Góc nhìn: Man United, tấn công hay là 'chết'

27/09/2014 07:34 GMT+7

(lienminhbng.org) - Có lẽ là chưa bao giờ, các CĐV Man United lại cảm thấy hàng phòng ngự của đội nhà mong manh như lúc này, trái ngược với những gì đã chứng kiến trong kỷ nguyên Alex Ferguson.

1. Bất chấp việc Ryan Giggs, Eric Cantona, David Beckham, Ruud van Nistelrooy, Cristiano Ronaldo và Robin van Persie luôn đứng vào ánh đèn trung tâm sân khấu trong thành công của Man United dưới thời Ferguson, thì chất lượng hàng phòng ngự của “Quỷ đỏ” luôn có chỗ đứng của riêng nó.

Thậm chí, Denis Irwin, Gary Pallister, Paul Parker, người sau này được thay thế bằng Gary Neville, còn là nền tảng cho thành công. Jaap Stam và Ronny Johnsen có vai trò cực kỳ quan trọng trong cú ăn ba thần thánh năm 1999 trước khi Rio Ferdinand, Nemanja Vidic và Patrice Evra tiếp tục xây dựng một hàng thủ trứ danh khác. Wes Brown, Gabriel Heinze, Laurent Blanc, John O’Shea, Rafael Da Silva và những người khác cũng góp phần tạo ra danh tiếng cho bức tường Man United.

Mùa 2008-2009, Man United phải chơi số trận gấp đôi hiện tại mới thủng lưới nhiều như những gì đã diễn ra ở mùa giải này. Khung thành của thủ môn Edwin van der Sar đã trải qua 1.311 phút không thủng lưới, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu và đó là nền tảng cho chức vô địch mùa giải ấy của Man United.

2. Nếu so sánh với chất lượng hàng thủ hiện tại, thì ta nhìn thấy sự khác biệt là một trời một vực. Thật ngạc nhiên nếu Man United bây giờ có thể trải qua 90 phút sạch lưới. Phil Jones, Johnny Evans và Chris Smalling có vẻ như không bao giờ lớn, trong khi những đòi hỏi đặt lên vai cầu thủ trẻ Tyler Blackett rõ ràng là vô lý: Anh mới 20 tuổi, còn quá trẻ và cũng chỉ mới chơi năm trận cho đội một Man United.

Tình hình đang diễn ra ngày một tồi tệ hơn: Vì cơn bão chấn thương hoành hành, HLV Louis van Gaal có thể sẽ phải trình làng những hậu vệ “măng non” như Paddy McNair (19 tuổi) và Tom Thorpe (21) trong trận gặp West Ham vào cuối tuần này. Một hàng thủ cực kỳ dễ tổn thương nay lại càng mong manh hơn.

Man United hiện tại đang làm ngược lại với những gì Sir Alex hay làm: Họ mua những cầu thủ tấn công tốt nhất trong khi lại sẵn sàng sử dụng một cầu thủ trẻ ở tuyến sau.

3. Trong mùa Hè mua sắm kỷ lục năm 1989, Sir Alex Ferguson đã bỏ ra 7 triệu bảng, số tiền khủng khiếp bấy giờ, cho 5 tân binh, và trong số đó chỉ có một tiền đạo: Mike Phelan chơi tiền vệ và hậu vệ phải đều tốt, Gary Pallister là trung vệ, Neil Webb đảm nhiệm được vị trí trung vệ và tiền vệ trung tâm, Paul Ince là tiền vệ trung tâm và chỉ có Danny Wallace là chơi tiền đạo.

Những người đặt nền móng cho thành công của “Quỷ đỏ” sau này là Pallister (chơi cặp cực kỳ ăn ý với Steve Bruce ở hàng thủ), Paul Ince và Mike Phelan. Kể từ sau mùa giải giành cú ăn ba thần thánh 1998-1999 đầy may mắn, Sir Alex Ferguson ngày càng tin rằng hạn chế thủng lưới là điều kiện đầu tiên để thành công. Từ đó, Man United chơi một thứ bóng đá khoa học, hợp lý hơn hẳn so với lối đá ngây thơ cuối thập niên 1990.

Những gì đang diễn ra có thể khiến các CĐV trung thành của Man United phải ôm mặt tự hỏi rằng tại sao những người đến Old Trafford đầu tiên trong cuộc tái thiết đau đớn này lại không phải một trung vệ thép hoặc một tiền vệ phòng ngự đẳng cấp thế giới, mà lại toàn tiền vệ công và tiền đạo, dù đó có là những Angel Di Maria, hay Falcao đi chăng nữa.

Thành công của Man United và rất nhiều đội bóng lớn được tạo ra nhờ tấn công, nhưng quá trình xây dựng luôn bắt đầu bằng việc tạo ra một nền tảng phòng ngự vững vàng.

Man United hiện tại chỉ cần ngừng tấn công là “chết”, như cách mà họ thua ngược Leicester dễ dàng sau khi ông Van Gaal rút Di Maria khỏi sân.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm