Trần Hùng John sinh ra và lớn lên ở Mỹ trong một gia đình gốc Việt. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, ĐH Berkeley, Mỹ, Trần Hùng John đến Việt Nam tháng 8/2010 du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Sau gần 2 năm sống, tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, tháng 10/2012, Trần Hùng John quyết định đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền để tự mình có những cảm nhận và trải nghiệm riêng về đất nước, con người Việt. Chuyến đi kéo dài 80 ngày và cuốn sách “John đi tìm Hùng” là kết quả của hành trình này.
Ban đề thi môn Văn khối D yêu cầu thí sinh nhận định, trao đổi với Tran Hung John về nhận xét: "Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn".
Rời điểm thi ĐH Hà Nội khi vẫn còn 1/3 thời gian làm bài, thí sinh Ngô Nguyễn Thanh Vân tươi cười chia sẻ, đề Văn khối D không gây khó thí sinh. "Em hứng thú với yêu cầu nêu suy nghĩ về câu nói của Trần Hùng John. Câu nói này đúng, em viết khá tâm đắc. Nếu không bị giới hạn số từ, em không biết ngòi bút sẽ phiêu đến đâu", Vân nói và tự tin sẽ đỗ vào khoa tiếng Trung, ĐH Hà Nội.
Phạm Trường Thăng cũng cho rằng đề Văn khối D năm nay không khó, câu hỏi đề mở về tính thụ động của người Việt Nam khiến cậu rất thích thú. "Em thấy rất đúng và làm câu đó rất hăng say. Còn những câu khác là kiến thức cơ bản nên cũng thấy bình thường".
Trong khi đó nhiều thí sinh ở TP HCM lại tỏ ra khó hiểu khi đề thi nhắc tới Trần Hùng John. Cho biết chưa từng nghe cái tên này, thí sinh Thúy Vy thi tại ĐH Sài Gòn (quận 3) cho rằng nói phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động là quy chụp. Vy đã phản bác lại bằng việc đưa rất nhiều nhân vật ra làm ví dụ, đặc biệt nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Người ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, nếu không có tính sáng tạo, nếu không tự lập thì làm sao có thể thành công như vậy?”, Vy nói.
Tại điểm thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (quận 1), thí sinh cũng lắc đầu khi được hỏi về Trần Hùng John. Hoàng Lan chỉ đồng ý một bộ phận người Việt Nam thụ động chứ không phải phần lớn, nguyên nhân là tự bản thân mỗi người chứ không thể đổ lỗi “do áp lực xã hội”. “Xã hội Việt Nam gây ra những áp lực nào?”, thí sinh này đặt ngược lại và đưa ra hàng loạt dẫn chứng phản bác.
Sau khi đánh giá đề lạ, nhưng không hay, một thí sinh thành thật: “Về phần nhận định của Trần Hùng John em không biết phải làm thế nào. Nếu làm theo hướng phản đối quá thì sợ điểm thấp, mà không phản bác thì không được”.
Thí sinh bàn bài sau môn thi. Ảnh: Hoàng Hà.
Không giống khối D, đề Văn khối C năm nay chủ yếu thuộc chương trình sách giáo khoa. Tại điểm trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Hoài Thu (Hà Nội) đánh giá câu hỏi nghị luận xã hội rất hay khi yêu cầu bàn về câu nói của nhà văn hóa Nguyễn Đình Hượu: "Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn".
Theo Thu, sự khôn khéo là cần thiết nhưng quá khôn khéo khiến người ta trở nên giả tạo. "Đề này sát với thực tế và mới mẻ, không phải kiểu lặp lại các vấn đề như lòng tự trọng, đức tính kiên trì... mà thầy cô vẫn hay dạy ở nhà. Nếu không bị giới hạn số từ, em nghĩ mình sẽ còn hứng thú để viết nhiều hơn nữa", Thu nói và cho biết tự tin đỗ vào ĐH Luật.
Thí sinh Triệu Thị Việt (Thái Nguyên) cũng có chung nhận định về đề thi. Em cho rằng bài nghị luận xã hội hay hơn năm ngoái do sát thực tế. "Em thấy có sự so sánh rất rõ về cuộc sống xưa và nay qua sự khôn khéo. Nó cũng là đề tài phù hợp với giới trẻ bây giờ, cụ thể là sự khôn khéo của nhiều nữ sinh với thầy cô", Việt khẳng khái nói.
Tại TP HCM, nhiều thí sinh lại cho rằng đề Văn khối C khó. Rời điểm thi khá sớm, thí sinh Nguyễn Thị Thúy Liễu cho rằng đề thi khó hơn mọi năm vì quá nặng về nghị luận xã hội. Thí sinh Hoàng Thị Hương cũng cho rằng phần bình luận khó hơn các phần khác như phân tích, cảm nhận…
Với môn Hóa khối B, nhiều thí sinh cho rằng dễ, song không ít em lại nhăn mặt. Tại điểm trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đặng Công Nghĩa (THPT chuyên Sơn La) cho biết đề Hóa khối B dễ hơn khối A. Có một vài câu hỏi khó nằm ở phần chung với nội dung về axit hữu cơ, este, amin. Mặc dù vậy, cậu vẫn tự tin được 7 điểm. "Em thi vào khoa Y dược, năm ngoái điểm chuẩn là 23. Tính điểm ba môn, em nghĩ mình sẽ đỗ", Nghĩa tự tin.
Ngược lại với Nghĩa, nữ sinh Lê Thị Tuyến (Vĩnh Phúc) lại gặp khó khi hoàn thành môn Hóa. Có vài câu Tuyến phải trông chờ vào may rủi vì không tìm ra đáp án. Hóa hữu cơ cũng khiến em mất nhiều thời gian.
"Em nghĩ chỉ được 6 điểm. Khoa em thi năm ngoái lấy 21 điểm trong khi ba môn của em chỉ được khoảng 17. Dù vậy, em cũng không lo lắng nhiều vì khối B là khối em thi thêm", Tuyến cho hay.
Tại TP HCM, rời điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), thí sinh Phạm Thị Thu Hà cho rằng phần lý thuyết khá dễ, nhưng bài tập lại “gai góc”. Đề thi phân đều cả hai phần hóa vô cơ và hữu cơ, tuy nhiên phần vô cơ khó hơn chút. Có khoảng 5 câu mang tính chất nâng cao, phân loại thí sinh.
Thạc sĩ Đỗ Quốc Tuấn, giáo viên Trung tâm Ôn thi trực tuyến Onthi.net.vn nhận định, đề Hóa năm nay tập trung ở kiến thức cơ bản, không đánh đố học sinh. Phần bài tập không khó nhưng dài, đây cũng là phần phân loại thí sinh. Các em cần phân bổ thời gian hợp lý, tính toán nhanh, cẩn thận thì mới đủ thời gian làm bài. “Đề thi này hay và dễ hơn khối A, học sinh dễ đạt điểm cao”, thầy Tuấn nói.
Theo VnExpress