23/09/2014 06:14 GMT+7
(lienminhbng.org) - Đêm chủ nhật, ở Olympico, Roma, Alessandro Florenzi đã chạy băng ra khỏi sân, leo qua hàng rào, và ôm lấy bà của mình để ăn mừng bàn thắng. Người bà đã đón nhận người cháu trẻ tuổi của mình bằng đôi mắt rớm lệ hạnh phúc.
1. Còn trọng tài, ông đón nhận hành động ấy bằng một chiếc thẻ vàng cho Florenzi. Luật là luật. Xé rào leo lên khán đài là hành vi bị cấm ở Serie A. Khi Florenzi vi phạm, anh phải nhận hình phạt. Thế thôi.
“Tôi chấp nhận thẻ vàng ấy. Nhưng nếu làm lại, tôi vẫn làm như thế. Bởi vì chẳng mấy khi một bà già 82 tuổi ra sân xem bóng đá. Tôi yêu bà của mình và dành tặng bàn thắng ấy cho bà”, Florenzi đã chia sẻ như thế ngay sau trận đấu.
Rudi Garcia đã tin tưởng Florenzi tuyệt đối ngay từ những ngày đầu ông làm việc tại AS Roma, nhưng việc ghi bàn thắng lại không phải là thói quen thường xuyên của anh.
Nó cũng y như việc bà của anh, một bà già 82 tuổi, cũng không mấy dịp ghé sân vận động để xem Florenzi thi đấu. Phải chăng, chính sự xuất hiện hiếm hoi kia của bà ở Olympico đêm chủ nhật rồi mà Florenzi đã có động lực mạnh mẽ để chơi xuất sắc và ghi bàn thắng đầu tiên của mình ở mùa giải này?
Điều đó nghe cũng có lý. Có những người thân, những người quen thuộc vốn dĩ có ý nghĩa lớn với cuộc đời chúng ta và khi họ xuất hiện ở nơi ta đang thực hiện một công việc khó khăn nào đó, họ tạo cho ta động lực mạnh mẽ để hoàn tất công việc ấy một cách xuất sắc nhất.
Nhưng nếu sự xuất hiện ấy trở nên quá thường xuyên, có thể nào nó sẽ trở nên quá bình thường, không còn khiến ta có động lực nữa mà thậm chí còn có thể tạo hiệu ứng ngược để ta làm việc kém năng suất hơn hẳn bởi áp lực người thân.
2. Vậy thì phải chăng, hơn một mùa giải rồi, ở nước Anh, Man United chơi không khởi sắc là bởi vì chính sự xuất hiện quá thường xuyên của ‘người thân’ Alex Ferguson?
Cũng có thể lắm chứ, dù rằng Sir Alex không phải lúc nào cũng dự khán 100% các trận sân nhà và ở sân khách thì Man United cũng chơi khá tệ bất chấp Fergie không có mặt.
Đơn giản, ở Old Trafford vẫn còn nguyên cái tinh thần cuồng tín Fergie, với bức tượng đồng của ông sừng sững (thứ mà Louis Van Gaal đã từ chối chụp hình chung khi mới ra mắt) và khán đài mang tên Sir Alex Ferguson Stand. Dưới cái tinh thần cuồng tín đó, áp lực Fergie là luôn luôn tồn tại và nó khiến cho cả cầu thủ lẫn HLV đều không thể nào làm tốt công việc của mình. Và họ đã luôn phải chơi bóng dưới một cặp mắt luôn luôn dõi theo kèm với thông điệp ngầm “để xem không còn tôi, các cậu có ra trò trống gì không?”.
Tri ân một HLV vĩ đại như Fergie là đúng. Nhưng e rằng dựng tượng đồng của ông ở trước sân Old Trafford khi ông mới vừa rời ghế huấn luyện lại là việc quá vội vàng, qúa sai thời điểm.
3. Nếu vào ngày 06/11/2016, đúng dịp kỷ niệm 30 năm Fergie được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Man United, bức tượng đó được dựng lên thì có thể tình hình Man United chưa chắc đã bi đát như thời gian qua.
Nếu Chúa lúc nào cũng hiển linh cho giáo dân được thấy, họ sẽ thực hiện đúng con đường của đạo. Vì Chúa không luôn luôn hiển linh nên mới phải có những linh mục, hồng y, giáo chủ, giáo hoàng để dẫn dắt giáo dân. Và những vị dẫn dắt giáo dân đó không mang tượng Chúa ra để hù dọa. Đơn giản, dưới tượng Chúa, từ giáo hoàng cho tới con chiên bình thường cũng đều chỉ là những con người bình thường như nhau cả mà thôi. Tất cả họ, đều tự nguyện một cách vô thức, qùy dưới chân bức tượng chưa chắc đã phải là hiển linh của Người…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất