Rubik bóng đá: Một cuộc tất tay

08/07/2014 14:46 GMT+7 | Bán kết

(lienminhbng.org) - Bán kết World Cup 2014 không chỉ là cuộc đối đầu châu Âu-Nam Mỹ, mà còn là cuộc đối đầu của 2 quyền lực lớn khác trong ngành thể thao: Adidas và Nike. Hà Lan và Brazil mặc áo Nike, còn Đức và Argentina, là của Adidas.

1. Nike và Adidas từ lâu vẫn ở trong một cuộc chiến không khoan nhượng trong lĩnh vực trang phục bóng đá. Cuộc chiến khốc liệt đến mức người ta từng đồn rằng chính Nike chứ không phải ai khác, là những người đẩy “Rô béo” ra sân trong trận chung kết World Cup 1998, bất chấp thể trạng tồi tệ của anh này. Họ buộc phải có người mẫu số 1 của mình trên sân và ép LĐBĐ Brazil cho anh thi đấu.

Lại một lần nữa, hai hãng đồ thể thao lớn nhất thế giới “họp thượng đỉnh” ở World Cup.

Khẩu hiệu của Adidas năm nay là “All In”, nghĩa là “tất tay”. Họ khuyến khích cầu thủ hãy chơi hết sức. Nhưng nó cũng đồng thời mô tả chính những gì Adidas đang làm: World Cup, hay thị trường đồ bóng đá nói chung, với họ là một cuộc tất tay.

Bóng đá là “thánh địa” cuối cùng mà Adidas chưa thua Nike. Tổng doanh thu của Nike hiện cao hơn Adidas tới 25% (25 so với 20 tỷ USD). Nhưng trong bóng đá, Adidas vẫn đang “tạm” kiếm được nhiều tiền hơn Nike. Bởi họ đã đầu tư rất kinh khủng cho World Cup.

Hợp đồng tài trợ của Adidas với FIFA có giá 70 triệu USD cho mỗi kỳ World Cup. Hợp đồng tài trợ của họ với đội tuyển Đức là 37 triệu USD/năm, thuộc hàng cao nhất thế giới. Hợp đồng của họ với Messi, 3,3 triệu USD/năm, tất nhiên cũng thuộc hàng “top”.

Canh bạc của họ đang trông chờ cả vào Messi và đội tuyển Đức. Trong đó, quan trọng nhất chính là đội tuyển Đức.

2. Mối quan hệ giữa Adidas và đội tuyển Đức không chỉ là quan hệ kinh tế đơn thuần. Đó là một quan hệ cộng sinh để tôn vinh niềm tự hào dân tộc. LĐBĐ Đức từng từ chối một hợp đồng có giá trị gấp đôi từ Nike (khoảng 50 triệu USD/năm so với 25 triệu của Adidas khi đó), để mặc áo Das. Bởi vì Adidas là của người Đức.

Thế nên cuộc chiến giữa Đức và Brazil không chỉ là cuộc chiến của hai đội tuyển, mà còn là cuộc đối đầu của 2 niềm tự hào. Việc người dân Brazil gửi gắm “sứ mệnh quốc gia” vào Selecao trong bối cảnh loạn lạc này, đã được nói đến nhiều rồi. Nhưng còn Đức, dù họ không cần bóng đá làm “thuốc cứu rỗi” kiểu Brazil, nhưng đội tuyển này là một trong những đội bóng gắn bó chặt chẽ với đặc tính dân tộc, giống với một đại sứ của đất nước nhất.

Nếu bạn là độc giả quen thuộc của các báo thể thao thì chắc hẳn đã một lần trong đời bạn được đọc một bài viết về việc người Đức “khoe” khoa học của họ trong bóng đá ra sao. Rồi cũng chẳng có đội tuyển nào có “fan cuồng” là Thủ tướng, được đem ra “nhậu” bên lề các buổi họp thượng đỉnh G-8. Và với câu chuyện của Das, thì họ còn là đại diện cho sức mạnh kinh tế Đức nữa.

3. Ở Anh, bóng đá là chuyện của Liên đoàn. Ở Italy, bóng đá là cuộc chơi của các nhà tài phiệt. Ở Tây Ban Nha, là của Barca và Real Madrid. Ở Đức, nó là của cả một hệ thống xã hội, từ khoa học, chính trị đến kinh tế.

Không chỉ có Adidas, mà cuộc chơi bóng đá của cả xã hội Đức cũng là một cuộc chơi “tất tay”. Tất nhiên, nó không phải là một canh bạc kinh doanh. Nhưng sự đầu tư và niềm kỳ vọng cho Mannschaft là vô cùng khủng khiếp.

Người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu, Angela Merkel đã sẵn sàng để được hò hét bên cạnh khuôn mặt ủ dột của Sepp Blatter.

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm