Rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng

11/04/2020 11:19 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 10/4, Chính phủ Brazil công bố thông tin cho biết nạn phá rừng Amazon tại nước này tiếp tục gia tăng trong tháng 3 vừa qua, chủ yếu do những đối tượng khai thác gỗ bất hợp pháp và đầu cơ đất đã lợi dụng bối cảnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để hoành hành tại khu rừng nhiệt đới này.   

Colombia nhận thêm hàng triệu USD hỗ trợ bảo vệ rừng Amazon

Colombia nhận thêm hàng triệu USD hỗ trợ bảo vệ rừng Amazon

366 triệu USD là khoản tiền mà các nước Na Uy, Đức và Anh cam kết sẽ hỗ trợ Colombia trong 5 năm tới để giúp nước này giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng ở rừng rậm Amazon thuộc phạm vi lãnh thổ của mình. Trong số này, riêng Na Uy chi tới 311 triệu USD.

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn nguồn Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết diện tích rừng Amazon bị phá hủy tại Brazil trong tháng 3 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng Amazon bị chặt phá là 796 km2, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích này được ước tính ngang bằng với quy mô thành phố New York, Mỹ.   

Nhà nghiên cứu chuyên về khu vực Amazon thuộc trường Đại học Sao Paulo, ông Carlos Nobre cho biết dịch COVID-19 đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động của nền kinh tế Brazil, song lại không chặn được các hoạt động tàn phá môi trường.

Trước đó, Viện Môi trường và Tài nguyên tái tạo Brazil (IBAMA) tháng 3 vừa qua thông báo để đề phòng sự bùng phát của dịch bệnh sẽ giảm số nhân viên kiểm lâm tới vùng rừng Amazon đối phó với tội phạm môi trường như khai thác gỗ trái phép.   

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ các đám cháy tại khu vực rừng Amazon ở Rondonia, Brazil, ngày 24/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

 Trong khi đó, nhà nghiên Carlos Souza của tổ chức phi chính phủ Imazon cảnh báo việc giảm bớt các hoạt động kiểm soát và bảo vệ rừng, bên cạnh nguy cơ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, sẽ là các yếu tố làm gia tăng các hoạt động tàn phá rừng bất hợp pháp.    

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng liên tục gia tăng, cùng với thảm họa cháy rừng năm 2019 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình cấp bách bảo vệ khu rừng này.

Lê Hiền/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm