21/02/2013 13:06 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo bản dự thảo quy hoạch lễ hội do Bộ VH,TT&DL xây dựng, cho tới năm 2020, các lễ hội dân gian nhỏ, ít có giá trị, hoặc đã mai một quá nhiều sẽ có thể bị loại bớt khỏi hệ thống lễ hội trên toàn quốc.
Có tên gọi Đề án quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030, bản dự thảo này sẽ được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, cũng như các cơ quan chức năng trong 8 tháng đầu năm 2013, trước khi hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. Trước đó, với hàng loạt bất cập đang nảy sinh từ thực trạng lễ hội những năm qua, ngành quản lý cũng đã nhiều lần nhắc tới vấn đề này như một giải pháp hợp lý và khẩn thiết.
Nhiều lễ hội chỉ còn tên gọi!
Thống kê sơ bộ cho biết, hiện toàn quốc có 7.966 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 88,4 % (hơn 7.000 lễ hội). Và nội dung của dự thảo cũng chủ yếu hướng tới loại hình này, bên cạnh các lễ hội chiếm số lượng ít như lễ hội lịch sử (4%), lễ hội tôn giáo (6,2%), lễ hội du nhập từ nước ngoài (0,12%)…
Cụ thể, với các lễ hội dân gian, thực tế cho thấy hơn 7.000 lễ hội này có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là các lễ hội còn nguyên trạng hoặc gần với nguồn gốc ban đầu, các nghi thức chính yếu vẫn được duy trì, giữ gìn. Nhóm 2 là các lễ hội còn giữ được một phần, trong đó các lễ tiết chính bị tiết giảm, phần hội nghèo nàn mất tính dân dã. Nhóm cuối cùng là lễ hội cần phục dựng từ đầu với lý do cơ sở lễ hội (di tích, không gian tổ chức, hình thức vận hành) không còn, các ký ức cũng bị thất truyền và phai nhạt sau nhiều năm gián đoạn.
Hiện tại, mới chỉ có lễ hội Đền Hùng là lễ hội cấp quốc gia duy nhất! Ảnh: TTXVN |
Theo đó, các lễ hội thuộc nhóm 1 sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất và hạ tầng, lễ hội nhóm 2 được lập hồ sơ đầy đủ về không gian, hình thái, nghi trình để tiếp tục hoàn thiện, lễ hội nhóm 3 được nghiên cứu lập quy hoạch vùng bảo tồn và nghiên cứu kế hoạch phục dựng. Tới năm 2020, các lễ hội nhỏ lẻ, ít có giá trị đối với sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng hoặc đã mai một quá nhiều sẽ bị loại khỏi hệ thống lễ hội toàn quốc. Ngoài ra, những biến thái không phù hợp với đời sống văn hóa hiện tại cũng sẽ bị lược bỏ.
Trao đổi với TT&VH, nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định: con số hơn 7.000 lễ hội dân gian hiện có chỉ mang tính lý thuyết và dựa trên nhiều nguồn tư liệu đã lỗi thời. Thực tế, kể từ 1945 tới nay, giới quản lý vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu, khảo sát toàn diện để xác định tính chất, cũng như hình thức tồn tại của hệ thống lễ hội dân gian. Theo thời gian, nhiều lễ hội nhỏ đã biến mất theo quá trình đô thị hóa. Một số khác bị gián đoạn quá lâu vì chiến tranh, thậm chí từng bị cấm vận hành vì lý do bài trừ mê tín dị đoan nên chỉ còn lại tên gọi.
“Có những lễ hội dù muốn, chúng ta cũng không thể phục dựng vì thông tin còn lại quá ít. Ngược lại, nhiều lễ hội được dựng lại nhưng chẳng gắn gì với hội cũ mà lại... na ná nhau, theo kiểu làng nọ nhìn làng kia mà làm” - GS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nói. Theo lời ông, việc quy hoạch hệ thống lễ hội cũng có nhiều mặt tích cực, nhất là ở việc đánh giá và kiểm kê lại số di sản văn hóa này. “Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều lễ hội hiện nay tự tuyên truyền là lễ hội cấp quốc gia. Trong khi đó, đến nay, mới chỉ có Giỗ tổ Hùng Vương được công nhận là lễ hội dạng này” - ông Thịnh nói thêm.
Và mối lo... chạy đua xếp hạng lễ hội
Theo dự thảo, tới năm 2015, trên toàn quốc sẽ có 10 lễ hội cấp vùng, 300 lễ hội quy mô cấp tỉnh - thành phố; tới năm 2020, 100% các lễ hội dân gian toàn quốc được quy hoạch xong, trong đó 50% lễ hội tiêu biểu ở các địa phương đã được bảo tồn hoặc phục dựng thành công. Dự kiến, các lễ hội cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều được tổ chức 5 năm/lần, những năm còn lại sẽ do địa phương hoặc nhân dân trực tiếp tham gia tổ chức dưới sự điều hành của ngành quản lý. |
Đáng nói, bên cạnh việc bỏ đi những lễ hội đã hoàn toàn biến mất, dự thảo cũng nhắc tới việc phân loại lễ hội theo 3 hình thức quản lý: cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp địa phương (được chia tiếp thành cấp tỉnh - thành phố, huyện, xã). Nhiều ý kiến trao đổi tỏ ra dè dặt và lo ngại về tính khả thi của việc phân loại này.
“Người xưa có câu: chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ. Bây giờ, trong một vùng diện tích hẹp, hội của làng này được chọn là lễ hội tiêu biểu, hội của làng kia chỉ là hội nhỏ, hội của làng kia nữa thì lại bị đề nghị xóa tên vì ít có giá trị thì liệu người dân có chịu không?” - GS Ngô Đức Thịnh đặt câu hỏi.
Ông Thịnh nhận xét: Lễ hội địa phương dù nhỏ nhưng vẫn có bản sắc riêng và chủ yếu được cộng đồng dân cư bản địa bỏ công, bỏ của ra vận hành để phục vụ nhu cầu tâm linh của mình. Với việc phân cấp, nếu Nhà nước có ý định hỗ trợ bằng kinh phí hoặc thậm chí đứng ra tổ chức thay cộng đồng cho những lễ hội “điểm”, sẽ rất nguy hiểm khi bản chất lễ hội bị ảnh hưởng, đồng thời nguy cơ chạy đua để lễ hội được xếp hạng phát sinh.
TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) kể: Trong những năm trước đây, ông và đồng nghiệp đã thí điểm tiến hành phối hợp khảo sát một số hệ thống lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả, rất nhiều khảo sát do địa phương gửi tới đều “tô hồng” lễ hội của mình, miêu tả lễ hội bằng rất nhiều mỹ từ mà không cung cấp được các thông tin khoa học cần thiết.
“Tôi nghĩ, chúng ta trước hết hãy làm thật tốt việc kiểm kê, thu thập và lập hồ sơ chi tiết cho hệ thống lễ hội dân gian cả nước. Trên cơ sở những hồ sơ khoa học và chi tiết ấy, những việc khác sẽ được tính sau - ông Thắng nói - Tôi nghĩ, mấy năm gần đây, nhiều địa phương đã bắt đầu biết chú ý khai thác theo hướng phát huy những thương hiệu lễ hội độc đáo đặc thù của địa phương mình chứ không a dua một cách tràn lan. Đó là một sự tự điều chỉnh tích cực do cuộc sống mang lại”.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất