07/06/2017 07:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 khi mùa mận, mùa vải bắt đầu. Mấy năm nay, mận hậu Bắc Hà đã tràn ngập ở những chợ xép Hà Nội. Năm nay mận còn về trước vải. Khi chợ đầy ắp hàng mận thì mới lác đác có những chùm vải chớm mã màu hồng xuất hiện. May mắn mận được giá.
Trên mấy chục năm nay, giống thiều được đưa lên Bắc Giang. Giống thiều chịu được đất đồi đã cho những mùa trĩu quả. Chẳng có ai thống kê nhưng hình như mỗi mùa có hàng trăm ngàn tấn tràn về các chợ, Miền Nam xa xôi trước ngày thống nhất chưa biết đến quả vải thì nay đầu mùa vải đã có mặt trong đó. Vải đi các tỉnh, vải sang Trung Quốc… Năm 2011 tôi qua Cộng hòa Czech, tại chợ Sapa ở đây cũng thấy có vải bán, tất nhiên là giá cao trên 200 ngàn một cân.
Vải thuận chân đi xa thế nhưng mùa vải chín chỉ trong vòng 1, 2 tháng. Khi mùa rộ, thương lái trở mặt không mua, giá tụt xuống vài ba ngàn một cân, người trồng vải ngán ngẩm chẳng buồn thu hoạch vì vải bán được không đủ trả công thuê trèo hái. Mấy chục năm nay cây vải quý thế mà sống lật đật ngoài vòng phủ sóng kinh tế của nhà nước. Nó tự xoay sở, tự bươn trải, tự mòn mỏi… Không có công nghệ chế biến hiện đại để phát triển cây vải, mọi chế biến chỉ manh mún, được chăng hay chớ. Vùng vải thiều đó phát triển ào ạt theo phong trào, giờ thì ngập ngừng như cô gái lỡ thì.
Số phận cây vải hẩm hiu thế đấy. Năm thì thương lái Trung Quốc nhập ào ạt, nhưng rồi họ ngưng là chẳng biết bán cho ai. Đến mùa vải, quả vải tự động được giao rải đầy các chợ từ Hà Nội đến Sài Gòn vẫn không kịp với tốc độ chín.
Giống quả này chẳng để lâu được. Nước nông nghiệp như mình khí hậu ưu đãi cho trồng cây trái, nhưng công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp thì chẳng thấy ai đầu tư. Thiếu công nghệ chế biến thì bán ăn tươi không xuể, giá bèo vẫn không tiêu thụ được thì người trồng sống bằng gì.
Câu chuyện quả vải viết ở đây cũng chỉ là ví dụ ngẫu nhiên khi trái cây này bước vào vụ. Nó là sản phẩm có tính phong trào. Nghĩa là thấy loại hàng gì bán được thì người ta bảo nhau tự làm, gần như chẳng có kế hoạch nên sản phẩm luôn bị động trong tiêu thụ.
Những câu chuyện như cây điều, cây mận, ca cao, cao su, hồ tiêu và cà phê trồng lên chặt xuống giống hệt cảnh đường xá vỉa hè trong phố đào lên lấp xuống suốt ngày. Lúc nào cũng thấy công ăn việc làm ngồn ngộn mà thu nhập toàn những đồng tiền lẻ, cuộc sống nhân gian vẫn bát vơi bát đầy, chẳng thấy khá được là bao.
Những tiếng kêu la oán trách thương lái Trung Quốc vào vét hàng, đặt hàng rồi trở mặt bỏ rơi năm nào cũng có, nhưng chưa thấy ai hỏi việc quản lý, kế hoạch phát triển tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra sao.
Bao nhiêu năm rồi, sản phẩm phong trào cứ hồn nhiên phát triển, hồn nhiên lao đao, để rồi người ta tổng kết lại bảo giá trị nông nghiệp thấp, cần đất để làm dịch vụ khác kiếm ăn cao hơn. Thời buổi kim tiền, câu nói “phi thương bất phú” được đặt lên hàng đầu, có lúc nó phá hoại sản xuất đến kinh hoàng, nhưng cũng chẳng thấy ai tổng kết.
Chúng ta chưa phai mờ chuyện giải cứu dưa hấu năm xưa, và nóng hổi là vụ giải cứu lợn được nâng lên tầm quốc gia. Và gần đây, đâu đó ở trường FPT lại có tiếng kêu, mỗi tháng một trò đóng thêm 100 ngàn đồng để giải cứu giáo viên nếu việc bỏ biên chế giáo viên trong ngành giáo dục thành hiện thực…
Thì ra cây trồng vật nuôi sản phẩm nông nghiệp bao nhiêu năm nay cũng hỗn loạn như giao thông, hết thưa thoáng rồi ách tắc như cây đèn cù.
Đất nước mình đang cần một sự trọng thị nghiêm cẩn trong ngành nông nghiệp. Nếu không, sẽ tiếp tục đèn cù trong làm ăn và sản phẩm phong trào lại tiếp diễn, sự lẹt đẹt trong kinh tế sẽ tiếp tục rối loạn!
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất