30/01/2022 23:18 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là lễ Chạp thường được các gia đình tổ chức vào cuối tháng Chạp hàng năm, trước khi sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết.
Đây là một trong những việc người còn sống thể hiện hiếu đạo, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Ý nghĩa của tục tảo mộ cuối năm
đối với người Việt thì việc tảo mộ chủ yếu vẫn được tiến hành vào các dịp cuối tháng 12 âm lịch, với quan niệm sửa sang mộ phần, đón người quá cố về ăn tết chung với gia đình. Còn đối với nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm với cả gia đình, dòng họ.
Tục tảo mộ cuối năm, và không chỉ đơn thuần là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Tuỳ theo phong tục từng nơi, cũng có khi việc tảo mộ được diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ hoặc đi tảo mộ theo dòng họ. Nếu là tảo mộ theo dòng họ thì thường được làm vào ngày chạp, ngày mà các anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ lớn của tổ tiên để cúng lễ, dọn dẹp, sơn phết, trang nghiêm…
Thời gian cụ thể do mọi người tự chọn, thống nhất và thường là vào ngày nghỉ để sự có mặt của mọi người thêm đông đúc hơn. Mỗi gia đình sẽ cử một người đi đại diện.Trong những ngày này, khu nghĩa trang cũng trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Còn các cụ già thì khấn vái tổ tiên nơi phần mộ những trẻ cũng được theo chân cha mẹ hay ông bà, trước là để biết dần những gôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng biết kính trọng ông bà, tổ tiên qua tục viếng mộ.
Người đi tảo mộ lo việc đắp lại phần mộ cho những người quá cố. Công việc chính của việc tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ sao cho được sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm cho phần mồ sao cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Khi mỗi ngôi mộ được sửa sang xong lại đắp một vuông đất mới đặt lên phần trung tâm, sau đó thắp nén nhang và có lời mời người đã khuất về ăn Tết cùng con cháu. Cũng có khi, người tảo mộ sẽ đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người ông bà, tổ tiên.
Theo phong tục của người Việt, gia đình sẽ đón tổ tiên (rước ông bà) về từ ngày 29-30 Tết (28-29 tết nếu tháng thiếu) và vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3, con cháu thường làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ, cúng gia tiên với tất cả tấm lòng thành kính thiêng liêng.
Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của chuỗi ngày nghỉ ngơi vui Tết của con cháu hoặc là ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ. Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”.
Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất.
Đi tảo mộ cẩn chuẩn bị những gì?
Khi đi tảo mộ cuối năm, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đúng và đủ là vô cùng quan trọng. Có nhiều người vì không biết rõ đi tảo mộ cần chuẩn bị những gì ngày Tết nên đã phạm phải những sai lầm không nên có, vô cùng đáng tiếc. Gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn tùy ý, nhưng theo quan niệm hiện nay, người ta thường chọn lễ chay để tránh sát sinh, tránh gây thêm tội nghiệp cho người đã khuất, mong họ có thể sớm siêu thoát. Nhưng dù là lễ chay hay mặn thì có một số lễ vật là không thể thiếu như: Đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, hương và quả.
Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh trái, gạo, muối, bỏng, chén mật, xôi chè, bơ. Lễ mặn thì có thêm chân giò, gà luộc, rượu thịt hoặc khoanh giò.
Khi vào lễ, gia chủ thắp hương, thắp đèn và khấn vái theo bài cúng khi đi tảo mộ. Trong lúc đợi hương tàn, con cháu có thể bắt tay vào dọn dẹp, tu sửa cho mộ phần. Khi hương cháy đến hơn 2/3 tức là lễ tạ, gia chủ tiến hành hóa vàng và có thể xin lộc về để làm lễ cúng gia thần, gia tiên ở nhà.
Những lưu ý, kiêng kỵ khi đi tảo mộ cuối năm
- Phụ nữ đang thời kì hành kinh hoặc mang thai không nên đi tảo mộ. Không tính đến vấn đề phong thủy , cơ thể người phụ nữ lúc này rất yếu, dễ bị nhiễm lạnh và khí độc có nhiều ở nghĩa trang.
- Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.
- Khi đi lại cần nhẹ nhàng, cẩn thận. Bạn không nên làm lộn xộn và xới xung đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh.
- Những người có khí trường, sức khỏe yếu thì khi vào nhà nên bước qua chậu lửa hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi những trường khí độc.
- Khi tảo mộ, cần chú ý xem xét bốn phía của ngôi mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.
- Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận.
- Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.
- Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.
- Cấm kị việc nói bậy hoặc đùa cợt trong khi làm lễ.
- Chú ý đến cách sử dụng hoa cúng lễ. Loài hoa phù hợp nhất là hoa bách hợp trắng, hoa cúc vàng hoặc trắng. Dẫu vậy, không nhất thiết phải sử dụng những loại hoa truyền thống, bạn có thể sử dụng loài hoa mà người đã khuất từng thích khi còn sống để thể hiện tình cảm của mình.
Sắm lễ tạ mộ cuối năm
Khi đi tảo mộ, người dân có thể chuẩn bị những đồ lễ gồm:
- Một con gà hoặc một khoanh giò, hay 2 lạng thịt nạc vai luộc
- 1 đĩa xôi hoặc bánh chưng, 1 đĩa gạo muối
- 1 bát nước, 1/2 lít rượu trắng
- 1 bao thuốc, 1 lạng chè
- 1 bộ quần áo quan Thần linh, mũ, hia tất cả màu đỏ, ngựa đỏ kiếm trắng
- 1 đinh vàng hoa, 10 lễ vàng tiền
- 4 cái oản đỏ
- 5 lá trầu và 5 quả cau
- 9 bông hồng đỏ và đĩa hoa quả (5 quả tròn).
Đối với vong linh tùy theo là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến cho phù hợp. Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá….mỗi thứ ít nhiều.
Chú ý: nếu phần mộ nhỏ thì phải có thêm mâm, thêm bàn để bày lễ lên sao cho phù hợp.
Sau khi chuẩn bị đồ lễ, con cháu sẽ kính cẩn, mời người đã khuất về ăn Tết cùng gia đình.
Bài cúng tảo mộ cuối năm
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Địa tạng Vương Bồ Tát.
- Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
- Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
Con kính lạy hương linh cụ:…………………..
Hôm nay là ngày… tháng Chạp năm Canh Tý, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:…………..
Ngụ tại:…………..
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:............... có phần mộ táng tại………… được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám. Phù hộ độ trì
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn Hóa Thông tin)
Bài cúng tạ mộ
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy:
- Quan đương xứ thổ địa chính thần
- Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần
- Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Con kính lạy vong linh ..........
Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết …..
Chúng con là:...............
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ.
Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.
Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong)
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Khôi Nguyên (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất