27/04/2018 18:33 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tiếp tục đề tài tình dục trong văn chương, vừa qua một tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử đã khiến dư luận dậy sóng. Bởi trong tiểu thuyết này tác giả miêu tả về một cuộc giao hoan (dù không dài) của một nhân vật lịch sử có thật nhưng ngôn ngữ bị cho là dung tục, quá đà và phản cảm.
Nhân đây đặt ra một câu hỏi: Sáng tác về đề tài lịch sử, đâu là giới hạn? Nhất lại là sáng tác về đề tài lịch sử mà trong đó có dính dáng đến tình dục của những nhân vật lịch sử có thật, thậm chí đã được người dân "thần thánh hóa" và thờ phụng.
Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử trả lời câu hỏi này của Thể thao & Văn hóa.
Viết gì cũng phải có độ dừng
Nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ: “Đã là nhà văn thì có thể viết về bất cứ cái gì anh ta muốn viết, miễn là có một mặt trời để định hướng và chất liệu. Từ định hướng và chất liệu sẽ cho ra những tác phẩm vì cái chân, thiện, mỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng viết gì thì viết cũng cần phải có độ dừng, nhất là viết về tình dục. Theo tôi, độ dừng ấy chính là "viết dưới ánh sáng tôn trọng con người", đặc biệt là với những nhân vật lịch sử có thật và mang lại những điều tốt đẹp cho con người.
Trong hư cấu văn học, nhất là với các tác phẩm về đề tài lịch sử, không ai cấm người viết hư cấu. Nhưng khi người viết gọi tên đích danh một người, một nhân vật có thật, đang sống hay đã vào dĩ vãng mà tác giả lại đặt họ vào "trí tưởng tượng" của mình - mà vấn đề ở đây chúng ta đang nói đến là tình dục gây phản ứng trong dư luận - thì đúng là không nên.
Ví dụ, viết về một nhân vật lịch sử cao quý thì anh không thể dùng những từ ngữ quá trần tục hoặc bịa ra những tình tiết đi ngược lại với sự cao quý ấy. Nếu cố tình, vô hình trung tác giả đã khiến cho nhân vật ấy thấp kém đi trong mắt bạn đọc và đương nhiên sẽ "gây bão" dư luận.
Sáng tác phải thuận lòng người
Về câu hỏi nêu trên, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Tôi cho rằng, sáng tác, nhất là về đề tài lịch sử hay các đề tài khác nói chung dù không thành công thức nhưng phải thuận lòng người vì ở đây nó có tâm lý của thời đại chứ không phải tâm lý của một cá nhân ai. Ví dụ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng thì từ trong chữ bọc ấy đã có chữ đồng bào... Hay như truyền thuyết 18 vị Vua Hùng, mỗi vua trị vì 100 năm tôi cho rằng đó có yếu tố hư cấu... Nhưng những truyện, những truyền thuyết kiểu như thế được sinh ra là vì người ta cần có một chỗ để tựa của huyền thoại. Vì thế, nhiều khi tâm lý thời đại nó sẽ quyết định thế nào là phải, thế nào là trái.
Nếu tác giả nào mà lịch lãm thì tất họ sẽ nghe được nhịp đập của người hôm nay người ta cần gì để nói, để viết như thế nào là vừa, là đủ. Đây không phải là cơ hội để "gió chiều nào che chiều ấy" mà người viết phải ngấm được chân lý của thời đại để tự "giới hạn" cho ngòi bút của mình, chứ để đưa ra "định mức" thế nào là vừa, thế nào là quá đà là không nên.
Tôi cũng rất mong muốn mở ra một cuộc thảo luận rộng rãi về đề tài này, để qua những ý kiến, ngõ hầu các tác giả muốn viết sẽ áng được thế nào vừa, là đủ. Còn nếu ra một cái "lệnh" viết đến đây là dừng, viết như thế là quá đà... thì sẽ chẳng thuyết phục được ai.
Viết về tình dục trong văn chương thời nào cũng thế, không thể cấm được người cầm bút và càng không thể bỏ tù người viết về tình dục được. Bởi lẽ đó là việc vốn có ở trong đời.
Tôi thấy bây giờ người ta nhìn vào vấn đề tình dục rộng mở hơn. Thời xa xưa con người quần hôn là điều rất bình thường, các tượng nhà mồ ở Tây Nguyên cũng rất nhấn mạnh đến các bộ phận sinh dục, thạp đồng Đào Thịnh có 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ đang ở tư thế giao hợp, nữ nằm ngửa phía dưới, nam nằm úp phía trên, hai tay khuỳnh ra, chân duỗi thẳng, hay như lễ hội “Linh tinh tình phộc” cũng thế...
Vì vậy, tôi cho rằng người viết khi tả về tình dục, nhất là chuyện này gắn với những nhân vật lịch sử mà gợi được tình cảm lớn trong con người, đó là sự hướng thượng (hướng đến cái đẹp, cái cao cả), giúp hoàn thiện nhân cách của mình, của người thì mới thành công được và thuận lòng người được”.
(Còn tiếp)
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất