Chuyện tiền thưởng F1: Khi 1 điểm đáng giá 13,5 triệu USD

24/10/2016 19:11 GMT+7 | Tốc độ

(lienminhbng.org)- Mercedes đã vô địch đội đua sớm 4 chặng, nhưng điều đó không có nghĩa sự cạnh tranh giữa phần còn lại sẽ trở nên nhàm chán. Lý do: việc hơn kém nhau một bậc trên bảng xếp hạng thôi cũng mang đến những khác biệt rất lớn về mặt tài chính.

Các CĐV bình thường có lẽ chẳng mấy hứng thú với việc liệu Williams có thể bám đuổi Force India ở vị trí thứ 4, hay Sauber liệu có kiếm được 1 điểm để vượt qua Manor ở vị trí thứ 10 hay không, nhưng với các đội đua, đó là mục tiêu hết sức quan trọng. Thực tế, chỉ riêng tiền thưởng cho đội vô địch mùa giải cũng xấp xỉ một nửa ngân sách của các đội đua nhỏ hơn họ.

Những "điểm nóng" cạnh tranh

Căn cứ vào thực tế về điểm số hiện nay cũng như tương quan thực lực của các đội, có ba vị trí trên bảng xếp hạng đang là "điểm nóng" để tranh đua. Đó  là những vị trí thứ 2 (Red Bull vs. Ferrari), thứ 4 (Force India vs. Williams), và thứ 10 (MRT vs. Sauber).

Thật ra, trong cuộc đua đến vị trí á quân, Ferrari đang rất thất thế so với Red Bull với 50 điểm ít hơn. Vấn đề không chỉ là mùa giải chỉ còn 4 chặng nữa, mà Ferrari không có điểm rơi phong độ tốt bằng kình địch nước Áo. Trong 9 chặng đua đầu mùa, thì có đến 8 lần Ferrari có ít nhất một tay lái ở trên bục podium.



Nhờ điểm số duy nhất này, Pascal Wehrlein có thể sẽ mang về cho đội nhà 13,5 triệu USD

Nhưng kể từ Grand Prix Anh đến giờ, họ chỉ có đúng một lần giành podium (Vettel ở GP Italy – hạng 3). Trái lại, Red Bull đã có 9 podium kể từ sau chặng đua tại Silverstone, và giành được số điểm nhiều gấp rưỡi đối phương trong khoảng thời gian ấy (217 – 143).

Với tiềm lực kinh tế của Ferrari và Red Bull, khoản chênh lệch về tiền thưởng giữa họ sau mùa giải này có lẽ là không đến nỗi quá lớn. Năm ngoái, chênh lệch tiền thưởng giữa đội thứ hai (Ferrari) và thứ ba (Williams), theo thống kê của Dieter Rencken và Lawrence Barretto của tờ Autosport, là 10 triệu USD. Con số này rõ ràng là không lớn với những đội đua có ngân sách hàng trăm triệu USD như họ.

Nhưng với các đội đua nhỏ hơn, đó là những khoản tiền thực sự đáng kể, và sự khác biệt vài triệu bảng trong ngân sách hoàn toàn có thể tác động đến sự cạnh tranh trên đường đua. Chính vì lý do ấy, cuộc đua tranh giành vị trí thứ tư ở mùa giải này đang diễn ra rất hấp dẫn.

Ngân sách trong năm 2015 của Williams, theo Business Book GP, là 186,4 triệu euro, tương đương 204,5 triệu USD. Trong khi đó, ngân sách của Force India là 129,7 triệu euro, tương đương 142,3 triệu USD. Hiện tại Force India đang kém 10 điểm so với Williams và khoản chênh lệch này đáng giá 3 triệu bảng. Con số ấy không quá lớn với Williams, đội đua vốn chi tiêu thoải mái hơn, nhưng có ý nghĩa với Force India hơn. Hiển nhiên, số tiền ấy cũng ý nghĩa với Force India hơn là Ferrari hay Red Bull.

1 điểm bằng 13,5 triệu USD

Nhưng đó vẫn là ở top đầu của bảng xếp hạng. Ở nhóm dưới, sự cạnh tranh còn quyết liệt hơn nhiều. Đặc biệt là ở vị trí thứ 10 do MRT nắm giữ, nhưng rất mong manh, với duy nhất 1 điểm. Đó là điểm số mà Pascal Wehrlein đã mang về khi cán đích thứ 10 ở Grand Prix Áo. Nhờ điểm số duy nhất ấy của Wehrlein, MRT đã đứng trên Sauber suốt từ tháng Bảy đến nay.

Tại sao, một vị trí trong Top 10 lại quan trọng đến thế? Lý do nằm ở chính quy định về khoản ăn chia tiền thưởng F1 cho các đội đua. Theo đó, chỉ các đội Top 10 mới được nhận khoản tiền cố định từ công ty bản quyền F1. Số tiền này được chia làm hai phần. Một phần chia đều cho các đội đua kết thúc mùa giải trong top 10 ở 2/3 mùa gần nhất (Column 1), phần còn lại chia theo thành tích của đội ở mùa giải vừa rồi (Column 2). Năm ngoái, số tiền cố định được chia đều mà các đội nhận được là 42,7 triệu USD. 



Hiện tại Force India đang kém 10 điểm so với Williams

Theo quy định này, cả Manor và Sauber đều đã được đảm bảo sẽ nhận được khoản tiền cố địch trên bởi ở mùa giải 2015 chỉ có 10 đội đua. Trong khi đó, đội đua mới ở mùa giải này là Haas sẽ cần ít nhất 2 mùa giải trong top 10 để có thể nhận được số tiền ấy. Căn cứ vào những con số của mùa giải trước thì vị trí thứ 10 sẽ đáng giá 13,5 triệu USD ở Column 2 – dành cho tiền thưởng theo thành tích, còn đội xếp hạng 11 sẽ không nhận được một đồng nào.

Mùa giải 2015, ngân sách của Sauber là 103,2 triệu euro (113,2 triệu USD). Bởi vậy, nếu như không thể đuổi kịp MRT, họ sẽ mất đi khoản tiền lớn hơn 10% ngân sách hoạt động. Trong khi đó, MRT có ngân sách chỉ vỏn vẹn 83 triệu euro (91,1 triệu USD), nên việc giữ vị trí thứ 10 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Số tiền 13,5 triệu USD tương đương 15% ngân sách của đội đua này.

Hồi đầu năm, sếp của Sauber là bà Monisha Kaltenborn phàn nàn về sự ăn chia không công bằng trong F1. Bà nói với tạp chí Crash.net rằng: "Nếu bạn cố lý giải cho mọi người về thu nhập mà môn thể thao này mang đến, bạn sẽ thấy trong những năm qua, có quá nhiều đội gặp vấn đề về tài chính. Có một điều gì không đúng đang âm ỉ cháy trong môn thể thao này".

Sauber đã, thật ra, đã được bơm thêm tiền từ những người chủ mới Longbow Finance, song Kaltenborn vẫn khẳng định rằng F1 cần phải giảm bớt sự thiếu công bằng trong việc phân phối tiền thưởng để các đội đua nhỏ hơn còn có cơ hội cạnh tranh. Từ giờ cho đến khi đề xuất ấy trở thành hiện thực, các đội đua nhỏ sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn trên đường đua, vì quyền lợi sát sườn về tài chính.

Và khi mà rất nhiều người đang quan tâm đến cuộc đua giữa Nico Rosberg và Lewis Hamilton ở ngôi đầu thì những màn so tài giữa Marcus Ericsson, Felipe Nasr (Sauber), Pascal Wehrlein, Esteban Ocon (MRT) cũng hấp dẫn không kém gì.

Grand Prix Mỹ

Ngày diễn ra: 23/10

Đường đua: Austin, Texas

Chiều dài: 5,516 km

Số vòng đua: 56

Chiều dài chặng đua: 308,896 km

Sức chứa trường đua: 120.000


Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm