Xung quanh câu chuyện rùa hồ Hoàn Kiếm đã và đang tạo nhiều luồng dư luận. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thế Long- Nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam để tìm hiểu cách nhìn của một nhà khoa học với chuyện rùa Hoàn Kiếm.
>> Chuyên đề: Rùa Hồ Gươm lâm nguy
- Xin ông cho biết việc "đánh đồng" rùa truyền thuyết trong lịch sử và "cụ" Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm hiện nay có sai lệch thế nào?
Đông đảo người dân chờ xem rùa nổi ở hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: Internet). |
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Truyền thuyết là những câu chuyện mà người ta đồn đại, đó không hẳn là một sự thật khoa học. Ta có thể tham khảo truyền thuyết để hiểu được tiền nhân gửi gắm lại điều gì cho mai sau qua cái truyền thuyết ấy. Chuyện rùa hồ Hoàn Kiếm mà truyền thuyết lưu lại xét về mặt sinh học hoàn toàn là không có thật. Đừng mơ hồ chuyện đó.
- Quan niệm "cụ" rùa đang thỉnh thoảng hiện hữu ở Hồ Hoàn Kiếm là Rùa thiêng huyền thoại có thể đem đến nguy hại vì rất có thể "cụ" rùa sinh học rồi cũng có thể chết đi theo quy luật tự nhiên mà cụ rùa trong tâm thức, tình cảm của người dân thì cần sống mãi, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Tâm thức dân ta là một chuyện còn sự có mặt của một con vật đang tồn tại lại là chuyện khác. Đừng lẫn lộn. Vật chất tồn tại theo quy luật của tự nhiên. Sinh vật có sinh có tử là chuyện thường tình. Có gì mà phải làm rùm beng lên. Đừng tự huyễn hoặc mình và chớ thổi to những chuyện mê tín dị đoan lên.
Rùa chết thì chôn hay đem cho bảo tàng lưu giữ để mọi nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu. Đó là chuyện bình thường. Có gì mà phải sợ? Chuyện truyền thuyết dị đoan thể hiện cái tâm thức của con người và có thể chỉ là gửi gấm của tiền nhân đến mai sau về ý chí gìn giữ độc lập dân tộc thôi. Nó chỉ có giá trị về tinh thần, hoàn toàn không có thật.
- Những nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho biết về loài rùa, theo ông, đâu là điểm nổi bật cần lưu ý về loài sống lâu đặc biệt và rất gắn với văn hóa, sử sách Việt Nam ta này?
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Đây là loài động vật hiếm quý theo tôi cần bảo tồn như mọi động vật hiếm quý khác. Làm sao cho loài này trường tồn, không bị tuyệt chủng. Cần dùng mọi biện pháp kĩ thuật để theo dõi, bảo tồn và nhân giống nếu có thể.
- Lời khuyên của Tiến sĩ với những người dân đang sa vào mê tín rồi suy luận từ việc "cụ" rùa nổi lên?
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Rùa nổi lên là vì nó có nhu cầu lấy dưỡng khí hay chỉ là tập tính sinh học bình thường của nó mà thôi. Không có dính líu đến bất cứ sự kiện văn hóa xã hội nào cả. Đừng có tin vào những chuyện dị đoan. Nó nổi lên lúc nào là do nhu cầu cá nhân của nó với môi trường. Ai lợi dụng gắn chuyện rùa nổi với những ngày kỉ niệm lịch sử là kẻ bịp bợm, cơ hội. Không có chuyện đó.
- Người ta từng đặt ra câu hỏi, nếu "cụ" rùa chết thì trách nhiệm thuộc về ai? Ông nghĩ sao xung quanh cách nhìn nhận này?
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Rùa già, chết là lẽ thường. Nếu có thể chăm sóc vật quý cho nó sống đến tuổi tối đa của nó thì nên làm. Gây bẩn môi trường thì không chỉ rùa và nhiều sinh vật khác cũng bị xâm lại là lỗi của các nhà quản lí môi trường. Đừng tự huyễn hoặc và tạo ra những áp lực không cần thiết.
-X in trân trọng cảm ơn ông!
Theo Vietnam+