15/02/2018 06:36 GMT+7
(lienminhbng.org) - Các CLB bóng đá chỉ là thứ gì đó rất nhỏ bé trong kinh doanh khi so sánh với những công ty hàng đầu trong Fortune 500, bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu. Chẳng hạn adidas, nhà tài trợ của M.U (đội bóng kiếm tiền giỏi nhất thế giới) trong 6 tháng tới sẽ kiếm được nhiều tiền hơn cả 139 năm tồn tại của M.U cộng lại.
Tuy nhiên, các CLB bóng đá hàng đầu thế giới lại có những thứ mà các công ty lớn không có, hoặc còn lâu mới đạt được: một sự tiếp cận toàn cầu vượt qua ranh giới địa lý, quốc gia, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ. Những CLB như M.U đã làm được điều đó trong nhiều năm qua, nhưng đã được đẩy lên một tầm cao mới vài năm gần đây thông qua mạng xã hội và truyền hình.
Nội dung số là nền tảng của tương lai
Hồi tháng 2/2017, M.U đã đi trước các CLB lớn khác bằng cách ra mắt ứng dụng MUTV (Manchester United TV), vốn là kênh truyền hình riêng của họ, trên các nền tảng IOS, Android... để fan hâm mộ có thể xem các video clip liên quan tới M.U trên thiết bị di động của họ. Nhờ ứng dụng này, M.U có thể tiếp cận người hâm mộ từ 165 nước trên thế giới.
Và để phổ biến một cách rộng rãi hơn, M.U đã thuê hẳn Phil Lynch và bổ nhiệm ông này làm giám đốc điều hành mảng đa phương tiện. Lynch từng là người đứng đầu bộ phận nội dung và đa phương tiện toàn cầu của Yahoo. Trước khi gia nhập Yahoo, Lynch còn là phó chủ tịch cấp cao tại Sony Pictures, phụ trách mảng nội dung kỹ thuật số. Việc thuê một chuyên gia hàng đầu về nội dung kỹ thuật số như Lynch cho thấy M.U sẽ đầu tư lâu dài cho ứng dụng MUTV, nhưng quan trọng hơn, “Quỷ đỏ” tiếp tục chứng tỏ tham vọng sẽ không bỏ sót một ngóc ngách nào trên thế giới.
M.U là CLB có đầu óc kinh doanh nhất trong thế giới bóng đá và triển vọng về doanh thu đằng sau dự án này là rất rõ ràng. M.U hiện đang có khoảng gần 700 triệu người theo dõi thường xuyên trên khắp thế giới và họ chỉ cần 1% trong số này đăng ký dịch vụ của ứng dụng MUTV (phí 1 bảng/tháng) thì họ sẽ thu về khoảng 80 triệu bảng/năm. Đó là chưa kể M.U sẽ thu hút được nhiều đối tác tài trợ để nhãn hàng của họ có thể xuất hiện trên ứng dụng MUTV bởi người hâm mộ có thể xem mọi lúc, mọi nơi nhờ tính di động của nó.
Vậy 80 triệu bảng này có ý nghĩa gì với M.U trên sân cỏ? M.U có thể mua 3 cầu thủ hàng đầu với 75 triệu bảng mỗi người kèm theo mức lương 200.000 bảng/tuần theo một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.
Hồi tháng 1/2016, Sina Sports, nền tảng lớn nhất Trung Quốc về nội dung số thể thao, và M.U đã ký thỏa thuận hợp tác lâu dài, theo đó, Sina Sports sẽ là đối tác chính thức của M.U về truyền thông kỹ thuật số ở Trung Quốc đồng thời là nhà phân phối độc quyền của MUTV tại Trung Hoa đại lục. Sam Li, người đứng đầu bộ phận nội dung và đối tác chiến lược tại Sina Sports, cho rằng các đội bóng lớn giờ có xu hướng tiếp cận với người hâm mộ qua các nền tảng kỹ thuật số hơn là truyền hình thông thường bởi nó có rất nhiều lợi thế.
“Tiếp cận, tương tác và giao tiếp với người hâm mộ thông qua nội dung kỹ thuật số và mạng xã hội đem lại hiệu quả hơn rất nhiều so với truyền hình truyền thống, vốn chỉ có giao tiếp một chiều. Trên nền tảng kỹ thuật số, các đội bóng có thể dễ dàng xây dựng một cộng đồng gắn kết mạnh mẽ để người hâm mộ có thể thực sự cảm thấy mình là một phần của CLB. Với truyền hình truyền thống, người hâm mộ như bị cô lập, và ngoài tỷ lệ rating cơ bản, CLB không nhận được nhiều phản hồi từ người hâm mộ cho nội dung mà họ sản xuất”, Sam Li nói với tờ The Independent của Anh.
Tiềm năng thương mại rất lớn
Hợp đồng với Sina Sports cho phép M.U khai thác các nguồn thông tin kỹ thuật số mà Sina Sports sở hữu hoặc có cổ phần. Thực tế, Sina Sports chỉ là một kênh của công ty mẹ là tập đoàn Sina Corp, vốn đang sở hữu nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc là Sina Weibo (vẫn được gọi là Twitter của Trung Quốc). Sina, cũng như ứng dụng MUTV, là một kênh kỹ thuật số chứ không phải truyền hình thông thường.
Bên cạnh tiền thu được từ việc đăng ký sử dụng ứng dụng MUTV, Sam Li còn hình dung ra một tương lai không xa rằng MUTV sẽ là một sản phẩm kỹ thuật số phổ biến khắp thế giới và hấp dẫn các nhà quảng cáo, khiến giá trị thương mại của M.U sẽ còn lớn hơn nữa, dù họ đã là số 1 trong thế giới bóng đá. Phó Chủ tịch M.U Ed Woodward cũng cho rằng ứng dụng của họ sẽ thu thập được nhiều dữ liệu hơn nữa từ người hâm mộ, từ đó M.U và các đối tác thương mại sẽ dễ dàng hơn khi bán ra thứ gì đó.
Tim Crow, CEO của Synergy, công ty hàng đầu về marketing thể thao và giải trí, cho rằng, sự tăng tốc chóng mặt của các nội dung kỹ thuật số có nghĩa là đến một ngày nào đó các CLB lớn có thể nhìn xa hơn việc du đấu nước ngoài và bán áo, mà tập trung vào việc khai thác giá trị của lực lượng CĐV đông đảo trên toàn cầu.
Ngoài các sản phẩm kỹ thuật số, Crow còn đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ thực tế ảo và coi đây là thứ sẽ thay đổi bóng đá trong tương lai khi đem lại cho người dùng một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Những công ty tiên phong như Laduma đã phát triển các nội dung ứng dụng công nghệ thực tế ảo cho NFL (bóng bầu dục Mỹ) và tương lai sẽ là bóng đá.
Mọi thứ sẽ cần thời gian, thử nghiệm và cả sai sót nữa, nhưng nếu thành công, tiềm năng thương mại mà nó đem về sẽ vô cùng lớn. Những CLB như M.U đã bắt đầu đi theo hướng này và đó là lý do tại sao họ luôn là đội bóng thành công nhất trên thương trường cũng như có lực lượng CĐV đông đảo nhất.
M.U lần đầu vượt Real sau 11 năm về sự giàu có Hồi giữa tháng 1/2017, M.U đã trở thành đội bóng giàu có nhất thế giới theo công bố mới nhất của BXH Deloitte’s Football Money League (áp dụng cho mùa giải 2015-16) để phá vỡ sự thống trị kéo dài 11 năm của Real Madrid. Đó là lần đầu tiên kể từ mùa 2003-04, M.U mới lại lên vị trí số 1 về doanh thu, cho dù họ chỉ xếp thứ 5 tại Premier League mùa 2015-16, trong khi Real giành chức vô địch Champions League. Cụ thể, M.U là đội bóng đầu tiên trong lịch sử đạt doanh thu vượt mốc 500 triệu bảng, chính xác là 515,3 triệu bảng, trong mùa 2015-16 khi doanh thu của họ tăng đột biến ở cả 3 khía cạnh: truyền hình, doanh thu từ các trận đấu và thương mại. Thương mại chính là sự khác biệt của M.U so với các đối thủ của họ, nhất là ở thị trường nội địa. “Có nhiều yếu tố khác nhau đằng sau thành công của M.U về mặt tài chính. M.U là một nhãn hiệu toàn cầu và họ không chỉ dựa vào những nhà tài trợ chính như adidas hay Chevrolet, mà họ còn có một mạng lưới rộng khắp các đối tác thương mại trải dài trên khắp thế giới với nhiều ngành nghề khác nhau”, Dan Jones, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thể thao của hãng kiểm toán Deloitte cho hay. M.U có tổng cộng 70 đối tác liên kết khác nhau (M.U chia các nhà tài trợ của họ thành toàn cầu và vùng, cũng như các mảng khác nhau như truyền thông và tài chính), trong đó có 25 nhà tài trợ toàn cầu, gồm hàng loạt nhãn hàng từ dầu bôi trơn, rượu vang, máy kéo... Các đối tác về tài chính của họ phủ khắp thế giới, từ Uganda cho tới Hàn Quốc, từ Serbia cho tới Mexico. Trong mùa Hè 2015, M.U đã ký hợp đồng thương mại trị giá 750 triệu bảng trong 10 năm với adidas, khi hãng đồ thể thao Mỹ thay thế Nike để trở thành nhà tài trợ quần áo cho CLB. Trước đó, hợp đồng của M.U với Nike chỉ là 305 triệu bảng kéo dài trong 13 năm. |
Vũ Mạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất