Phim truyền hình Việt: Sẽ đến lúc 'sòn sòn' 30 tập phim/ngày

03/03/2015 08:05 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Năm 1994, Việt Nam mới làm được khoảng 50 tập phim truyền hình, thì 20 năm sau, con số ấy đã tăng lên khoảng 120 lần, với gần 6.000 tập/năm 2014. Hiện nay, trung bình mỗi phim truyền hình dài 30 tập, mỗi năm có 200 phim được sản xuất, nên khả năng mỗi ngày có một bộ phim sẽ xuất hiện trong vài năm tới. Số lượng là vậy, nhưng thách thức vẫn không hề nhỏ.

Sự tăng trưởng này đến từ hai lý do chính, đầu tiên do số kênh truyền hình tăng mạnh (hiện nay có khoảng 200 kênh phát sóng phim trên toàn quốc), kế theo là tác động trực tiếp của nhiều văn bản luật, trong đó có Luật Điện ảnh. Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt phải đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình.

Tư nhân thành “nguồn cung” chính

Trong một thông tin mà Bộ VH,TT&DL công bố mới đây, để đáp ứng được 30% như vừa nêu, nếu năm 2010 cần 4.000 tập phim, thì nay cần đến 5.000 - 6.000 tập.

Nhà báo Nguyễn Quý Hòa (Tổng Giám đốc Đài truyền TP.HCM) cho biết mỗi năm Hãng phim TFS sản xuất được khoảng 300 tập phim, trong khi nhu cầu lý tưởng cần khoảng 2.000 tập, nên phải đặt hàng bên ngoài là tất yếu. Năm 2014, HTV phát sóng trên 1.000 tập, TFS chỉ sản xuất được 180 tập, do gặp khó khăn về đầu tư. Đài truyền hình Việt Nam cũng tương tự, năm 2014 Hãng phim VFC sản xuất 300 tập, tư nhân góp vào 800 tập.

Xét về số lượng thì Công ty Sóng Vàng và M&T Pictures đang dẫn đầu hiện nay, năm 2014 cả hai làm hơn 1.200 tập, năm 2015 có thể tăng lên 1.350 tập. Nơi tiêu thụ chính của họ là những kênh lớn như VTV, HTV, TH Vĩnh Long… Năm 2014, Hãng phim Lasta sản xuất gần 500 tập phim cho riêng kênh Let’s Viet (VTC9); vài đài nhà nước sau đó mua chiếu vòng hai, vòng ba.

Gần đây một số đài truyền hình địa phương (như Vĩnh Long, Đồng Nai…) đã tham gia sản xuất phim truyền hình, nhưng gộp chung thì năm 2014 số tập phim của nhà nước vẫn chưa vượt qua 600 tập, chiếm khoảng 10%. Từ việc “bù vào” mức hụt rõ ràng, nay các hãng tư nhân đang trở thành nhà cung cấp chính, nên sức ảnh hưởng của họ là rõ ràng.


Phim “Sương khói đồng hoang” (30 tập, ĐD: Nguyễn Dương) khai máy từ Mùng 6 Tết, có thể là phim truyền hình “xông đất” năm 2015

Quán tính mạnh hơn chất lượng

“Trên thực tế, chất lượng nội dung, kịch bản phim truyền hình hiện nay chưa có nhiều bứt phá. Đề tài phim chủ yếu chia 2 mảng: phim chính luận (vấn đề gia đình, xã hội, cảnh sát điều tra phá án) và phim tâm lý tình cảm (tình yêu tuổi trẻ, lập nghiệp, đời sống học sinh, sinh viên). Các đề tài này nếu không tiếp tục mở rộng sẽ làm phim truyền hình Việt rơi vào tình trạng nhàm chán, lặp lại”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Giám đốc VFC) trả lời báo chí.

Đạo diễn Lý Quang Trung (Giám đốc TFS) thì cho rằng chất lượng phim truyền hình Việt đang ổn định, nhưng thiếu sự đột phá, ít phim thật sự nổi trội, nên dễ đi vào lối mòn.

Vài đạo diễn (như Xuân Phước, Bá Vũ) cho rằng phim truyền hình đang chạy theo quán tính, từ kịch bản cho đến diễn viên, chứ ít phim thật sự có chất lượng cao. “Năm sau cần nhiều tập hơn năm trước, trong khi đội ngũ làm nghề vẫn vậy, khó mà tăng trưởng kịp, nên buộc nhiều hãng phải xé rào làm liều cho đủ số lượng”, Xuân Phước nói.

Một mâu thuẫn dễ thấy nữa là đội ngũ biên tập của các đài truyền hình, vốn ít, nay càng không thể tăng kịp số lượng, trong khi lượng phim lại tăng mạnh, thành ra năm sau họ quá tải hơn năm trước, khiến nhiều phim dở được “lọt lưới” cũng dễ hiểu.

Từ các lý do chưa đầy đủ như trên, đứng trước khả năng mỗi ngày có một bộ phim 30 tập ra đời, sẽ đáng lo hơn đáng mừng. Bởi trong nghệ thuật, như ông bà ta đã khẳng định: “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên số lượng chưa nói lên điều gì cả.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm