02/08/2014 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Chiều qua, cơn mưa giông khiến sân Chi Lăng ngập trong bể nước, còn buổi tập của thầy trò Huỳnh Đức bị bỏ dở giữa chừng. Ngồi trên khán đài trò chuyện với một số CĐV bóng đá sông Hàn về sân bóng Chi Lăng trong khung cảnh ấy, chúng tôi bỗng trào dâng một nỗi buồn miên man. Ngày 3/8 sắp tới có thể là trận đấu cuối cùng của SHB.Đà Nẵng diễn ra trên sân đấu này, Chi Lăng sắp phải xa rồi.
Cơn mưa dông bất ngờ buộc thầy trò Huỳnh Đức phải dừng hẳn buổi tập. Phóng viên Thể thao & Văn hóa cùng một số CĐV chạy lên phía khán đài A nơi có mái che để trú ẩn. Chính tại đây chúng tôi đã được nghe một số CĐV lão làng của SHB.Đà Nẵng kể những kỷ niệm không thể nào quên về sân bóng Chi Lăng từ cổ chí kim.
Chi Lăng trong ký ức người hâm mộ!
Sân vận động Chi Lăng năm nay tròn 70 tuổi, là một sân bóng khá khang trang nằm ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Hình ảnh hôm nay là thế, nhưng hẳn ít người biết từ thưở ban sơ, lúc mới xây dựng Chi Lăng chỉ như một sân bóng phong trào cấp huyện.
Ông Trần Nam Hải (53 tuổi, trú tại 77/44 đường Lê Độ, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) say sưa kể: “Tôi xem bóng đá trên sân Chi Lăng từ năm 1975, khi đó sân bóng này khán đài còn thấp le te, chưa có dàn đèn, chưa có ghế ngồi, đường piste còn là đường đất, mặt cỏ không đẹp và xanh mượt như bây giờ. Nhớ ngày đó, xung quanh sân Chi Lăng, từ khu vực khán đài D kéo dài tới khán đài A còn có một lòng hồ, nước ngập lên đến bắp đùi. Mỗi lần đến sân xem bóng không có vé vào sân mọi người phải lội qua cái lòng hồ ấy để vào.
Chi Lăng ngày ấy tuy nghèo nàn, thô sơ nhưng luôn cuốn hút người hâm mộ. Tôi còn nhớ như in, thời kỳ đó trận đấu bóng đá nào diễn ra trên sân bóng này thường thu hút rất đông khán giả, và ai cũng háo hức được bước qua cánh cổng để vào sân.
Trận đấu 15h chiều mới diễn ra thì từ 11h trưa, những con đường từ Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn đến Hùng Vương, Ngô Gia Tự từng đoàn người đã rồng rắn xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt mình vào sân”.
Ông Hải chưa kịp dứt lời, ông Hoàng Trí (58 tuổi, trú tại phường Tam Thuận, Q.Thanh Khê) ngồi ghế bên cạnh hồ hởi chèn lời: “Ngày đó, sân bóng này được mạnh danh là “cửa ải Chi Lăng”, các đội bóng đến đây thường chịu rất nhiều sức ép từ sự cổ vũ nhiệt thành của các CĐV đội chủ nhà. Thâm chí giải đấu chỉ có 3 đội của tỉnh Đà Nẵng đua tranh gồm: Cảng Đà Nẵng, Đường sắt Đà Nẵng, Ôtô Hội An cũng luôn diễn ra hết sức sôi động, thu hút sự quan tâm dường như của tất cả người dân ở đấy. Xem bóng đá thời đó thích thú, cảm giác sướng lắm”.
Chi Lăng ngày chia xa
Sân Chi Lăng gắn bó với ông Hải, ông Trí từ thuở thiếu thời, nó để lại quá nhiều kỷ niệm, nên với 2 ông từ lâu nơi đây đã trở thành “chứng tích” của cuộc đời mình. Trước viễn cảnh sắp phải tạm biệt Chi Lăng, ông Hải, ông Trí không tránh khỏi cảm giác buồn và tiếc nuối.
Ông Hải giãi bày: “Buồn lắm, tiếc lắm, tôi nghĩ Chi Lăng nên được giữ lại mãi mãi bởi nó đã quá quen thuộc với người dân Đà Nẵng. Chiều đến nếu không được ngồi khán đài sân Chi Lăng xem đội nhà tập, xem đội nhà thi đấu tôi và cả bạn bè mình cảm thấy trống vắng, như người Đà Nẵng ăn cơm mà thiếu ớt.
Nói thật, mặc dù thông tin đội SHB.Đà Nẵng chuyển qua sân bóng mới đã nghe từ lâu, nhưng hôm nay tôi vẫn còn cảm thấy rất mới mẻ, và bất ngờ lắm. Có thể sân vận động đang xây dựng khang trang hơn, hiện đại hơn, nhưng với chúng tôi sân Chi Lăng vẫn là nơi lý tưởng nhất để xem bóng đá”.
Cùng chung tâm trạng với người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng, ông Trần Đức Minh Tân (nhân viên làm việc tại sân Chi Lăng từ năm 1993) tâm sự: “Công việc ở sân Chi Lăng gắn liền với tôi từ năm 1993, khi đó tháng lương mới chỉ khoảng 200.000 đồng. Thấm thoắt cũng đã 21 năm trời rồi, trong khoảng thời gian đó chưa khi nào tôi nghĩ mình phải rời sân bóng này.
Công việc thường ngày của tôi là chăm sóc mặt cỏ sân Chi Lăng, công việc tuy không cao sang nhưng tôi rất tự hào. Nó không chỉ nuôi sống gia đình tôi, mà nó còn làm tôi vui vì công việc của mình đã góp phần giúp các cầu thủ của đội SHB.Đà Nẵng thi đấu thuận lợi.
Tâm trạng của tôi bây giờ nói thật là buồn, nhưng biết làm sao được, cuộc sống mà”. Ông Tân nói như gồng mình lại để nỗi buồn không thể hiện ra bên ngoài.
Chia tay sân Chi Lăng tâm trạng của người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng, của những người gắn bó với sân bóng này đều chung một cảm giác buồn. Có người nói ra, có người giấu kín… chỉ có buổi chiều mưa trên sân Chi Lăng hôm qua như diễn tả hết tất cả nỗi lòng. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất