thổi bay các ứng cử viên vô địch ở bảng đấu của mình trước khi làm mới hàng công và tiếp tục hủy diệt Hy Lạp ở trận Tứ kết. Trong một trận đánh cụ thể, tuyển Đức hoàn toàn đủ khả năng chiến thắng. Thất bại trước Italia chỉ là một sai lầm có phần lỗi đến từ Loew. Con đường người Đức đang đi vẫn là đúng đắn và không cần phải thay đổi.
Thất bại chưa phải là dấu chấm hết với người Đức - Ảnh: Getty
O: Out of their depth (mất chiều sâu) – CH Ireland tới Ba Lan và Ukraina với kì vọng cao độ. Chuỗi 11 trận giữ sạch lưới trong 14 trận tại vòng loại EURO 2012 cho đội bóng này rất nhiều hi vọng vượt qua vòng bảng. Tuy nhiên, với việc phải nhận tới 9 bàn thua sau 3 trận, đội tuyển của HLV Giovanni Trapattoni đã rời giải rất sớm, trong sự xấu hổ và khiêm nhường.
P: Panenka – Nếu bạn không biết về cú sút này trước đây, giờ thì chắc chắn bạn đã biết. Cái bóng của Antonin Panenka đã bao phủ cả vòng Chung kết. Ông đã thực hiện quả penalty nổi tiếng trên trong trận Chung kết EURO 1976. Cú sục bóng của ông đã được Andrea Pirlo và Sergio Ramos tái hiện tại EURO vừa qua. Trong áp lực khủng khiếp của loạt đấu súng, cả hai đều đã thực hiện thành công cú “panenka”, qua đó, tạo nên những điểm nhấn đáng nhớ tại giải đấu.
Q: Qualification (vòng loại) – Vòng chung kết EURO 2012 là kì EURO cuối cùng có sự tham gia của 16 đội bóng. UEFA đã quyết định kể từ EURO 2016, vòng chung kết sẽ có sự tham gia của 24 đội tuyển châu Âu.
R: Racism (phân biệt chủng tộc) – Đây được coi là một trong những vấn đề nhức nhối và đáng lo ngại trước giải đấu. Nhưng các CĐV chủ nhà đã cư xử đúng mực với tất cả nghĩa vụ của họ, bằng thái độ cực kì gương mẫu, qua đó đập tan hết mọi nghi ngờ. Điều gây bất ngờ hơn cả là chính những đội bóng tham dự mới là các đơn vị phải nhận án phạt vì các hành vi sai trái đến từ CĐV đội bóng. Điển hình là Croatia và Tây Ban Nha.
S: Spies (gián điệp) – Gián điệp đã xuất hiện ở đại bản doanh tuyển Anh. Ola Billger, một phóng viên Thụy Điển, ở cùng khách sạn với “Tam Sư” tình cờ có cơ hội theo dõi quá trình chuẩn bị của đội bóng trước trận gặp Thụy Điển. Ống nhòm nắm chặt trong tay, Billger đã không bỏ lỡ cơ hội của mình và theo dõi được khoảng 45 phút buổi họp chiến thuật của tuyển Anh trước khi bị phát hiện.
T: Thunderstorms (mưa bão) – Giông bão đã tàn phá các khu fanzone và làm trận đấu Ukraina – Pháp phải hoãn loại đúng 58 phút. Hiện tượng thời tiết “nhiệt đới” trên cũng là một điểm nhấn của giải đấu.
U: Undefeated (bất bại) – Đội bóng duy nhất phải rời giải dù không trải qua một thất bại nào trong thời gian thi đấu chính thức là tuyển Anh. Họ bị Italia loại trên chấm penalty ở Tứ kết. Tại World Cup 2010, New Zealand cũng trải qua một cuộc phiêu lưu tương tự và họ là đội tuyển duy nhất trong số 32 đội bóng làm được điều đó. Nên nhớ, nhà vô địch năm đó, Tây Ban Nha, cũng trải qua một thất bại trước Thụy Sĩ ở ngày ra quân. Rạng sáng nay, Roja cũng đã hoàn tất giải đấu bất bại của mình khi đánh bại Italia ở trận Chung kết EURO 2012.
V: Video Techology (công nghệ Video)– Cuối cùng, chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, đã cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để công bố sự ủng hộ của ông với công nghệ mắt thần nhằm xác định bàn thắng hợp lệ. Chủ tịch UEFA, Michel Platini, cũng đã ủng hộ dự án sử dụng 5 trọng tài chính thức trong một trận đấu (thêm 2 trọng tài ở gần cầu gôn mỗi đội).
W: Women (Phụ nữ) – Tổ chức vận động vì nữ quyền, Femen, đã có nhiều hành động công khai phản đối vòng chung kết EURO. Họ tin rằng nó làm gia tăng những vấn đề về phân biệt giới tính, mại dâm và nữ quyền tại Ukraina. Femen cho rằng điều duy nhất mà UEFA quan tâm là giá trị thương mại của sự kiện.
Đôi khi, những sự kiện như thế này mới là điều thú vị của các giải đấu - Ảnh: Getty
X: Xabi Alonso – Tiền vệ của Real Madrid vừa trải qua một vòng chung kết EURO hoàn hảo. Anh không chỉ giúp Tây Ban Nha lên ngôi vô địch mà bản thân cũng đã có màn trình diễn hoàn hảo ở trận Tứ kết. Alonso ăn mừng trận đấu thứ 100 trong màu áo Roja bằng cú đúp tuyệt vời vào lưới tuyển Pháp.
Y: Y-Fronts (Khoe nội y) – Nicklas Bendtner bị phạt 100.000 bảng vì để lộ biểu tượng của nhà quảng cáo in trên quần lót sau bàn thắng ghi được vào lưới Bồ Đào Nha. Án phạt của UEFA ngay lập tức gây nên làn sóng phản đối và so sánh trong dư luận khi nó có sự chênh lệch quá lớn với các án phạt dành cho hành vi phân biệt chủng tộc trước đó của tổ chức này.
Z: Zzzzzzzzzzzzzz – Có phải lối đá của Tây Ban Nha thực sự khiến người ta buồn ngủ? Từ một đội bóng cống hiến và có lối chơi giàu tính giải trí bậc nhất, Tây Ban Nha đã thay đổi, “tiki-taka” giờ đã trở thành “tiki-take-me-to-bed” (ám chỉ lối đá nhàm chán, thiếu kịch tính, ru ngủ cả đối thủ và người hâm mộ - TT&VH Online). Lối đá đó đã nhận rất nhiều sự chế giễu từ phía đám đông trong trận Bán kết với Bồ Đào Nha tại Donetsk.
Hình như, sự chế nhạo đó chính là động lực cho màn trình diễn tưng bừng của Tây Ban Nha ở Chung kết. 4 bàn thắng vào lưới Italia là đủ để thách thức mọi định kiến từ phía dư luận và báo giới. Giờ thì ai còn dám bảo Tây Ban Nha là “buồn ngủ” và “nhàm chán”?
Minh Chiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất