22/12/2012 08:04 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hôm qua (21/12), cuộc tòa đàm Bàn về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội trong khuôn khổ Liên hoan ca trù cổ Hà Nội lần thứ 2/2012 đã diễn ra tại Nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ( tháng 9/2009), đây là lần đầu tiên Liên hoan ca trù Hà Nội được tổ chức nhằm tôn vinh, kiểm kê, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các làn điệu ca trù Hà Nội cổ; đồng thời là hành động thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đang ở mức “cần được bảo vệ khẩn cấp”.
Vì thế, cuộc tọa đàm Bàn về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội trong khuôn khổ liên hoan đã thu hút được rất nhiều những nhà nghiên cứu, nghệ nhân: như GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS Vũ Nhật Thăng, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cùng các nghệ nhân ca trù.
Liên hoan ca trù cổ Hà Nội lần 2 |
1. Hiện nay, có rất nhiều CLB ca trù đang hoạt động tại Hà Nội như: Giáo phường ca trù Thăng Long, CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Thái Hà, CLB ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức), CLB ca trù Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), CLB ca trù Lỗ Khê, CLB ca trù thôn Chanh trong đó Lỗ Khê được đánh giá là cái nôi của ca trù.
GS Vũ Nhật Thăng, nhà nghiên cứu ca trù khá kỹ lưỡng cho biết, để bảo tồn ca trù nhất thiết phải có một quỹ dành cho các nghệ nhân cao tuổi. Ca trù phải được bảo tồn “sống” bằng nhiều cách, không chỉ là biểu diễn “suông” mà còn phải thực hiện quay hình, ghi tiếng thật cụ thể mỗi lần trình diễn cho đến việc nghiên cứu sâu vào âm nhạc ca trù.
Đây không phải cách làm mới nhưng nó vô cùng có ý nghĩa khi nhiều năm sau, chúng ta không thể biết được cách bảo tồn chỉ bằng biểu diễn sẽ tốn kém cỡ nào, sẽ đi về đâu và liệu có bảo tồn nguyên dạng được không hay sẽ “đẻ” ra nhiều dị bản khác nữa, trong khi cái chung ta đang làm là bảo tồn ca trù cổ? Bởi kể từ thời Lý đến nay thì ca trù cũng đã khác rất nhiều. Phải khẳng định, ca trù hiện nay không kiếm ra tiền nên cần phải dựa vào “mạnh thường quân”, Nhà nước để bảo tồn.
Còn theo nghệ nhân Bạch Vân, có rất nhiều cách để bảo tồn, không chỉ là nghiên cứu mà còn phải đưa ra biểu diễn trước công chúng. Việc biểu diễn này còn có giá trị trong việc giảng dạy, đào tạo các thế hệ sau vì được học trực tiếp là hàng đầu. Mặt khác, công chúng cũng cần được đào tạo để thưởng thức thì mới có khán giả. Song, nếu không có nhà di sản thì không thể thực hiện được. “Tại sao các loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng thì có nhà hát trong khi ca trù lại không có được một nhà di sản?” là thắc mắc của nghệ nhân Bạch Vân.
2. GS Tô Ngọc Thanh đánh giá, “Liên hoan lần này đã cho chúng ta thấy chất lượng và tầm cỡ của ca trù – đặc sản của văn hóa dân tộc. “Vấn nạn” của ca trù thì nhiều nhưng cơ bản, ca trù đang không có chỗ dựa. Vì thế, ca trù rất cần có một cơ quan có trách nhiệm đứng ra làm chủ. Riêng ý kiến của tôi, Bộ VH,TT&DL, Sở VH,TT&DL là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ các di sản. Cần phải có “người đứng mũi chịu sào” để tạo điều kiện biểu diễn song song với việc bảo tồn”.
Trước những ý kiến của các nhà nghiên cứu, đại diện của Sở VH,TT&DL Hà Nội, PGĐ Nguyễn Khắc Lợi cho biết, sắp tới, trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ khóa 8, chúng tôi sẽ đề xuất thêm về góc độ ca trù. Sở VH,TT&DL cách đây 3 năm cũng đã thành lập được phòng quản lý di sản văn hóa nên đây cũng sẽ là địa chỉ liên hệ của các CLB ca trù Hà Nội. “Hiện tại, cái gì có thể bảo vệ trước mắt thì sẽ bảo vệ, ví dụ như Quỹ Văn hóa sẽ có bảo hiểm dành cho các nghệ nhân cao tuổi từ 2013 và dự kiến sẽ tổ chức Liên hoan ca trù Hà Nội định kì 2 năm.
Trong năm 2013, Sở sẽ tiếp tục tổ chức tạo điều kiện cho hoạt động biểu diễn ca trù gắn liền với du lịch - mũi nhọn kinh tế thủ đô. Theo đó, các điểm biểu diễn của các loại hình văn hóa dân gian trong đó có ca trù sẽ là trọng điểm văn hóa năm 2013. Từ đây, chúng ta mới hình thành điểm di sản văn hóa để đưa ra các mục tiêu phát triển tiếp theo” – ông Lợi cho biết thêm.
Lam Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất