02/05/2018 10:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng tác về đề tài lịch sử, theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Sáng tác (Hội Nhà văn Việt Nam), đó là việc khó gấp 3 lần so với sáng tác một tác phẩm về đề tài khác.
Còn theo nhà thơ Trần Ninh Hồ, các tác giả viết về lịch sử làm được một việc mà biên niên sử không thể làm được, đó là hư cấu tâm trạng, các nhân vật phụ...
Từ những hư cấu ấy, làm sao đó để đạt được mục đích là giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về lịch sử chứ không không thể thấp hơn hay cao hơn lịch sử. Vì thấp hơn lịch sử thì chứng tỏ tác phẩm “chẳng ra làm sao”, còn nếu cao hơn cả lịch sử thì dễ trở thành người phản bội lại lịch sử.
Rõ ràng sáng tác về đề tài lịch sử đã khó, thêm "gia vị" tình dục vào việc mô tả các nhân vật lịch sử lại càng khó hơn.
Để không trở thành tội đồ của lịch sử
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết, trong nhiều năm qua chị đang ấp ủ viết một tiểu thuyết lịch sử. Thời gian chuẩn bị quá lâu khiến chị nhiều khi cảm thấy… oải, muốn bỏ cuộc.
“Tôi cảm thấy thể loại này là rất khó vì muốn viết phải dựa vào lịch sử” - nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói. “Tôi hình dung, khi viết mình có thể hư cấu, đưa những ngôn ngữ, hình ảnh tương đối hiện đại, thậm chí là trước thời đại vào hoặc là đan xen, hoặc để trong bối cảnh lịch sử nhưng sử dụng bút pháp hiện đại thì bạn đọc mới có thể hiểu được”.
Theo nữ nhà văn, nếu viết về lịch sử theo ngôn ngữ thời cổ thì sẽ rất khó, bạn đọc cũng rất hạn chế. “Cho nên chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng cách viết hiện đại, cách nghĩ hiện đại để nhìn nhận vào mảng đề tài lịch sử thuộc một giai đoạn nào đó. Tuy nhiên nó cũng phải có giới hạn, nếu không nhà văn sẽ bóp méo lịch sử, trở thành tội đồ của lịch sử” - nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói thêm.
Tác giả tiểu thuyết Tường thành (giải Khuyến khích do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2005) cho biết, trong thời gian chị làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam, nơi mà hàng năm có những cuộc thi hoặc xét giải thưởng văn học, chị và các đồng nghiệp đã đọc được rất nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài lịch sử. Trong đó, có những cuốn viết rất tốt nhưng cũng rất tiếc là có những cuốn mà những chi tiết lịch sử không chuẩn so với tài liệu sử đã để lại.
“Theo tôi không phải cứ viết hay, viết khen ngợi về các nhân vật lịch sử từ trước đến nay thì cho là viết đúng. Cũng không phải cứ viết hay, viết nhân bản về những nhân vật kẻ thù, phản diện thì cho rằng tác giả đó viết sai. Vì thế đó cũng là nhiệm vụ rất nặng nhọc của nhà văn khi sáng tác về đề tài lịch sử” - vẫn lời nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Theo vị Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, sống ở thời bây giờ, dùng con mắt của thời bây giờ để nhìn nhận lịch sử thì chỉ lương tâm của người viết là kiểm chứng được những gì mình đã viết, đã hư cấu. Chị cho rằng, khi viết về một nhân vật, giai đoạn lịch sử nào thì bắt buộc người sáng tác phải làm việc gấp ba lần so với việc sáng tác về các đề tài bình thường khác vì phải sưu tâm tư liệu, tổng hợp tư liệu với tâm thức như thế nào, viết ra làm sao?
“Vì thế, theo tôi sáng tác về đề tài lịch sử là bắt buộc người cầm bút phải trung thành một cách sáng tạo với lịch sử” - nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhấn mạnh.
Bạn đọc có quyền vị lai, đừng xem thường họ
Nhà thơ Trần Ninh Hồ nói với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Có người đã nói: Cái tuyệt đối nhất chính là lịch sử. Nhưng đó là với biên niên sử, còn sự thật thì cứ một hiện tượng, một giai đoạn lịch sử nào khi đã xảy ra cũng hàm chứa ba vấn đề: Quá khứ - hiện tại - tương lai, trong đó, cái tương lai sẽ giúp cho các nhà văn bằng sự thật, logic của sự thật ấy có quyền hư cấu trong những sáng tác của mình. Dẫu vậy theo tôi cũng chỉ nên hư cấu những nhân vật phụ và đặc biệt là hư cấu tâm trạng, trí tuệ - thứ mà biên niên sử chưa làm được”.
Về vấn đề hư cấu hay thêm thắt những chi tiết về tình dục gắn liền với nhân vật lịch sử có thật mà tác giả mô tả quá vụng, cẩu thả trong việc sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ khiến bạn đọc “dị ứng” theo nhà thơ Trần Ninh Hồ bạn đọc hoàn toàn có lý.
“Những phản ứng của bạn đọc cho thấy người viết không nên “xem thường” họ, bởi những người đã đọc các sáng tác về lịch sử chắc chắn họ là những người có kiến thức về lĩnh vực ấy thì mới bức xúc đến như thế” - nhà thơ Trần Ninh Hồ phân tích.
“Khi đọc Truyện Kiều, tức là chúng ta đã tiếp cận được với văn hóa, phong tục… của thời kỳ ấy, mặc dù chúng ta là người của thế kỷ 21. Đó chính là đem cái tâm tình để ném mình về lịch sử. Ngược lại, nếu viết về thời bây giờ mà dùng những ngôn ngữ của thời cụ Nguyễn Du thì chúng ta lập tức trở thành những người sáo ngữ. Thế nên có thể nói, lịch sử không có chữ “nếu” nhưng bạn đọc có quyền có chữ “nếu”. Lịch sử tuyệt đối nhưng bạn đọc có quyền bàn về nó theo chủ nghĩa vị lai (vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại).
Vì thế, bạn đọc trông chờ vào những sáng tác lịch sử để khi đọc tác phẩm, bạn đọc tiếp nhận sự thật lịch sử một cách đậm hơn, sâu sắc hơn chứ không thể thấp hơn hay cao hơn cả lịch sử. Đó là điều cần thiết khi sáng tác về đề tài lịch sử nhưng là một nhiệm vụ, thách thức không nhỏ cho các nhà văn” - nhà thơ Trần Ninh Hồ kết luận.
(Còn tiếp)
Bài và ảnh: Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất