Rung chuông 'tập thể' đón Giao thừa: Mới, nhưng cứ thử xem

05/01/2017 07:04 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Đề xuất của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội về việc rung chuông đón Giao thừa Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội cũng quyết định không bắn pháo hoa trong sự kiện này.

Về vấn đề này, Thể thao &Văn hóa (TTXVN) ghi lại ý kiến của một số chuyên gia văn hóa và tâm linh.

TS Nguyễn Văn Vịnh: Nếu duy trì nó sẽ trở thành thói quen

Trong đời sống, chuông tại các nhà thờ Thiên chúa giáo và các ngôi chùa của Phật giáo là phổ biến nhất. Và thực chất, mỗi loại chuông này cũng có những nguyên tắc vận hành khác nhau.

Với đạo Thiên chúa, chuông cũng có thể kéo để báo hiệu sự kiện trang trọng hoặc những thời khắc đặc biệt. Tuy nhiên, chuông nhà thờ còn có đặc thù là nhắc nhở nhịp sinh hoạt của cộng đồng, chẳng hạn như các hồi chuông vẫn được kéo lên thường nhật vào buổi sáng và buổi chiều.

Còn ở Phật giáo, chuông lớn có tính chất trang trọng, thiêng liêng, sử dụng như biểu trưng để liên thông giữa con người với cõi giới bên ngoài. Ở những sự kiện trang trọng vừa phải hoặc liên quan tới cá nhân, nhà chùa thường chỉ dùng chuông nhỏ hoặc mõ gỗ.


Chuông chùa sẽ được ngân lên trong dịp năm mới 2017? (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Do vậy, tôi cũng hơi băn khoăn khi 2 loại chuông này cùng được ngân lên vào Giao thừa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tính hỗn dung, dễ dàng tiếp nhận các yếu tố khác nhau của văn hóa Việt, thì điều này cũng chấp nhận được. Việc rung chuông mừng năm mới có thể chưa phổ biến trong những năm trước đây, nhưng nếu cộng đồng chấp nhận và cùng duy trì thì nó cũng sẽ trở thành một thói quen trong cách nghĩ của chúng ta.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng: Ý tưởng hay, nhưng khó hiệu quả

Thời khắc Giao thừa mà có thêm âm thanh, hình ảnh lành mạnh để chào đón thì tôi nghĩ sẽ có thêm dấu ấn đặc biệt cho năm mới, vì thế, nếu chùa đánh chuông, nhà thờ rung chuông… vài hồi, thì càng hay.

Ý tưởng về việc này theo tôi là thú vị, nhưng sẽ khó thực hiện, và khó hiệu quả. Đầu tiên, chùa hoặc nhà thờ xem tiếng chuông thuộc hoạt động tôn giáo, vì mục đích thiêng liêng, nên chịu sự chi phối của các quy tắc sẵn có từ lâu, nay không thể tự tiện thay đổi hoặc sử dụng vào mục đích thế tục.

Hơn nữa, tiếng chuông ở các miền quê, ở thảo nguyên, trung du thì còn có thể vang xa, chứ ở các đô thị đông đúc, ồn ào thì hiệu quả chẳng bao nhiêu. Nhiều nhà thờ ở thành phố hiện nay phải dùng chuông điện để tạo tiếng vang xa hơn, nhưng các giáo dân ở quanh vùng cũng rất khó nghe rõ, nên đa số đến nhà thờ là do nắm được lịch hoạt động từ trước.

Với các sự việc đột xuất như có người qua đời, ngoài tiếng chuông, nhà thờ còn phải gọi điện thoại thông báo trực tiếp đến một số người để nắm được tin tức cụ thể hơn.

Tôi ủng hộ ý tưởng đánh chuông, rung chuông đêm Giao thừa, nhưng vẫn còn những băn khoăn trên.

PGS - TS Bùi Quang Thắng: Việc này cũng nên thử

Ai chưa quen nghe chuông đêm Giao thừa thì có thể giật mình, ai quen nghe rồi thì lại tưởng đêm Noel. Chuông nhà thờ và chuông nhà chùa có âm thanh khác nhau, vang xa thì chỉ có chuông nhà thờ thôi; nhịp điệu đánh chuông và kéo chuông cũng khác nhau nữa, nếu mà cùng một lúc thì nghe cũng rối đấy.

Tuy nhiên, tôi nghĩ việc này cũng nên thử, cái này mình không dám khẳng định tốt/xấu một cách chủ quan được.

Cúc Đường - Văn Bảy (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm