13/06/2016 07:57 GMT+7 | Euro ở Việt Nam
(lienminhbng.org) - “Mùa bóng đá đến, cá độ thì sinh viên cá với nhau bằng chai bia thôi chứ không dùng tiền hay nói thứ gì to lớn”, Phạm Minh Huy, sinh viên năm nhất trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG HN), chia sẻ. Đó cũng là thứ làm tăng thêm gia vị cho đời sống thời sinh viên ở mỗi kì EURO hay World Cup.
Lựa chọn giữa nghĩa vụ và đam mê
Đang ôn thi cuối kì, lại chuẩn bị tốt nghiệp nhưng tình yêu bóng đá với Đức Hiếu vẫn rất lớn. Cậu khẳng định vẫn sẽ cố gắng xem đầy đủ các trận tại EURO năm nay như truyền thống của bản thân, còn thi học kì sẽ sắp xếp thời gian ôn luyện hợp lý.
Hiếu chia sẻ: “Mình đang thi cuối kì nhưng vẫn xem đủ 3 trận/ngày. Xem EURO từ 20h00 đến 4h30 sáng hôm sau. Rồi mình ngủ từ đó đến 12h trưa. Buổi chiều thì để ôn thi với ăn uống, giải trí đến tối lại tiếp tục. Cứ theo vòng tuần hoàn thế.
Có những hôm thi sáng thì mình thức đến sáng ôn lại rồi đi thi luôn, chiều về ngủ bù. Vấn đề sức khỏe thì bọn mình học Xây dựng, thời kì đồ án cao điểm cũng hay sinh hoạt kiểu này nên quen rồi. Với cả thay đổi múi giờ một tháng mình nghĩ cũng không sao. Giai đoạn Đại học nghỉ ôn thi thấy cũng bình thường chỉ thương mấy đứa đang ôn thi Đại học thôi”.
Trong khi đó, Minh Huy học tại trường ĐH KHXH&NV, kì thi học kì 2 năm đầu tiên rất nặng vì có nhiều môn phải học thuộc lòng. Huy đam mê bóng đá nhưng cũng thấy phân vân: “Mình mâu thuẫn giữa sở thích và nghĩa vụ của bản thân. Vừa muốn kết quả học tập tốt nên đôi khi không biết nên học hay nên xem bóng đá. Thường thì mình chọn vừa học vừa xem, còn những trận không hay thì xem tường thuật lại trên mạng. Trận nào cảm thấy rất hay thì mình mới cố xem thôi”.
Xem EURO vất vả như sinh viên ở KTX
Đang ở KTX Mễ Trì (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), Huy Lâm, sinh viên K59 trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN), cảm thấy khá khó khăn khi xem EURO tại đây. “Hệ thống mạng ở KTX không được tốt, vì phải dùng chung cho cả KTX nên khi xem rất giật. Thường một trận sẽ chậm hơn 2 phút so với thực tế. Có lúc phòng khác hô vào còn phòng tôi thì chờ mãi vẫn chưa vào, đôi khi hơi mất hứng”, Lâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, bạn cùng phòng cũng là khó khăn lớn với Lâm, cậu tâm sự: “Không phải ai cùng phòng cũng thích xem bóng đá nên chúng tôi cũng không dám hét to. Nhưng dù sao cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Đôi khi tôi phải sang một phòng khác có tất cả mọi người cùng xem”. Với những khó khăn còn lại, Lâm khẳng định xem ở KTX không bị cán bộ quản lý kiểm soát chặt chẽ, “bảo vệ hay cán bộ quản lý chỉ nhắc nhở hò hét bé thôi để không ảnh hưởng đến phòng khác”.
Còn với Dương Thị Huyền, sinh viên năm nhất trường ĐH KHXH&NV, một fan nữ của ĐT Đức và Bồ Đào Nha, thì lại khác. Huyền thích Đức vì lối chơi đẹp mắt, thích Bồ Đào Nha vì đơn giản cầu thủ yêu thích nhất là C.Ronaldo. Đam mê bóng đá, cũng muốn xem ở chỗ đông người cho có không khí nhưng Huyền khá ngại ngần đến điểm họp fan hay quán cà phê bóng đá.
“Tôi là con gái nên ngại ra các quán cà phê, các điểm họp fan đông người để xem. Tôi chỉ xem ở nhà hoặc đi xem trực tiếp ở SVĐ. Hồi lớp 11, 12 còn tụ tập đông bạn bè xem World Cup 2014. Lên Đại học rồi thì không còn tụ tập được thế nữa. Giờ cũng chỉ muốn xem cùng đông người nhưng toàn là bạn bè của mình thôi”, cô sinh viên năm nhất chia sẻ.
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất