28/09/2013 13:50 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Như TT&VH phản ánh, giải Sách hay 2013, vốn có tầm phủ sóng rộng (các đầu sách sau 1975), trao cho nhiều sách cũ và sách dịch. Hằng năm, người Việt vẫn viết và xuất bản, nhưng phải chăng khó đạt tầm "sách hay"?
Sách Việt mạnh về văn hóa và khoa học xã hội, yếu về khoa học tự nhiên. Một phần do bản tính dân tộc, một phần do hệ thống giáo dục.
Có những dòng sách “không ai hơn người Việt”
“Riêng về văn hóa, văn học và lịch sử Việt Nam thì không ai viết hơn được người Việt” - đó là khẳng định của bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, thành viên Ban thường trực dự án Sách hay với TT&VH.
Điều này gần như là tất nhiên, bởi về văn hóa, tâm tính và xã hội thì thường người Việt hiểu rõ hơn, còn người nước ngoài cùng lắm là đóng góp vài góc nhìn mới lạ.
Mặc dù vậy, người nước ngoài lại mạnh về tư liệu. Giải Sách hay 2013 cũng tôn vinh một cuốn sách dịch về lịch sử Việt Nam, đó là Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 của tác giả Li Tana, do Nguyễn Nghị dịch. Sách ra từ năm 1999 (NXB Trẻ).
Cùng đoạt giải ở hạng mục Nghiên cứu của giải Sách hay 2013 là cuốn Thần, người và đất Việt của tác giả trong nước Tạ Chí Đại Trường (được NXB Văn hóa thông tin in lại năm 2006). Chính BTC giải cũng thừa nhận: “Sách xuất bản đã lâu, nhưng đến với độc giả Việt Nam còn quá ít”.
Điều đó có nghĩa, tìm sách hay đã khó, nhưng sách hay mà phổ biến còn khó hơn. Theo bà Nguyệt, thường chỉ có sách văn học mới phổ biến, như Tốt tô chan bên cửa sổ, Chuyện nghề của Thủy (2013), Trăm năm cô đơn (2012), Nỗi buồn chiến tranh (2011).
2 đầu sách kinh tế trong nước, đoạt giải Sách hay 2012 và 2011
Người Việt khó viết sách khoa học và kinh tếKhi còn làm ở NXB Trẻ, bà Quách Thu Nguyệt từng xây dựng “Tủ sách kiến thức và thời đại” gồm các nhóm: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Trong đó, chỉ có sách khoa học xã hội là thành công, 2 nhóm sách còn lại, hoặc chưa có tác phẩm, hoặc không thể duy trì sau một vài cuốn.
Lý giải cho khó khăn của dòng sách khoa học, bà Nguyệt nói: “Sách khoa học thường là công trình cả đời của người nghiên cứu, mà chế độ nhuận bút lại quá thấp, không thể bù đắp được công sức của họ”.
Một nguyên nhân khác là: tri thức của người Việt cũng có độ chênh so với thế giới, lại “bụt chùa nhà không thiêng”. Kể cả những “cây đa cây đề” viết sách cũng không thành công bằng tác giả nước ngoài.
Về sách kinh tế - quản trị, có một thực tế khập khiễng
Các nhà quản lý doanh nghiệp luôn khẳng định “phải tìm cách thích nghi với môi trường kinh doanh Việt Nam, không thể áp dụng cứng nhắc tư duy nước ngoài” (như Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alphabooks, nói với các du học sinh về nước trong một cuộc gặp).
Nhưng ở Việt Nam hiện nay, sách kinh tế hầu như đều là sách dịch. Trong giải Sách hay 2012 và 2013, BTC còn không tìm được sách trong nước để trao giải cho mảng quản trị.
Alphabooks lên kế hoạch làm dòng sách thuần Việt |
Sách dịch, mặc dù cập nhật các kiến thức mới của thế giới, nhưng để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam thì không dễ.
Để khuyến khích tác giả trong nước, Alphabooks cũng từng xuất bản vài đầu sách kinh tế do người Việt viết, như Kiếm tiền trên mạng, Contact Center -Nghề dịch vụ khách hàng qua điện thoại…
Điểm đặc trưng của sách kinh tế do người Việt viết là không trình bày những “triết lý kinh doanh cao siêu mà thiên về thực hành, mẹo mực trong kinh doanh. Chính các mẹo mực này là nhu cầu của độc giả” - chị Nguyễn Việt Hà, đại diện Alphabooks cho biết.
Vì vậy, mới chỉ có vài tác phẩm lẻ chứ chưa thực sự có dòng sách kinh tế - quản trị có hệ thống của người Việt.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất