31/07/2016 07:04 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - 10 đóa sen thơm - tác phẩm mà "Sao Mai" Phạm Phương Thảo sáng tác "thần tốc" vừa được ra mắt MV nhân ngày mất của 10 nữ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Với những cảnh quay tại chính Ngã ba Đồng Lộc, Phạm Phương Thảo cùng e-kíp còn có những phút giây "gai người" vì những điều diễn ra khó lý giải mà cô chỉ có thể nói rằng, mình tin vào tâm linh.
Kể từ Gái Nghệ, cho đến Cho em thôi chòng chành và gần đây nhất là Mười đóa sen thơm..., Phương Thảo không chỉ bộc lộ khả năng sáng tác ca khúc “tiềm ẩn” của mình mà trong mỗi sản phẩm, đều chất chứa nhiều tâm tư tình cảm của người cầm bút. Và đề tài mà chị thấy bất tận nhất để viết, lại chính là người lính.
Ngày 24-7-1968, một quả bom Mỹ đã đánh trúng tiểu đội 10 cô gái Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, vùi lấp 10 cô trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom.
Nói về quá trình sáng tác Mười đóa sen thơm dâng tặng các cô, Phạm Phương Thảo kể: "Bản thân tôi cũng không biết tay mình bấm ghi âm tự lúc nào, lời hát cứ thế cất lên một mạch như ai đó đã viết sẵn cho mình. Điều duy nhất tôi nghĩ ban đầu là liên tưởng đến hình ảnh bông hoa sen thuần khiết, thơm dịu thanh tao, tựa như hình ảnh các chị thanh niên xung phong hồn nhiên, vô tư trong sáng ...
Vì thế, tôi đã viết lên những câu hát :“Có phải còn vương vấn? riêng tư còn vương vấn? em gửi lược gương đây, bồ kết đấy, bến sông xưa còn đợi, về mà tắm gội cho mượt tóc thơm, mà ngắm dung nhan mãi mãi tuổi thanh xuân…”. Bài hát hoàn thành trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Mồ hôi đã ướt đẫm áo tôi từ lúc nào!"
Hẹn gặp Phạm Phương Thảo sau buổi ra mắt MV Mười đóa sen thơm, chị tâm sự, trước khi đến điểm hẹn, chị vẫn còn đang nhiều suy tư về những gì mình đang làm về đề tài người lính, muốn làm được nhiều hơn so với hiện tại...
Người lính là đồng nghiệp, là anh em, họ hàng với tôi
* Sau "Gái Nghệ", "Cho em thôi chòng chành"... điều gì khiến chị chuyển hướng viết về những thanh niên xung phong như "Mười đóa sen thơm" vừa được chị ra mắt MV?
- Phải chia sẻ luôn rằng, kể từ khi viết được nhạc thì đề tài người lính với tôi luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Có lẽ một phần vì tôi cũng đã sống và học tập trong môi trường quân đội nên khoảng cách giữa tôi và người lính, có khi không chỉ là đồng nghiệp mà còn là anh em.
Và với người lính, thì tôi không chỉ nghĩ đến hiện tại. Ngay cả khi tôi sinh ra và sống trong thời bình, nhưng cái tâm của mình thì luôn hướng đến những sự hi sinh của những người đã nằm xuống.
Nói như vậy nghe có vẻ hình thức, nhưng không hề hình thức. Bác tôi cũng là liệt sĩ, nằm ở nghĩa trang Trường Sơn nên năm nào về Quảng Trị diễn, tôi đều đến viếng mộ bác. Nhưng điều đặc biệt là, mỗi khi tôi lơ là hay bận tâm điều gì đó thì trong lòng tôi luôn có sự thôi thúc, nhắc nhở mình phải đi đâu đó, có thể không phải là nghĩa trang Trường Sơn thì sẽ là Ngã ba Đồng Lộc hay nghĩa trang Hàng Dương.
Đôi chân tôi cứ muốn đi như vậy. Và hơn 20 năm qua, tôi đã đi đến nhiều nơi có những người lính đã nằm xuống nên cảm xúc có nhiều. Khi đó, tôi “xuất khẩu” thành thơ. Nhưng kể từ khi viết được nhạc, tôi có cơ hội thể hiện nhiều hơn.
Nói chúng ta nhắc nhở nhau nghe cũng có vẻ quá lời nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nhớ đến các anh chị, để cho hương linh của họ không cảm thấy tủi thân. Đó là tâm nguyện khi tôi viết ra những ca khúc như Mười đóa sen thơm.
* Tôi còn được biết, cùng chủ đề về những người thanh niên xung phong, chị còn có ca khúc "Ru em nắm đất Truông Bồn" khá hay nhưng chưa được công bố?
- Trong chuyến đi được mời về hát khánh thành khu di tích Truông Bồn, tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: viết Mười đóa sen thơm cho các chị ở Hà Tĩnh thì các chị ở Nghệ An có “chạnh lòng” không? Nhưng nghĩ vậy mà cũng không viết được ngay đâu. Phải đến cả tháng sau, sát đến ngày biểu diễn, tôi mới viết được.
Khi đọc tư liệu về các chị, tôi được biết, khi mất, nhiều người không thấy xác nữa, có người chỉ còn lại mảnh xương nên các chị được an táng trong mộ chung. Điều đó làm tôi cảm thấy nhói lòng.
Vì thế, nếu nghe Mười đóa sen thơm dù xúc động nhưng vẫn có được sự hào sảng bởi chất liệu ngợi ca, giai điệu và ca từ đời thường, nhẹ nhàng nhưng với Ru em nắm đất Truông Bồn thì âm nhạc có sự mất mát, đau buồn hơn.
Trong sâu thẳm, tôi thấy như những người thân của mình đã ra đi, và như vừa mới đây thôi chứ không phải xa xôi hàng chục năm. Ca khúc Ru em nắm đất Truông Bồn chuẩn bị ghi hình, dự kiến là sẽ ra mắt vào tháng 10 là ngày giỗ của các chị.
Dành một “khoảng trời” âm nhạc hướng về người lính
* Là một ca sĩ hát nhạc truyền thống, cơ hội để chị tiếp xúc với người lính trong các chương trình sự kiện chắc không hiếm. Và điều đó giúp gì cho chị trong quá trình sáng tác về chủ đề này?
- Đúng là trong những chương trình sự kiện, kỉ niệm tôi đều nhận được lời mời tham gia và cảm thấy rất hạnh phúc. Như vừa qua, tôi mới tham gia chương trình cầu siêu tại Quảng Trị và một chương trình của Hội cựu chiến binh tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhưng nếu bảo, gặp gỡ những người lính, cựu chiến binh để tìm cảm xúc cho việc sáng tác của mình thì tôi thấy không nhất thiết. Vì cảm nhận của tôi về con người, không cứ phải là những người đã từng cống hiến mới quý.
Tôi muốn mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Mà cái duyên của cảm xúc đôi khi không hẳn đến từ chủ thể là người lính, có khi lại đến từ chính cuộc nói chuyện này giữa chúng ta, khi tôi và chị đang cùng quan tâm đến những người lính chẳng hạn!
Và tôi thấy, với người lính, mình có mối lương duyên với cả những người đã mất. Gặp lính là có cảm hứng, là được sống rất thật và hết mình. Họ là nguồn cảm hứng bất tận với nghệ sĩ. Nên với sự đau đáu về họ, tôi sẽ luôn dành một “khoảng trời” trong âm nhạc của mình cho những người lính.
* Trò chuyện với chị về người lính mới thấy mảng đề tài này có vẻ đang thiếu hụt ở hiện tại, đặc biệt là những ca khúc dành cho những người lính trong thời bình. Chị nghĩ sao?
- Nếu nghĩ về những người lính thời bình, thì tôi muốn hướng đến Trường Sa.
Kể từ dịp ra Trường Sa từ khi mới 18 tuổi và cho đến giờ, tôi biết mình đã nặng tình với những người lính đảo. Cảm nhận khi hát cho người lính đảo cũng khác với người lính đất liền.
Tôi bắt gặp ở những người lính đảo sự trầm lắng suy tư xuất phát từ nỗi nhớ thương quê hương, người thân, gia đình và trong tư tưởng của họ luôn là một tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Ấn tượng ấy, tôi không thể quên trong tâm tưởng của mình. Và tôi muốn từ nay cho đến về sau, sẽ có nhiều cơ hội được viết về họ hơn.
Trước mắt, tôi vừa hoàn thành xong một tác phẩm được phổ thơ viết về lính Trường Sa. Tác phẩm này cũng sẽ sớm ra mắt công chúng trong tương lai.
Cần một tình yêu chung thủy ở công chúng
* Một nhạc sĩ sáng tác để có tác phẩm thành công còn khó, huống chi là một ca sĩ. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi tự tin là mình có năng khiếu viết nhạc. Nhưng chỉ đến khi cuộc sống có những tác động mạnh về tâm lý, như một sự kích thích, tôi mới cầm bút viết được.
Bản chất của mình là có nhưng giờ mà bảo tôi “cắp” vở đi học là tôi cũng chịu. Nghề chính của tôi vẫn là một ca sĩ. Còn khi nào cảm xúc thật đến, tôi sẽ viết.
Còn nói về thành công, tôi không đặt kỳ vọng đến thế !
Tôi là một người sống an phận, giản dị cũng như muốn được sống thật với chính mình nên trước hết, tôi chỉ muốn thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Tôi đề cao chất lượng tình cảm trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc. Vì thế, tôi không diễn nhiều, viết cũng không nhiều.
Ngay với cả công chúng, tôi cũng chỉ cần một tình yêu chung thủy. Tôi không cần số đông nay đến với mình, mai với người khác. Khán giả thường như vậy còn tôi thì muốn sống rút ruột hơn, dù đó là sự ích kỉ.
* Nói đến chất lượng của sản phẩm, với MV "Mười đóa sen thơm" hay các sản phẩm sắp tới sẽ làm, chị có phải đầu tư đến tiền tỉ như các trước đây không?
- Đầu tư cho một MV thực ra không tốn kém lắm đâu dù nói thì rất “vô cùng”, giống như một bộ quần áo bán ra có nhiều mức giá khác nhau. Quan trọng là bạn sử dụng và giữ gìn nó như thế nào?
Ở tuổi này, tôi nghĩ một MV vài trăm triệu, vừa đẹp, vừa ý nghĩa không có gì là quá sức với tôi cả. Đó cũng là một phần để tôi duy trì hình ảnh với công chúng.
Tôi không giàu có, nhưng tôi đủ điều kiện để làm các sản phẩm âm nhạc theo ý mình, thỏa mãn đam mê với nghề. Còn nhiều người nói họ làm MV tiền tỉ, tôi cũng không hiểu có đến mức ấy không? Còn nếu với số tiền đó trong tay, chắc đủ để tôi cho cả một máy bay xuất hiện trong bối cảnh....
* Chứ không phải chị thiếu “đại gia” để đầu tư?
- Tôi chưa bao giờ có đại gia! Mà thực tế là không phải cứ gặp đại gia mới có điều kiện làm nghề. Hơn nữa, giờ U40 rồi, đại gia nào thích mình được? Còn mình muốn có cũng khó lắm. Đại gia thích các em trẻ mười mấy thôi, mình cũng không còn là nghé non để “cưa” họ.
Sự thật là tư tưởng và số phận con người mình cũng đã định hình rồi. Mình không còn trẻ trung để sống “ngó nghiêng” lung tung, mình cũng đã chủ động trong cuộc sống để làm nghề ý nghĩa nhất, sống một cách thực tế nên để nói đến “đại gia” với tôi thì... thôi, hẹn kiếp sau !
* Vậy có ai bảo với chị rằng cuộc sống tự do khiến chị có nhiều thời gian để sáng tác hơn không?
- Tôi cũng không còn tự do. Giờ, tôi bị “buộc cả chân lẫn cổ” rồi ! (Cười lớn)
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Vài nét về Phạm Phương Thảo 18 tuổi, gái Nghệ Phạm Phương Thảo (sinh năm 1982) “chân ướt, chân ráo” ra Hà Nội, theo học tại trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Trong 3 năm liền (từ 2000-2002), Phương Thảo liên tiếp đạt Huy chương Vàng tại các hội diễn toàn quốc chuyên nghiệp. Năm 2003, cô trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Đây cũng là năm Phương Thảo được biết đến với giải Ba cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc, Sao Mai 2003, đồng thời, được giải Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn. Gái Nghệ là ca khúc đầu tay đánh dấu con đường viết nhạc của Phạm Phương Thảo từ năm 2013. |
An Yên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất