19/03/2021 08:30 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Chiều nay, trên sân Thống Nhất, CLB TP.HCM đối đầu cùng Sài Gòn FC trong khuôn khổ vòng 4 V-League 2021. Người hâm mộ thêm lần nữa sẽ được chứng kiến trận derby Sài thành của 2 đội bóng thành phố phương Nam....
Derby cùng thành phố hay vùng miền (ở Việt Nam có cả những trận derby ngành) trong bóng đá là chỗ để các đội bóng so tài nhằm tạo ra tầm ảnh hưởng, khẳng định chỗ đứng lớn nhất của mình. Ở đó, sẽ thấy nội lực, phẩm chất, danh dự và cả bản sắc được coi như niềm tự hào cho những trận derby. Vài năm trở lại đây, mỗi khi Sài Gòn FC đụng độ cùng CLB TP.HCM đều mang lại những ồn ào nhất định, trận đấu hôm nay cũng thế. Ai cũng muốn mình làm “minh chủ” bóng đá Sài thành nhưng chưa ai tạo ra được bản sắc riêng thì những trận derby luôn nhạt nhòa, thiếu sức sống.
Nhạt nhòa derby Sài thành
V-League 2017 là lúc CLB TP.HCM trở lại sân chơi chuyên nghiệp, trước đó 1 năm, một đội bóng của bầu Hiển cũng chuyển khẩu vào Nam với cái tên Sài Gòn FC. Khái niệm, tính chất và những so kè cho trận derby Sài thành từ đó mà ra. Nhưng rồi, cũng giống như những trận đấu của Navibank Sài Gòn, Sài Gòn United hay Sài Gòn Xuân Thành trước đó, những lần gặp nhau của Sài Gòn FC cùng CLB TP.HCM bây giờ chưa thể đón người xem kín chỗ sân Thống Nhất và cũng khó để nói rằng đấy là một trận derby Sài thành đúng nghĩa.
Phải thừa nhận những quyết liệt cho trận derby này là có. Điều đó đến từ câu chuyện ai cũng muốn mình mới là đội bóng số1 thành phố hay những điểm nóng trên sân đấu. Chỉ vậy thôi, còn cái nhìn về họ nơi người hâm mộ thành phố thì còn nguội lạnh lắm, chưa ai được coi là đội bóng con cưng hay có được tình yêu đích thực như đã từng có với Cảng Sài Gòn, với Hải Quan nhiều năm về trước.
Cho đến lúc này, 2 đại diện bóng đá thành phố đang đi trên con đường riêng trong cung cách xây dựng, phát triển của mình. Đội bóng của chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng không tiếc tiền cho những bản hợp đồng đình đám, trong lúc Sài Gòn FC giai đoạn “hậu” bầu Hiển chọn con đường “Đông du” để làm bóng đá.
Câu chuyện “khác người” trong cách làm bóng đá của CLB TP.HCM đã được thấy ngay từ mùa đầu tiên họ lên chuyên vào năm 2017. Cho đến lúc này, sau 5 mùa chơi V-League, họ chỉ chọn HLV ngoại cho vị trí cầm quân bắt đầu từ Alain Fiard đến Toshiya Miura rồi Chung Hae Seong và hiện tại là Alexandre Polking. Với sự hậu thuẫn nguồn lực từ các mạnh thường quân, nhà tài trợ, đội bóng đã không tiếc tiền mang về nhiều cầu thủ tên tuổi của bóng đá nước nhà. Lần lượt những Bùi Tiến Dũng, Trần Phi Sơn, Nguyễn Công Phượng, Ngô Hoàng Thịnh, Lee Nguyễn cập bến Sài thành. Chưa kể, mỗi mùa giải đều có trong tay dàn ngoại binh mới toanh đắt giá.
Mỗi năm “thay máu” mỗi đội hình là cái cách CLB TP.HCM đang để lại nhiều mùa giải đã qua. Họ hình như muốn rằng và nghĩ rằng khi chưa có cái gốc từ đào tạo trẻ thì chiến lược gom quân sao số là con đường “đi tắt đón đầu” nhằm cho ra một đội bóng mạnh. Chính vì cách đầu tư mạnh tay này mà các CĐV vẫn thường gọi đội bóng có biệt danh “Chiến hạm đỏ” là đội bóng trăm tỉ đồng.
Con đường riêng trong cách làm của mình, ít nhiều đã cho ra hiệu quả bước đầu nếu nhìn từ ngôi vị á quân 2019. Tuy nhiên, những thất bại sau đó ở mùa giải 2020 cũng như sự khởi đầu không suôn sẽ của mùa bóng này đã chỉ ra những hạn chế cố hữu của họ. Nói cách khác, sự gắn kết của một tập thể, tính ổn định lớp lang nơi cầu thủ là điều còn thiếu ở đội bóng này. Không phủ nhận những gì CLB TP.HCM đã làm được để tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng cùng Hà Nội FC trong mùa giải 2019 hay có thêm sắc màu đa dạng cho bức tranh chung V-League thời gian qua với cách làm của họ nhưng thế chưa đủ để người xem tin yêu.
Khát vọng ở đội bóng này là có và họ đang cố để biến khát vọng thành hiện thực bằng cách thức của riêng mình. Bóng đá rõ ràng cần kinh phí để tạo ra nguồn lực phát triển và thành công nhưng đôi lúc cho dù có tiền cũng chưa đủ hay chưa thể hình thành con đường đi tương xứng với những gì đã bỏ ra như thế.
Sẽ thấy rất rõ, thời gian qua, CLB TP.HCM đã và đang thu hút khán giả để sân nhờ tên tuổi và thương hiệu. Nói cách khác, họ đã thành công với khía cạnh truyền thông khi cái tên CLB luôn được nhắc trên mặt báo. Điều đó cần như một yếu tố song hành trong phương thức làm bóng đá nhưng để đi trên con đường bền vững cần thời gian với cả sự kiên nhẫn để làm nên bản sắc đội bóng. Ngẫm lại, sẽ thấy với CLB TP.HCM rằng “muốn nhanh thì phải từ từ”.
Nhớ lại, sẽ thấy đã có lúc Sài Gòn FC "cô đơn” khi đổi tên, chuyển khẩu vào TP.HCM. Nếu CLB TP.HCM đã không có mấy người hâm mộ trên khán đài thì những trận đấu của Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất một giai đoạn còn cám cảnh hơn với lác đác khán giả vào sân. Dứt hẳn đi cái danh có “gốc gác’ của bầu Hiển, Sài Gòn FC đang cố tìm ra cho mình con đường đi riêng với cách làm cũng mới lạ không kém, đó là phát triển CLB cùng với mô hình bóng đá Nhật Bản.
Lãnh đạo CLB ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với FC Tokyo; lấy về chuyên gia Nhật Bản để hỗ trợ làm bóng đá cộng đồng; ký hợp đồng với 3 cầu thủ Nhật Bản và cả kế hoạch đưa con người của CLB sang Nhật chơi bóng (như trường hợp của Cao Văn Triền sẽ sang J-League 2 thi đấu vào tháng 7 tới).Có thể thấy, bầu Bình đang có tham vọng “J.League hóa” mô hình hoạt động, phát triển của Sài Gòn FC. Đội bóng đã mời một loạt chuyên gia Nhật Bản về trung tâm Thành Long làm việc. Mới nhất là việc bổ nhiệm cựu GĐKT của LĐBĐ Nhật Bản, Masahiro Shimoda làm HLV trưởng thay ông Vũ Tiến Thành.
Với con đường đi như thế, đã có những hồ hởi về tương lai sáng hơn cho Sài Gòn FC nhưng nên nhớ, cái nhìn lạc quan đó cũng chỉ trên lý thuyết mà thôi. Thành công hay không, chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Nỗi nhớ derby đúng nghĩa
Bóng đá Việt từng chứng kiến nhiều trận derby đầy màu sắc và “khói lửa” sục sôi. Trong số đó, các cuộc đối đầu giữa Thể Công và CAHN nằm vào hàng kinh điển, đủ để lại huyền thoại lẫy lững. Bây giờ ở Thủ đô, mỗi khi Viettel và Hà Nội FC gặp nhau, người ta cũng nhắc nhiều về 2 chữ derby. Nhưng rồi, sẽ khó kiếm được những cạnh tranh sòng phẳng, khốc liệt hay hào hùng như mỗi khi Thể Công cùng CAHN đụng độ trước đây.
Công nhân QNĐN, Thừa Thiên-Huế hay Nghĩa Bình ngày trước cũng để lại những trận derby miền trung, derby đèo Hải Vân “sứt đầu mẻ trán”. Đó là những trận derby không mang màu sắc bóng đá kim tiền, không hô hào “đao to búa lớn”. Tất cả nội hàm để tạo ra ý nghĩa thật sự chỉ đến từ danh dự, thương hiệu cùng bản sắc của một thời bóng đá bao cấp.
Vậy nên, với CLB TP.HCM, Sài Gòn FC thì khán giả Sài thành không mấy mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Trong tình yêu cùng bóng đá và tâm thức của họ, họ vẫn luôn nhớ về những trận derby đậm chất Sài thành giữa những cái tên giàu truyền thống, có bản sắc năm nào. Những cái tên đi lên từ chính gốc gác thành phố, tạo ra thương hiệu và bản sắc hào hùng đúng nghĩa của nó. Đó là derby dựa vào nội lực chứ không phải derby…từ nguồn ngoại lực.
Bóng đá thành phố phương Nam từng một thời tóe lửa với những trận so tài giữa Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, CA TP.HCM.... Để rồi khi những cái tên lẫy lừng này xóa sổ, người hâm mộ đã ngậm ngùi về một thủa vàng son. Nhiều năm sau đó, chứng kiến những Navibank Sài Gòn, Sài Gòn United, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn FC nhập khẩu về thành phố vừa không rõ ràng gốc tích vừa làm bóng đá theo kiểu "ăn xổi ở thì" chỉ khiến người xem cám cảnh về giai đoạn lịch sử trước đó mà thôi. |
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất