04/06/2015 06:08 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Damir Dzumhur sinh tháng 5/1992 ở Sarajevo, không xa sân băng chính của Olympic mùa Đông 1984. Một tháng trước khi Dzumhur ra đời, thành phố này thất thủ sau cuộc vây hãm dài ngày nhất với một thủ đô trong lịch sử chiến tranh hiện đại.
Vài ngày sau nữa, sân băng bị phá hủy, tầng hầm được sử dụng làm nhà xác và các băng ghế gỗ bị tháo ra để đóng thành những cỗ quan tài.
Sân đấu được xây lại sau cuộc chiến tranh Bosnia, và đó là nơi Dzumhur khởi nghiệp. Anh trở thành tay vợt Bosnia và Herzegovina đầu tiên trong lịch sử vào tới vòng 3 giải Pháp mở rộng, nhưng Dzumhur chỉ là một trong 28 tay vợt Balkan vào tới lượt đấu chính thức ở Roland Garros lần này, còn đông hơn 4 người so với tất cả các tay vợt Mỹ (nữ là 17-17 và nam là 11-7). Đó là chưa kể những tay vợt sinh ở Balkan nhưng giờ chơi với quốc tịch khác, như Andrea Petkovic, một người Đức gốc Nam Tư cũ.
4 tay vợt Balkan vào tới vòng 4, Ana Ivanovic và Novak Djokovic (Serbia), Marin Cilic (Croatia) và Andreea Mitu (Romania), trong đó Djokovic là ứng viên số 1 cho chức vô địch giải lần này. Số tay vợt Balkan vươn lên số 1 thế giới từ năm 2008, Djokovic, Ivanovic và Jelena Jankovic, cũng nhiều hơn các tay vợt Mỹ. Câu hỏi là tại sao?
Tự nỗ lực vươn lên
“Tôi cho rằng sự khác biệt giữa các nền quần vợt lớn và những quốc gia nhỏ chúng tôi là mỗi người đều phải nỗ lực tự thân hết mình”, Mirjana Lucic-Baroni, lớn lên ở Croatia và chuyển sang Mỹ sau khi đủ 16 tuổi, nói. “Không có ai giúp chúng tôi và chúng tôi phải tự tìm cách. Những nước lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Australia, khi có những tay vợt trẻ triển vọng, họ sẽ trở thành ngôi sao dù chưa kịp thắng trận nào đáng kể. Và tôi cho rằng đó là sự khác biệt. Chúng tôi không được ai ca tụng lên mây xanh, mà luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình”.
“Chúng tôi phải đối mặt rất nhiều khó khăn”, Ivanovic, vô địch Pháp mở rộng năm 2008 khi mới 20 tuổi, nói. “Không dễ để nhận được sự hỗ trợ về tài chính, vượt qua khỏi tầm mức quốc gia và là một tay vợt nghiêm túc ở các giải lớn. Tôi cũng học được sự khiêm nhường và tự hào với những gì mình làm được”.
Vì di truyền, vì... đói
Djokovic và Petkovic thì cho rằng một phần của thành công là do di truyền, người Serbia nói chung cao lớn và là những VĐV giỏi. “Tôi cho rằng kiểu gene rất quan trọng”, Djokovic khẳng định, dẫn ra những thành công khác của thể thao nước này, bóng nước, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá… Tâm lý và tinh thần cũng có vai trò lớn. “Tôi cho rằng các tay vợt Balkan, nhất là Serbia, luôn rất quyết tâm, để cho thế giới thấy họ có thể làm được gì dù tới từ một nước nhỏ. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là phỏng đoán của tôi, không có bằng chứng khoa học”, Petkovic nói.
Nhưng cô có lý, trải qua nhiều khó khăn giúp các VĐV thể thao Balkan vững vàng và ổn định hơn. Khi một phóng viên người Romania được hỏi tại sao các tay vợt Balkan lại chơi quyết liệt như thế, người này đã đáp: “Họ đói”. Ý ông không phải là “khát khao”, mà đúng nghĩa đen, tức họ phải kiếm cái ăn bằng thể thao. Một lý do giải thích sự sa sút của quần vợt nam Mỹ trong thời gian qua chính là việc cuộc sống ở đó quá dễ dàng và quá nhiều lựa chọn.
Rồi cứ thế, lớp ngôi sao này tạo cảm hứng cho lớp ngôi sao khác ở các nước Balkan. “Tôi bắt đầu chơi quần vợt vì thần tượng Monica Seles (tay vợt người Mỹ gốc Nam Tư từng giành 9 Grand Slam)”, Ivanovic nói. Dzumhur đang hy vọng sẽ là ngôi sao tiếp theo của Balkan. Anh nói sau khi thua thần tượng của mình Roger Federer ở vòng 3: “Ngay cả lúc tôi đã là hạng 3 của lứa trẻ trong nước, tôi vẫn không nhận được sự hỗ trợ gì từ liên đoàn. Mỗi khi tôi giành kết quả thì tôi lại thành người hùng và họ nói đó là thành tích lịch sử…, nhưng tôi thật sự nghĩ thế hệ tiếp theo cần được đầu tư tốt hơn”.
Các tay vợt Balkan ở Roland Garros Nam Djokovic (Serbia): Đã vào bán kết, gặp Murray. Nữ Ivanovic (Serbia): Đã vào bán kết, gặp Safarova. |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất