24/11/2021 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - LTS: Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp theo 2 bài Công nghiệp văn hóa - nhìn từ thành công của Hàn Quốc và Kỳ vọng gì ở nền công nghiệp văn hóa Việt Nam? trên số báo vừa qua, Thể thao và Văn hóa tiếp tục trở lại với chủ đề này.
Trên thực tế, việc hoàn thiện thể chế đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia: “Hiện nay, công nghiệp văn hóa đang chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú của Việt Nam. Vậy nên, từ cách tiếp cận thể chế, cần đánh giá hiệu quả hoàn thiện thể chế và các giải pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
* Hình thành khung thể chế có khả năng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế như thế nào thưa bà?
- Chính sách công ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng, hoàn thiện, bổ sung, đề xuất những nguyên tắc, quy định, có khả năng hình thành môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa giàu tiềm năng thành sức mạnh mềm văn hóa. Trong đó, thành công mang tính nền tảng đối với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đó là sự thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về vai trò và vị trí của ngành trong nền kinh tế.
Trong Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định: Công nghiệp văn hóa "đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới". Từ đó, Chiến lược đề xuất giải pháp tạo điều kiện, môi trường thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách và kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thể hiện chủ trương gắn kết phát triển văn hóa và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, năm 2016, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Và năm 2021, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Việc hệ thống lại các chính sách văn hóa của Nhà nước trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam đã hình thành được khung chính sách tạo môi trường thể chế tương đối thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa có khả năng khai thác và chuyển hóa hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa nằm trong các trụ cột tài nguyên văn hóa thành sức thu hút, hấp dẫn văn hóa thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
* Vậy theo bà, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng thị trường phát triển manh mún và tăng cường khả năng kết nối quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa?
- Từ năm 2016 đến nay, nhìn chung, các chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường, chú ý đến nhu cầu văn hóa của người dân, quan tâm nhiều hơn đến vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ sáng tạo và bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ.
Trên bình diện hợp tác quốc tế, việc bảo vệ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng luôn được Việt Nam coi trọng như là một ưu tiên chính sách trong khi ký kết các văn bản hợp tác trong khuôn khổ các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và các nước/tổ chức đối tác khác.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đến năm 2020, tầm nhìn 2030 dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, các địa phương cũng có các chương trình hành động riêng nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ văn hóa của địa phương mình.
Nhiều hội thảo quốc tế và trong nước đã lấy chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung chính. UNESCO, Hội đồng Anh, Viện Goethe tại Việt Nam, các đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển… đã có nhiều tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội.
Nếu như trước 2016, công nghiệp văn hóa còn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, thì đến năm 2018, kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam ngành được nhiều người biết đến nhất là truyền hình - phát thanh và điện ảnh (85%). Tiếp đến là những ngành quảng cáo; kiến trúc; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thủ công mỹ nghệ; xuất bản; thiết kế; thời trang.
Với những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa với tiến trình các ngành công nghiệp văn hóa để tái cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội hập quốc tế về Việt Nam.
* Nhưng các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên mềm văn hóa chưa, thưa bà?
- Mặc dù quá trình hoàn thiện về thể chế đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong nhận thức xã hội, giảm thiểu tình trạng manh mún, tăng cường kết nối quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành công nghiệp văn hóa trong quá trình chuyển hóa các tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên thành những thành tố tạo sức thu hút, hấp dẫn văn hóa. Nhưng với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút thị trường văn hóa trong và ngoài nước vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.
Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn theo hướng ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Có thể thấy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và 198 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt phân bổ trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa ở sức hấp dẫn, khả năng kết nối. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho việc đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, các vướng mắc thể chế chưa được tháo gỡ hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa.
* Vậy, Việt Nam đã tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa, thưa bà?
- Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia. Nguyên nhân là do năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn hạn chế… Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn chưa hiệu quả….
Có thể thấy những hạn chế, bất cập đó trên các khía cạnh chủ yếu sau đây: Hệ thống quản lý chưa mang lại phương thức tiếp cận tổng thể có thể phát huy hiệu quả cho tất cả các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự kết nối giữa sáng tạo và công nghệ. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, điện ảnh, bản quyền tác giả, du lịch văn hóa; Bộ Khoa học công nghệ quản lý công nghệ, khoa học, tài sản trí tuệ, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản; Bộ Xây dựng quản lý kiến trúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục và đào tạo liên ngành.
Các ngành công nghiệp văn hóa khó chuyển mình trong sự phân tách, cộng thêm những vướng mắc về cơ chế cũng làm chậm quá trình biến văn hóa thành một lĩnh vực đầu tư, mở rộng cửa cho khu vực tư nhân và tạo điều kiện cho giải phóng sức sáng tạo, đa dạng hóa các biểu đạt thể hiện bản sắc và tính ứng dụng trong các sản phẩm, dịch vụ và không gian sáng tạo khiến cho công nghiệp văn hóa chưa là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Đây chính là điểm yếu cốt tử trong việc hiện thực hóa mục tiêu coi công nghiệp văn hóa là kênh truyền dẫn mũi nhọn phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay.
* Xin cảm ơn bà!
Huy Thông (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất