Rubik bóng đá: Vì Arsenal, Đức không thể vô địch World Cup?

03/07/2014 15:11 GMT+7 | Tứ kết

(lienminhbng.org) - Năm 1998, báo Daily Mirror giật tít lớn sau trận chung kết Pháp-Brazil: “Arsenal đã vô địch World Cup”. Sau 16 năm, người ta có quyền tự hỏi rằng điều tương tự sẽ được tái hiện như thế nào?

1. Năm 1998, trong thành phần đội tuyển Pháp vô địch có 2 nhân tố Arsenal là Emmanuel Petit và Patrick Vieira, đều là những trụ cột trong hành trình đăng quang của Les Bleus. Petit còn là người ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 3-0 của Pháp trước Brazil trong trận chung kết. Từng đó là đủ để các CĐV Arsenal cảm thấy tự hào. Họ không hề “nhận vơ”.

Năm nay, 2014, có người nói rằng trận tứ kết Pháp - Đức là trận đối đầu giữa Arsenal và Arsenal. Trong đội hình của Pháp hôm nay vẫn có 2 cầu thủ Arsenal, là Koscielny và Giroud, như một truyền thống của HLV Wenger. Nhưng Đức mới chính là hiện thân cho cơ hội “vô địch World Cup” của Pháo thủ: trong đội hình Đức, có cầu thủ đắt giá nhất, Mesut Oezil, và đội phó Metersacker của Arsenal, hai nhân tố khó thay thế của HLV Joachim Loew, chưa kể “lá bài tẩy” Lukas Podolski.

Năm nay, thay vì Pháp, thì chính Đức mới là hiện thân của Arsenal ở World Cup.

2. Nhưng ai cũng nhớ rằng năm 1998, Arsenal vừa lập cú đúp Premier League và FA Cup, Petit và Vieira đang là những ngôi sao đang quen với chiến thắng - hay chính xác hơn là quen với việc tạo ra những chiến thắng. Họ đem bản lĩnh, sự tự tin và trình độ của mình góp vào thành công chung của đội tuyển Pháp.

Năm nay những người Arsenal góp gì cho World Cup?

Văn hóa chiến thắng đã không còn, bản lĩnh và sự tự tin đã mai một sau những chuỗi ngày quá dài sống trong cơn khát danh hiệu.

Hãy nhìn cái cách mà Mesut Oezil đánh mất mình trong một giai đoạn dài ở sân Emirates, một sự thui chột mà không ai có thể lý giải nổi cho dù anh đã có một khởi đầu như mơ, đã thể hiện rằng mình ở một đẳng cấp thượng thừa và hoàn toàn phù hợp với lối chơi của đội. Hãy nhìn Metersacker: Anh không hề giống một trung vệ quốc tịch Đức khi phạm khá nhiều sai lầm cá nhân (dù vẫn còn thuộc hàng ít trong các hậu vệ của Arsenal). Lukas Podolski là người duy nhất vẫn có vẻ giữ được sự tự tin, nhưng anh đã không còn được trọng dụng ở cả Đức lẫn Arsenal.

Oezil dường như đã đem cái “tinh thần Arsenal” của anh đến Brazil. Năm 2010, nói đến Oezil là nói đến sự đột biến, với pha bứt tốc khiến người Argentina lạnh gáy và cú sút xa khiến Ghana ôm hận. Năm 2014, anh trở nên hiền lành và vô hại như... một cầu thủ Arsenal. Sự tự tin của một cầu thủ liều lĩnh và có nhiều quyết định đột phá giờ đã không còn thấy ở cầu thủ gốc Thổ này.

Nếu có một Arsenal ở World Cup, thì đó chính là tinh thần mà Mesut Oezil đang thể hiện. Anh thậm chí trở thành cái gai của nhiều CĐV Đức tại giải năm nay, trong số đó có huyền thoại Oliver Kahn.

3. Không phải cứ là thành viên của một CLB thành công thì sẽ chơi tốt ở cấp độ đội tuyển. Đức cũng đã từng dự World Cup năm 1990 với 3 trụ cột đến từ một đội bóng thất bại ở mùa năm đó, là Klinsmann, Matthaeus và Brehme đến từ Inter. Năm 1990, Inter chỉ xếp thứ 3 tại Serie A.

Nhưng thứ tồn tại ở Arsenal không đơn thuần là những thất bại thông thường. Đó là một tâm lý yếu nhược đã được bồi đắp suốt gần một thập kỷ, một tâm lý đã ăn vào bản chất và tạo ra những thất bại “phi thường”. Inter dẫu sao vẫn là nhà vô địch Serie A năm 1989.

Người ta có lý do để lo lắng rằng không phải là Pháp hay Brazil, mà rất có thể là Arsenal sẽ là đội đánh bại Đức tại giải năm nay.

ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm